Kế hoạch đặt mục tiêu kéo giảm nợ đọng BHXH ở mức thấp nhất; đồng thời phấn đấu đến năm 2021 có khoảng 53% lực lượng lao động tham gia BHXH, năm 2025 tỷ lệ này đạt 57%…
UBND TPHCM giao BHXH TPHCM tổ chức thanh tra, kiểm tra việc thực hiện BHXH, xử lý nghiêm các đơn vị sử dụng lao động vi phạm pháp luật, chính sách BHXH trên địa bàn. Đối với các đơn vị tái phạm, cố tình không khắc phục nợ BHXH thì lập hồ sơ chuyển cơ quan điều tra xử lý hình sự theo quy định. Công an TPHCM phải chỉ đạo các đơn vị chủ động tiếp nhận các hồ sơ vi phạm pháp luật này và nhanh chóng điều tra, kết luận về hành vi vi phạm BHXH theo Bộ luật Hình sự. Kế hoạch cũng đề nghị TAND TPHCM phối hợp và hỗ trợ các cơ quan liên quan khi có yêu cầu tháo gỡ hoặc giải đáp những vướng mắc trong các vụ kiện về nợ BHXH, hoặc thủ tục khởi kiện.
Theo UBND TPHCM, số người lao động tham gia BHXH trên địa bàn tăng nhanh, lực lượng lao động tham gia BHXH đạt 50,65%, lao động tham gia bảo hiểm thất nghiệp đạt 50,54%, vượt chỉ tiêu Nghị quyết 21-NQ/TW (năm 2012) Ban Chấp hành Trung ương khóa XI. Tuy nhiên, so với quy mô dân số và lực lượng lao động của TPHCM thì tỷ lệ này còn thấp, dưới mức tiềm năng. Cùng đó, các hành vi vi phạm pháp luật về BHXH (trốn đóng, nợ đóng, chiếm dụng tiền BHXH kéo dài; đóng không đủ số lao động thực tế làm việc; tiền lương làm căn cứ đóng BHXH thấp hơn nhiều so với mức lương thực tế...) khá phổ biến. Trong khi đó, việc kiểm tra, giám sát chưa hiệu quả; kết quả xử lý sai phạm chưa kịp thời, thiếu sót, chưa nghiêm và chưa đủ răn đe, làm ảnh hưởng quyền lợi của người lao động.