Xử lý mạnh tay lái xe “điên”

Chỉ thời gian ngắn gần đây, tại Hà Nội và nhiều tỉnh, thành khác trong cả nước đã liên tiếp xảy ra các vụ tai nạn giao thông (TNGT) nghiêm trọng, khiến cộng đồng xã hội xót xa, phẫn nộ. 
Xe ô tô do Lã Trung Hiếu điều khiển gây tai nạn khiến 2 người tử vong tại hầm giao thông Kim Liên, quận Đống Đa (Hà Nội).
Xe ô tô do Lã Trung Hiếu điều khiển gây tai nạn khiến 2 người tử vong tại hầm giao thông Kim Liên, quận Đống Đa (Hà Nội).

Dư luận vẫn chưa hết bàng hoàng sau vụ tài xế Đỗ Xuân Tuyên (49 tuổi, ở phố Kim Mã, phường Ngọc Khánh, quận Ba Đình, Hà Nội) say xỉn điều khiển ô tô đâm vào nhiều người và phương tiện trên đường Láng làm chết chị Lê Thị Thu Hà (công nhân môi trường) đang làm việc.

Rạng sáng 1-5, lại một vụ tai nạn thảm khốc khác xảy ra khi tài xế Lã Trung Hiếu (39 tuổi, ở phố Văn Cao, Liễu Giai, Ba Đình, Hà Nội) điều khiển ô tô 30F-154.78 lưu thông qua hầm giao thông Kim Liên đâm chết 2 người phụ nữ cùng 43 tuổi đèo nhau trên xe máy lưu thông cùng chiều. Sau khi gây ra tai nạn, Hiếu không dừng lại hiện trường mà bỏ chạy về hướng đường Đại Cồ Việt thì bị lực lượng chức năng bắt giữ trong tình trạng nồng nặc hơi men.

Lâu nay, trên các phương tiện truyền thông, cụm từ “xe điên” đã trở nên vô cùng quen thuộc đối với dư luận xã hội và cũng là nỗi ám ảnh kinh hoàng của người dân khi tham gia giao thông. Thực tế hoàn toàn không có “xe điên” vì chiếc ô tô vô tri vô giác chỉ là phương tiện giao thông phục vụ việc đi lại của con người. Do đó chỉ có những kẻ cầm vô lăng say xỉn, nghiện ngập, vi phạm các quy định về an toàn giao thông, coi thường tính mạng chính bản thân mình và những người khác mới là... “điên”.

Thống kê của các bộ ngành chức năng, mỗi năm Việt Nam có hơn 20.000 trường hợp thương vong vì TNGT. Chỉ riêng trong dịp nghỉ lễ 30-4 và 1-5 năm nay, qua số liệu của Ủy ban An toàn giao thông quốc gia cho thấy toàn quốc đã xảy ra hơn 120 vụ TNGT, làm chết và bị thương gần 200 người.

Rõ ràng, đây là những con số đau lòng và đáng báo động về tình trạng giao thông ở nước ta hiện nay. Nguyên nhân dẫn đến các vụ TNGT chủ yếu là: cơ sở hạ tầng, phương tiện vận tải và yếu tố con người. Trong đó, yếu tố con người là cốt lõi khi nguyên nhân của các vụ TNGT xuất phát từ hành vi vi phạm của con người chiếm hơn 60%, với các lỗi như: sử dụng rượu bia, ma túy; chạy quá tốc độ; vượt xe sai quy định; điều khiển phương tiện vi phạm làn đường.

Mới đây, tại cuộc họp của Chính phủ về sơ kết công tác đảm bảo an toàn giao thông quý 1, Trung tướng Vũ Đỗ Anh Dũng, Cục trưởng Cục Cảnh sát giao thông (Bộ Công an), thẳng thắn chỉ rõ, nhiều vụ TNGT đặc biệt nghiêm trọng xảy ra gần đây chủ yếu do lái xe uống rượu bia và sử dụng ma túy.

Để bảo đảm trật tự an toàn giao thông, tạo dựng niềm tin cho người tham gia giao thông, đặc biệt là ngăn chặn được những gã lái xe “điên”, những kẻ cầm lái coi thường pháp luật và tính mạng người khác, đòi hỏi các bộ ngành chức năng cần phải siết chặt lại các khâu đào tạo lái xe, quản lý lái xe và phương tiện, chú trọng việc nâng cao đạo đức và kiến thức pháp luật đối với người lái xe. Đồng thời phải nhanh chóng rà soát bổ sung các quy định pháp luật để xử lý nghiêm khắc những lái xe uống rượu bia, sử dụng ma túy gây tai nạn theo hướng phạt tù thật nặng, tịch thu phương tiện mà người cầm lái là chủ sở hữu và tước giấy phép lái xe vĩnh viễn.

Bên cạnh đó, cùng với việc đẩy mạnh tuyên truyền giáo dục, vận động nâng cao ý thức chấp hành các quy định pháp luật về an toàn giao thông, các cơ quan chức năng cũng cần thường xuyên tổ chức chiến dịch kiểm tra bảo đảm an toàn giao thông, không nên làm theo kiểu “phong trào”, trong đó tập trung vào từng giai đoạn, thời điểm trong năm. Và trên hết, Chính phủ cần sớm sửa đổi, bổ sung những quy định, quy phạm pháp luật răn đe hơn, trách nhiệm hơn và quyết liệt hơn.

Tin cùng chuyên mục