Với hơn 5.800 tàu cá, trong đó một nửa là đội tàu có công suất lớn đánh bắt xa bờ, Bà Rịa - Vũng Tàu được coi là thủ phủ đánh bắt thủy hải sản vùng Đông Nam bộ, với sản lượng khai thác trên 300.000 tấn/năm.
Toàn tỉnh có khoảng 170 doanh nghiệp, trong đó có 53 nhà máy chế biến thủy sản đủ điều kiện tham gia xuất khẩu vào các thị trường lớn trên thế giới, với kim ngạch xuất khẩu hàng năm đạt trung bình vào khoảng 340 triệu USD/năm. Trong số này có 30 doanh nghiệp xuất khẩu vào thị trường châu Âu, có thực hiện xác nhận, chứng nhận nguồn gốc nguyên liệu thủy sản từ khai thác. Tỉnh cũng là nơi tập trung nhiều tàu cá trong và ngoài tỉnh về neo đậu tại 12 cảng cá; 3 khu neo đậu tránh trú bão do nhà nước, tư nhân quản lý. Trong đó có 10 cảng cá được công bố đưa vào danh sách cảng cá chỉ định có đủ hệ thống xác nhận nguồn gốc thủy sản từ khai thác - một trong những yếu tố bắt buộc phải thực hiện để gỡ thẻ vàng cho thủy sản.
Trước những hệ lụy của thẻ vàng thủy sản, cả hệ thống chính trị tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã vào cuộc thực hiện nhiều giải pháp nhằm ngăn chặn tàu cá đánh bắt trái phép. Kết quả từ tháng 7-2019 tới nay, tỉnh không có tàu cá nào vi phạm vùng biển nước ngoài.
Tại cảng cá Cát Lở, phường 11, TP Vũng Tàu (cảng cá loại 1 duy nhất của tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu), ngư dân Trần Văn Hoàng, chủ chiếc tàu công suất hơn 600CV chở theo đầy ắp tôm cá cập cảng, sau gần 2 tháng ròng rã đi biển, cho biết, thẻ vàng thủy sản khiến cả ngư dân và doanh nghiệp đều thấm thía. Đưa tàu sang biển nước bạn, nếu bị bắt giữ thì mất cả tàu lẫn thuyền viên, về nước còn bị phạt nặng nên ai cũng dè chừng. Còn với doanh nghiệp thì thời gian kiểm tra hàng hóa kéo dài, tăng rủi ro và tăng chi phí, gây áp lực không nhỏ.
Theo đánh giá, trong điều kiện ngư trường khó khăn, một trong những yếu tố khiến ngư dân không dám đưa tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài đánh bắt trái phép là do nghị định xử phạt mới có hiệu lực từ 5-7-2019 có mức phạt cao gấp 10 lần so với nghị định cũ. Vi phạm, tàu cá sẽ bị tước đi nhiều ưu đãi, hỗ trợ của nhà nước. Để quản lý chặt chẽ tàu cá, tỉnh thực hiện nghiêm việc lắp đặt thiết bị giám sát hành trình và kiên quyết không cho ra khơi những tàu cá chưa lắp thiết bị.
Tính đến giữa tháng 3-2020, toàn tỉnh đã có 1.972/2.892 tàu khai thác xa bờ lắp thiết bị giám sát hành trình, đạt 68,2%. Trong đó, tàu cá có chiều dài lớn nhất từ 24m trở lên đã lắp thiết bị giám sát hành trình là 260/280 tàu, đạt 92,8%; tàu cá có chiều dài lớn nhất từ 15m đến dưới 24m đã lắp thiết bị giám sát hành trình là 1.712/2.612 tàu, đạt 65,5%. Số lượng tàu cá đã lắp thiết bị thông tin liên lạc định vị vệ tinh GPS VX-1700 là 792 chiếc. Ngoài ra, tỉnh cũng yêu cầu thực hiện nghiêm công tác kiểm soát chặt chẽ tàu cá ra vào cảng, kiểm soát sản lượng thủy sản qua cảng, công tác truy xuất nguồn gốc thủy sản từ khai thác, ghi nhật ký khai thác thủy sản nhằm đảm bảo hồ sơ truy xuất nguồn gốc khớp nối với tất cả các khâu trong chuỗi, từ khai thác trên biển đến khi xuất khẩu.
Ông Lê Tòng Văn, Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, cho biết, mới đây UBND tỉnh đã chỉ đạo các cơ quan chức năng phải kiểm soát chặt chẽ hoạt động của tàu cá trên biển; khoanh vùng các tàu có nguy cơ cao vi phạm để giám sát đặc biệt và xử lý mạnh mẽ tàu cá khai thác trái phép vùng biển nước ngoài. Giám sát tiến độ lắp đặt thiết bị giám sát hành trình theo quy định và rà soát lại quy trình truy xuất nguồn gốc tại các nhà máy, nhằm kiểm tra chặt chẽ nguồn nguyên liệu của các doanh nghiệp xuất khẩu. Bên cạnh đó, tỉnh đã giao công an tỉnh phối hợp với Bộ đội Biên phòng tỉnh triển khai công tác nắm tình hình, xác minh, điều tra các vụ việc vi phạm liên quan đến tàu đánh bắt hải sản trên địa bàn tỉnh.