Xử lý sau thanh tra: Thất thoát nhiều, thu hồi ít

Lãng phí lớn?
Xử lý sau thanh tra: Thất thoát nhiều, thu hồi ít

Việc thu hồi tài sản thất thoát sau thanh tra lâu nay vẫn là bài toán nan giải của không chỉ TPHCM. Báo cáo của Ban Chỉ đạo TPHCM về phòng chống tham nhũng thể hiện rõ: Cả năm 2010, ngành thanh tra thực hiện 169 cuộc thanh tra, phát hiện sai phạm và kiến nghị thu hồi hơn 155 tỷ đồng. Kết quả thu hồi được hơn 3,5 tỷ đồng. Quý 1 năm 2011, ngành thanh tra kết thúc 33 cuộc, kiến nghị thu hồi gần 9 tỷ đồng nhưng chỉ thu hồi được 361 triệu đồng!...

Mặt bằng 462-464 Nguyễn Thị Minh Khai quận 1 TPHCM.

Mặt bằng 462-464 Nguyễn Thị Minh Khai quận 1 TPHCM.

Lãng phí lớn?

Tháng 7-2007, qua thanh tra, Thanh tra TP kết luận: Thu hồi số tiền hơn 132 triệu đồng chi phí không đúng thực tế 2% phục vụ công tác bồi thường của Ban Bồi thường giải phóng mặt bằng huyện Cần Giờ. Đến tháng 8-2010, Ban Bồi thường chỉ mới nộp lại hơn 33 triệu đồng. Tháng 4-2008, Công ty Xuất nhập khẩu đầu tư và xây dựng Gò Vấp bị kết luận, phải trả lại ngân sách hơn 6,33 tỷ đồng từ việc chuyển nhượng dự án khu dân cư Phan Văn Trị trái pháp luật. Đến tháng 7-2010, công ty này chỉ mới nộp tổng cộng… 650 triệu đồng.

Tháng 12-2007, Thanh tra TP kết luận về việc cho thuê và sử dụng nguồn thu mặt bằng 462-464 Nguyễn Thị Minh Khai, Q3 và thu hồi hơn 223 triệu đồng chi không chứng từ. Chẳng những mặt bằng mà cả khoản chi nói trên đến nay cũng chưa thu hồi lại được do đơn vị có liên quan là Công ty Liên doanh PTC-Artkins đã… giải thể. Mới đây nhất, vụ một số thành viên ban lãnh đạo cũ của Công ty Phát triển kinh tế Duyên Hải (Cofidec) gây thất thoát ngân sách hơn 44 tỷ đồng.

Chủ tịch UBND TP Lê Hoàng Quân yêu cầu cơ quan chức năng, bên cạnh việc xử lý các đối tượng theo quy định pháp luật, phải có ngay biện pháp chế tài thu hồi bằng được số tiền thất thoát, không để lãng phí hơn nữa.

Cũng vì sốt ruột trước sự dây dưa của các đơn vị bị thanh tra, Chủ tịch UBND TP Lê Hoàng Quân ban hành Quyết định số 69/2009, giao Thanh tra TP thành lập đoàn thanh tra việc thực hiện các kết luận, kiến nghị, quyết định xử lý về thanh tra đã có hiệu lực pháp luật. Sau khi thanh tra 8 quyết định đối với 7 đơn vị và 11 cá nhân, kết quả chỉ thu hồi gần 2 tỷ đồng trong tổng số hơn 11 tỷ đồng phải thu hồi.

Cũng liên quan đến nội dung thu hồi sau thanh tra, báo cáo việc thực hiện Luật Phòng chống tham nhũng trong 5 năm (2006 - 2010) của ngành thanh tra cho thấy: Qua thanh tra đã kiến nghị thu hồi 576 tỷ đồng, 5 căn nhà và 836.127m² đất. Nhưng chỉ thu hồi hơn 231 tỷ đồng (40%), 2 căn nhà và 51.249m² đất, đồng thời có 1.361 kiến nghị cần chấn chỉnh trong quản lý nhà nước. “Việc chấp hành quyết định xử lý thu hồi số tiền sai phạm qua thanh tra để nộp ngân sách mới chỉ đạt hơn 40% là quá thấp. Số tiền chưa thu hồi chiếm đến 60% đã làm giảm hiệu lực, hiệu quả của công tác thanh tra và ảnh hưởng xấu đến công tác phòng chống tham nhũng” - một cán bộ lãnh đạo thanh tra cho biết.

Điệp khúc “tại, bởi, vì...”

Theo Thanh tra TP, nhiều đơn vị khi “đụng” đến việc thu hồi tiền thất thoát đều viện dẫn rất nhiều lý do “tại, bởi, vì” như khó khăn trong kinh doanh, thiếu vốn… để cố tình không chấp hành hoặc hoãn việc thực hiện. Lý do chưa trả hơn 289 triệu đồng do quyết toán thừa cát san lấp với Trường Cao đẳng Sân khấu Điện ảnh, được Công ty TNHH DVSX và XD Đông Mê Kông giải thích: “Việc xác định hệ số cát lún của công ty so với đoàn thanh tra khác nhau” và đề nghị “có cơ quan kiểm định độc lập để xác định”. Kết luận thanh tra có từ tháng 11-2007 nhưng đến cuối năm 2010 công ty này vẫn chưa thực hiện.

Không chỉ trả dần, trả chậm mà có cả đơn vị “xin thôi không trả”. Khi có quyết định thu hồi số tiền hơn 836 triệu đồng chênh lệch từ việc bán 8 nền đất dự án xây dựng hạ tầng khu nhà ở cán bộ công chức tại phường Hiệp Bình Chánh, Thủ Đức của 11 CBCC thuộc đơn vị, cơ quan Thường trực Bộ Nội vụ phía Nam gửi ngay công văn đề nghị Chủ tịch UBND TP, Chánh Thanh tra TP xem xét chiếu cố hoàn cảnh khó khăn của CBCC. Cơ quan này đề xuất hướng: 3 người xin nộp đủ tiền; 6 người xin trả dần vào hình thức trừ lương tháng hoặc lương hưu; ông Vũ Minh Bồng (người được yêu cầu thu và nộp hơn 836 triệu đồng) đề nghị được miễn nộp vì có gần 40 năm công tác, có 10 năm chiến đấu ở chiến trường, chưa được hưởng chế độ chính sách nhà đất của Nhà nước; ông Trần Thành không có khả năng thu hồi do đã nghỉ hưu từ năm 2004 và có hoàn cảnh khó khăn…

Hồng Hiệp

Tin cùng chuyên mục