Xử phạt hành vi tăng giá khẩu trang

Chỉ thị mới nhất của Thủ tướng về phong dịch ban hành chiều 31-1  nêu rõ nghiêm cấm việc đầu cơ, găm hàng, tăng giá các loại khẩu trang, vật tư, trang thiết bị y tế phục vụ phòng, chống dịch bệnh.  
Khẩu trang y tế hiện nay đang bị "thổi giá"
Khẩu trang y tế hiện nay đang bị "thổi giá"

Do dịch cúm chủng mới nCoV xuất hiện tác động tới tình hình kinh tế giá cả thế giới. Giá khẩu trang, nước rửa tay trong phòng dịch nCoV tăng đột biến do nhu cầu tăng, đã xuất hiên hiện tượng đầu cơ. Hiện nhiều loại khẩu trang y tế được bán đắt gấp 2-3 lần, thậm chí có loại tăng giá gấp 4-5 lần nhưng cũng không còn hàng. Một số hiệu thuốc chỉ bán cho mỗi người mua một hộp, hoặc 10 chiếc. Mỗi hộp khẩu trang y tế bình thường có giá chỉ 30-40.000 đồng nay có nơi "nhảy" lên 300.000 đồng, thậm chí hơn. Tương tự, mặt hàng nước sát khuẩn cũng khan hiếm và giá bị “hét trên trời”.

Chiều 31-1, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, Trưởng Ban Chỉ đạo điều hành giá đã chủ trì cuộc họp đột xuất của Ban Chỉ đạo. Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho biết, do tình hình giá cả ngay từ đầu năm đã có nhiều diễn biến mới, phức tạp nên Chính phủ triệu tập họp Ban Chỉ đạo nhằm đánh giá tình hình điều hành giá ngay từ đầu năm.

Phó Vụ trưởng Vụ Kế hoạch-Tài chính (Bộ Y tế) Lê Thành Công cho biết cả nước có 46 đơn vị sản xuất khẩu trang nhưng nguyên liệu phụ thuộc phía Trung Quốc và bị động kế hoạch sản xuất do sát Tết Nguyên đán; có đơn vị ở Trung Quốc đề nghị nhập khẩu khẩu trang từ Việt Nam. Các đơn vị sản xuất trong nước cũng đang tìm nguyên liệu mới từ châu Âu, các quốc gia khác để nhập khẩu, sản xuất. Về dung dịch sát khuẩn, chủ yếu dùng trong đơn vị y tế qua đấu thầu mua sắm, giờ mỗi gia đình mua thì việc đáp ứng sẽ khó khăn. Về dung dịch sát khuẩn, chủ yếu dùng trong đơn vị y tế qua đấu thầu mua sắm, giờ mỗi gia đình mua thì việc đáp ứng sẽ khó khăn. Đại diện Bộ Y tế khẳng định: “Không có chuyện bệnh viện bán khẩu trang, dung dịch sát khuẩn ra ngoài vì bản thân các bệnh viên rất lo các nguồn cung ứng nội bộ để phòng chống dịch”

Theo đại diện các bộ ngành, khẩu trang y tế không nằm trong diện bình ổn, quản lý giá nhưng mặt hàng này phải niêm yết giá. Không niêm yết bị xử phạt và niêm yết mà tăng giá bán thì sẽ phạt nặng hơn, từ 10-15 triệu đồng và bồi hoàn tiền cho người tiêu dùng. Điều 10, Luật Giá cấm tổ chức, cá nhân kinh doanh lợi dụng thiên tai, địch hoạ để kinh doanh hàng hóa trục lợi. Nghị định số 185 của Chính phủ quy định về xử phạt hành chính cũng quy định mức xử lý với hàng (khẩu trang) giả, kém chất lượng. Điều 196 Bộ luật Hình sự quy định việc găm hàng làm khan hiếm hàng hóa khi thiên tai, địch hoạ sẽ bị phạt từ 30-300 triệu và phạt tù tới 3 năm. Thứ trưởng  Bộ Công thương Đỗ Thắng Hải khẳng định quản lý thị trường sẽ thực hiện theo các quy định hiện hành khi kiểm tra, xử lý các hành vi này.

Theo Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, nhiều dự báo cho rằng, dịch nCoV sẽ tác động lớn nhất tới lĩnh vực nhiên liệu và năng lượng theo xu hướng giảm do kinh tế thế giới sẽ giảm sâu hơn dự báo, tác động tới ngành hàng không, du lịch cũng suy giảm theo. Trong khi đó, Việt Nam là nước có kim ngạch nhập khẩu và xuất khẩu nhiều, có cả mặt lợi và không lợi (giá xăng dầu trong nước giảm, dân được lợi nhưng giá xuất khẩu dầu thô của PVN giảm). Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cũng đặt ra vấn đề xem xét giá khẩu trang, nước rửa tay trong phòng dịch nCoV tăng cao; bảo đảm nguồn cung trong nước và cho khách du lịch cũng như việc Việt Nam quyết định hỗ trợ khẩu trang cho Trung Quốc phòng dịch (Đảng và Nhà nước Việt Nam đã quyết định viện trợ bằng hàng hóa vật dụng y tế trị giá khoảng 0,5 triệu USD để chia sẻ với Chính phủ và nhân dân Trung Quốc đang phải đối mặt với dịch cúm virus Corona lan rộng. Hội Chữ thập đỏ Việt Nam cho biết cũng đã vận động viện trợ hàng hóa giá trị 100.000 USD và 7 tỉnh biên giới phía bắc cũng có các hình thức phù hợp hỗ trợ giúp đỡ cho nhân dân Trung Quốc, nhất là các tỉnh ven biên giới hai nước). Phó Thủ tướng giao quản lý thị trường, thanh tra tài chính tăng cường kiểm tra, xử phạt hành vi không niêm yết giá khẩu trang hoặc niêm yết nhưng tăng giá bán.

Chỉ thị mới nhất của Thủ tướng về phong dịch ban hành chiều 31-1 cũng nêu rõ nghiêm cấm việc đầu cơ, găm hàng, tăng giá các loại khẩu trang, vật tư, trang thiết bị y tế phục vụ phòng, chống dịch bệnh. Các bộ, địa phương tăng cường kiểm soát, quản lý việc này, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.

Tin cùng chuyên mục