

Mới tròn một năm sau khi lực lượng gìn giữ hòa bình của LHQ rút khỏi Đông Timor, đất nước non trẻ và nghèo nàn này đã phải cầu viện lực lượng quốc tế trở lại. Nhiều nhà phân tích cho rằng, tình cảnh hiện nay của Đông Timor không khác nào cuộc hỗn chiến năm 1999, khi người dân Timor quyết định bỏ phiếu trưng cầu dân ý tách khỏi Indonesia. Lực lượng quân đội và cảnh sát chia rẽ sâu sắc, thành năm bè bảy phái. Súng nổ trên khắp các đường phố thủ đô Dili, cửa hiệu, xe cộ bị đốt phá, người dân mất nhà cửa.
Do đâu xảy ra tình trạng hỗn loạn hiện nay ở Đông Timor? Độc lập khỏi Indonesia năm 2002, dưới sự điều hành của LHQ đến tháng 5-2005, Đông Timor đã trở thành một câu chuyện thành công của LHQ. Thế nhưng, trong thời gian còn ở Đông Timor, LHQ từng nhiều lần chỉ trích lực lượng quân đội nước này đã tạo ra quá nhiều sự thù địch. Các công việc chính đều thuộc về các sĩ quan cao cấp của lực lượng thuộc đảng Fretilin đang điều hành, từ đó tạo ra sự bất mãn trong nhiều người.
Khoảng 400 binh lính, trong đó nhiều người xem mình là những cựu chiến binh đã đấu tranh cho nền độc lập của Đông Timor đã kích động tạo nên một cuộc biểu tình hồi tháng 2 đòi tăng lương và cải thiện điều kiện làm việc. Tháng 3-2006, Thủ tướng Alkitiri thải hồi gần 600 người trong lực lượng quân đội chỉ có 1.400 binh lính của nước này, từ đó dẫn đến cuộc nổi loạn như hiện nay.
Trong khi đó, lực lượng cảnh sát Đông Timor hầu như bất lực trước sự nổi loạn của quân đội. Những yếu kém trong 2 thành phần an ninh này cùng với sự điều hành yếu kém của một chính phủ non trẻ, nạn nghèo đói kinh niên cùng với thất nghiệp hầu như trong toàn bộ dân chúng, đã góp phần đẩy Đông Timor sát bờ nội chiến như hiện nay. Thêm nữa, dư luận cho rằng chính phủ của Thủ tướng Mari Alkitiri với nhiều người sống xa xứ trong thời gian Indonesia cai quản Đông Timor, thiếu hiểu biết tình hình đất nước bây giờ trở về nắm quyền nên không được sự ủng hộ của công chúng.
Cơ sở hạ tầng bị phá hủy và nạn hạn hán trầm trọng. Nguồn thu quan trọng nhất của Đông Timor là từ những mỏ khí đốt giàu có ngoài khơi biển Timor nhưng với công nghệ lạc hậu, không có nhà máy sản xuất, đường ống khí đốt thì chuyển thẳng sang Australia, nguồn thu từ dầu khí của Đông Timor chưa tạo ra lợi nhuận gì đáng kể.
Trong khi đó, giữa Tổng thống Xanana Gusmao và Thủ tướng Mari Alkatiri lại có nhiều bất đồng, cả trong việc giải quyết tình hình hiện nay. Tổng thống Gusmao kêu gọi đưa toàn bộ lực lượng an ninh quay trở lại làm việc và tiếp đó để cho lực lượng nước ngoài kiểm soát Đông Timor cho đến khi có cuộc điều tra đầy đủ về sự việc vừa qua.
Tuy nhiên Thủ tướng Alkatiri, người phản đối sự can thiệp của nước ngoài, muốn giải giáp những người nổi loạn và chỉ đưa phần còn lại của lực lượng an ninh trở lại công việc. Bất đồng quan điểm giữa hai vị đứng đầu nhà nước Đông Timor đã khiến tình hình nước này càng thêm hỗn loạn và chưa có hồi kết.
Đức Anh (Tổng hợp)
Thông tin liên quan
Đông Timor non trẻ gặp khó khăn