Xung đột Hamas-Israel: Giá dầu và giá vàng đồng loạt tăng do lo ngại xung đột lan rộng

Ngày 18-10, giá dầu thô đã có thời điểm tăng tới 3% trong bối cảnh có nhiều lo ngại rằng xung đột Hamas-Israel có thể lan rộng thành xung đột khu vực, sau vụ tấn công bệnh viện ở Dải Gaza khiến hàng trăm người thiệt mạng.
Xung đột Hamas-Israel: Giá dầu và giá vàng đồng loạt tăng do lo ngại xung đột lan rộng

Giá dầu thô Brent Biển Bắc tăng 1,8% lên 91,5 USD/thùng, trong khi giá dầu WTI tăng 1,9% lên 88,32 USD/thùng.

Nhà phân tích Ricardo Evangelista của ActivTrades nhận định, vụ tấn công bệnh viện ở Dải Gaza đã làm gia tăng nguy cơ xung đột, giảm cơ hội đạt được giải pháp thương lượng.

Theo chuyên gia này, hiện có nhiều khả năng các bên khác trong khu vực sẽ tham gia vào cuộc xung đột. Kịch bản này chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến nguồn cung dầu toàn cầu và có thể đẩy giá dầu lên mức trên 100 USD/thùng.

Giá xăng dầu được niêm yết tại trạm xăng ở Alhambra, California, Mỹ. Ảnh: AFP/TTXVN
Giá xăng dầu được niêm yết tại trạm xăng ở Alhambra, California, Mỹ. Ảnh: AFP/TTXVN

Giá vàng đã lên mức cao nhất trong hơn 2 tháng, trong khi đồng USD tăng giá trong bối cảnh các nhà đầu tư tìm kiếm kênh đầu tư an toàn.

Căng thẳng leo thang đã góp phần khiến chứng khoán châu Âu giảm điểm, trong đó chỉ số DAX tại Frankfurt (Đức) giảm 1% và chỉ số CAC 40 tại Paris (Pháp) giảm 0,9%.

Lạm phát cao tại Anh khiến chỉ số FTSE 100 tại thị trường London giảm 1,1% xuống 7.588 điểm. Các chỉ số chính của Phố Wall cũng giảm điểm khi đóng cửa phiên giao dịch, trong đó chỉ số Dow Jones giảm 1% và chỉ số Nasdaq giảm 1,6%.

Chuyên gia Karl Haeling của LBBW đánh giá tình trạng bán tháo cổ phiếu chủ yếu phản ánh xu hướng bán tháo trái phiếu kho bạc. Lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 10 năm lần đầu tiên tăng trên 4,9% kể từ năm 2007, khi các nhà đầu tư chuẩn bị cho khả năng lãi suất sẽ duy trì ở mức cao hơn trong thời gian dài hơn.

Trong khi đó, thị trường chứng khoán châu Á hầu hết đều giảm điểm, trong đó có Thượng Hải, Hong Kong (Trung Quốc), Singapore, Mumbai (Ấn Độ), Jakarta (Indonesia) và Manila (Philippines).

Các chỉ số trên thị trường Sydney (Australia), Seoul (Hàn Quốc), Wellington (New Zealand) và Bangkok (Thái Lan) đều tăng nhẹ trong khi chỉ số trên thị trường Tokyo (Nhật Bản) đi ngang.

Trước đó, các số liệu của nền kinh tế Trung Quốc được đánh giá tích cực với tăng trưởng trong quý 3 đạt 4,9% - tốt hơn dự báo trước đó của giới phân tích. Điều này làm tăng hy vọng rằng nền kinh tế lớn thứ hai thế giới sẽ ổn định trở lại sau một năm khó khăn.

Tin cùng chuyên mục