Xung quanh việc cấp giấy chứng nhận VSATTP tại TPHCM: Trách nhiệm... lửng lơ!

Đi thẩm định, cứ tự ý lấy hồ sơ!
Xung quanh việc cấp giấy chứng nhận VSATTP tại TPHCM: Trách nhiệm... lửng lơ!

Sau khi Báo SGGP số ra ngày 14-5 phản ánh về những khuất tất trong việc thẩm định cấp giấy chứng nhận vệ sinh an toàn thực phẩm (VSATTP) tại Trung tâm Y tế dự phòng (TTYTDP) TP, Sở Y tế đã có cuộc họp cùng các cán bộ liên quan để xem xét xử lý trách nhiệm. Xung quanh vụ việc này, dư luận đang đặt câu hỏi liệu công tác thẩm định cấp giấy chứng nhận VSATTP trên địa bàn TP lâu nay có buông lỏng?

Đi thẩm định, cứ tự ý lấy hồ sơ!

Xung quanh việc cấp giấy chứng nhận VSATTP tại TPHCM: Trách nhiệm... lửng lơ! ảnh 1

Cán bộ y tế kiểm tra VSATTP nguyên liệu làm bánh Trung thu tại một cơ sở ở quận Tân Phú. Ảnh: TG.L.

Ngày 16-5, BS Lê Phi Hiền, chuyên viên của khoa VSATTP thuộc TTYTDP TP - Trưởng đoàn thẩm định 3, cho biết đã có đơn kiến nghị cũng như bản giải trình gửi đến các cơ quan chức năng về việc ông bị Sở Y tế “quy kết” với động cơ cá nhân tự ý rút hồ sơ của Công ty TNHH Nước giải khát Nam Bình (Công ty Nam Bình - có trụ sở tại quận Tân Phú) để thẩm định lần 3 mà không được sự đồng ý của Trưởng khoa là Th.s Đào Mỹ Thanh và giấu biên bản thẩm định lần 2 của đoàn thẩm định do Th.S Đào Mỹ Thanh thực hiện nhằm hợp thức hóa hồ sơ khi trình đến Giám đốc TTYTDP và gửi hồ sơ lên Sở Y tế.

Theo trình bày của BS Hiền, việc “quy kết” đó là sai sự thật bởi trước khi lấy hồ sơ của Công ty Nam Bình đi thẩm định vào ngày 25-12-2007, ông đã báo cho người quản lý hồ sơ và ký vào sổ rõ ràng. “Thời điểm trước ngày 18-1-2008, tất cả các trưởng đoàn thẩm định đều làm như thế cả. Vậy thì căn cứ gì để nói tôi tự ý lấy hồ sơ”, BS Hiền bức xúc.

Hơn nữa, theo BS Hiền, Đoàn thẩm định 3 do ông làm trưởng đoàn không có chuyện đi thẩm định lần 3 và ông không hề giấu biên bản thẩm định lần 2. BS Hiền thắc mắc: “Biên bản thẩm định lần 2 có thực hiện hay không và nằm ở đâu. Nếu như Trưởng khoa VSATTP là Th.S Đào Mỹ Thanh biết rằng đã có biên bản này thì cớ gì lại bỏ qua mà trình lên giám đốc và chuyển lên Sở Y tế”. Như vậy, trong vụ việc này Trưởng khoa VSATTP là Th.S Đào Mỹ Thanh không thể không biết.

Theo quy định, đối với các doanh nghiệp được thẩm định để cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện VSATTP thì nếu thẩm định lần 1 không đạt sẽ được thẩm định lần 2. Nếu lần 2 không đạt thì sẽ không xét cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện VSATTP nữa. Tuy nhiên, trường hợp đã thẩm định lần 2 không đạt nhưng bằng cách nào đó “ém nhẹm” đi và tiếp tục thẩm định lần 3 là một “chiêu” hợp thức hóa.

Trách nhiệm... lửng lơ

Theo Phòng Quản lý VSATTP Sở Y tế, tính đến 15-12-2007, toàn thành phố chỉ mới cấp được 7.595 giấy chứng nhận đủ điều kiện VSATTP trong tổng số 24.383 cơ sở ở cấp quận- huyện. Riêng ở cấp phường- xã có 1.709 hộ kinh doanh, cơ sở cần cấp nhưng chỉ mới cấp được chưa tới 1/3.

Xung quanh “lùm xùm” việc thẩm định cấp giấy chứng nhận VSATTP cho Công ty TNHH Nước giải khát Nam Bình được phanh phui, ngày 18-4-2008, Sở Y tế đã có công văn 2131/SYT-Ttra “xử lý” một số thiếu sót tại TTYTDP TP. Tại công văn này, Giám đốc Sở Y tế Nguyễn Văn Châu yêu cầu Giám đốc TTYTDP TP tổ chức kiểm điểm các thành viên liên quan đến việc thẩm định cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện VSATTP cho Công ty Nam Bình. Trong đó trách nhiệm liên quan là khoa VSATTP, BS Lê Phi Hiền và các thành viên Đoàn thẩm định 3. Đồng thời yêu cầu tạm ngưng công tác thẩm định của Đoàn thẩm định 3 do BS Lê Phi Hiền làm trưởng đoàn.

Sau khi có công văn nói trên, lãnh đạo TTYTDP TP đã có cuộc họp tổ chức kiểm điểm và chính Giám đốc TTYTDP TP cũng đã có công văn gửi Sở Y tế. Thế nhưng, qua sự việc không ai nhận trách nhiệm về mình. Chính BS Lê Phi Hiền cho rằng ông không hề sai phạm trong quy trình thẩm định VSATTP đối với Công ty Nam Bình và những gì công văn 2131/SYT-Ttra của Sở Y tế “nhắm” vào ông là không đúng. Còn các thành viên liên quan của Phòng VSATTP cũng biện luận là không dính dáng đến chuyện khuất tất và thực hiện đúng chức năng.

Trước những phản ứng gay gắt xung quanh vụ việc, ngày 15-5, Sở Y tế đã có cuộc họp cùng các cán bộ, thành phần liên quan để phân minh trách nhiệm. Tuy nhiên, quả bóng trách nhiệm vẫn… treo lửng lơ!

Còn nhiều bất cập

Ngoài việc thẩm định, còn nhiều bất cập khác liên quan đến công tác quản lý, giám sát VSATTP trên địa bàn TP, nhất là quy trình cấp giấy chứng nhận tiêu chuẩn sản phẩm cho thực phẩm. Chẳng hạn, ngày 8-6-2007, Phó Giám đốc Sở Y tế Lê Trường Giang ký giấy chứng nhận tiêu chuẩn sản phẩm bột rau câu pha sẵn cho Công ty TNHH TM –SX 3K (139 Đỗ Ngọc Thạnh, P4, Q11). Như vậy có nghĩa sản phẩm rau câu pha sẵn của công ty này đã đủ điều kiện tung ra thị trường và bán cho người tiêu dùng.

Vậy nhưng trước đó, điều kiện VSATTP đối với quy trình sản xuất, chế biến thực phẩm này chưa hề được thẩm định. Tương tự là trường hợp của Xí nghiệp liên doanh VIANCO (451/5 Nguyễn Trãi P7 Q5). Ngày 2-4-2007, xí nghiệp này có đơn đề nghị cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện VSATTP nhưng không hiểu vì lý do gì chưa được thẩm định nhưng ngày 24-7-2007 đã được cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện VSATTP.

Trong khi đó, theo Quyết định của Bộ trưởng Bộ Y tế số 42/2005/QĐ-BYT ngày 8-12-2005 về việc ban hành quy chế công bố tiêu chuẩn sản phẩm thực phẩm thì giấy chứng nhận đủ điều kiện VSATTP là cơ sở để làm hồ sơ thủ tục cấp giấy chứng nhận công bố tiêu chuẩn sản phẩm.

Tường Lâm

Tin cùng chuyên mục