
Tuy đã “lọt” ra khỏi xã thuộc diện 135 (giai đoạn 2) gần 2 năm nhưng cuộc sống của người dân một số bản ở xã San Sả Hồ (Sa Pa, Lào Cai) vẫn còn gặp vô vàn khó khăn, nhất là khi mùa băng giá, rét đậm, rét hại đang về. Ý Lình Hồ 1 và Ý Lình Hồ 2 là một trong hai bản như thế…
Gian nan đường vào bản

Các thầy cô giáo Trường Mầm non San Sả Hồ hằng ngày vẫn phải lội bộ hàng chục km vào Ý Lình Hồ để dạy học.
Những ngày này ở Sa Pa nhiệt độ đang xuống rất thấp, băng giá tràn về phủ kín mọi con đường khiến cuộc sống người dân gặp không ít khó khăn.
Chừng hơn 4g chiều, chúng tôi có mặt ở xã San Sản Hồ. Nằm chênh vênh trên một ngọn đồi, nếu không được một người dân chỉ thì không thể “đoán” đó là trụ sở UBND xã. Tiếp chúng tôi, đồng chí Sùng A Cở, Phó Chủ tịch UBND xã không giấu nổi niềm vui: “Lâu lắm rồi mới có khách dưới xuôi lên đây. Mùa lạnh, phải cho cán bộ nghỉ sớm hơn. Các anh đến chậm mấy phút nữa là không gặp ai đâu”.
Biết chúng tôi có ý muốn vào thăm “bản khó, bản khổ” nhất của xã, đồng chí phó chủ tịch e ngại: “Đường mới bị sạt lở chưa làm lại nên rất nguy hiểm. Không có đường cho xe vào, phải đi bộ hơn mười cây số mới đến được…”. Liệt kê một loạt những khó khăn, nguy hiểm nhưng trước sự quyết tâm của khách, cuối cùng Sùng A Cở cũng nhận lời đưa chúng tôi vào thăm Ý Lình Hồ.
Hơn 5g chiều, những con đường ở đây rất khó nhìn vì mây mù phủ kín. Hết dốc xuống sâu, ngoằn ngoèo qua một vài đoạn cua chúng tôi lại phải “bò” lên những ngọn đồi cao. Càng đi, ánh sáng yếu ớt của buổi chiều đông càng mất dần. Leo đồi, vượt suối chừng hơn một tiếng đồng hồ, trời tối hẳn nhưng trước mặt vẫn là chập chùng những ngọn núi.
Cứ đi được một đoạn, Sùng A Cở lại phải đợi chúng tôi. Đến một đoạn chỉ còn nghe tiếng nước thác chảy ào ào dưới vực, Sùng A Cở cho biết: “Mình đang đứng ở đoạn khó khăn nhất đấy. Đoạn này mới bị sạt hồi đầu năm. Đường trôi hết xuống vực rồi. Hơn nữa, con đường duy nhất dẫn vào bản này mới gặp mưa nên cẩn thận kẻo rơi xuống vực đấy”. Nhích từng bước chân một, chúng tôi phải bám tay vào triền núi cho khỏi bị rớt.
Gần hai tiếng đồng hồ cuốc bộ, ai nấy đều mệt lả chúng tôi mới thấy thấp thoáng trên những ngọn đồi ánh điện của nhà dân. Sùng A Cở cho biết: “Đấy là Ý Lình Hồ 1, đi sâu vào trong là Ý Lình Hồ 2. Có gần 300 hộ nhưng họ sống thưa lắm. Ở đây 100% dân số là người dân tộc Mông”. Men theo con đường nhỏ, chúng tôi tiếp tục hành trình những bước đi cuối cùng để đến được nhà Sùng A Cở.
Nỗi lo… mùa giá rét
Ngồi bên bếp lửa bập bùng, Sùng A Cở mang cuốn sổ đen nhẻm đọc cho chúng tôi những con số “giật mình”. Mới hồi đầu năm nay, rét đậm, rét hại làm chết gần 80 con trâu ở hai thôn Ý Lình Hồ. Chưa kịp khôi phục đàn trâu bò thì cơn bão số 4 hồi tháng 6 tràn qua bản cướp đi 7 con trâu; 8 ngôi nhà trong bản bị sạt lở; ruộng nương của bà con trôi hết xuống sông, suối hoặc bị vùi lấp bởi đất đá trên núi chảy xuống.
“Tuy đất rộng mênh mông nhưng toàn đồi núi có độ dốc lớn cả. Bà con chỉ trông chờ vào lúa nương, ngô và thảo quả. Người Mông chưa có thói quen dành dụm nên mùa giáp hạt nào bà con cũng đói cả” - Sùng A Cở ngậm ngùi.
Gia đình Sùng A Chư là một trong những hộ nghèo nhất của xã. Trước đây, Chư nghiện thuốc phiện. Từ khi chính quyền đến tận nơi vận động thì Chư từ bỏ thuốc phiện. Đợt mưa vừa rồi làm toàn bộ số ruộng của nhà Chư trôi hết xuống sông, trong khi đó thảo quả lại rớt giá.
Gặp chúng tôi, Sùng A Chư nói như mếu: “Giờ không thể kiếm được tiền mua áo cho con đi học mùa giá rét…”. Ở ngọn đồi bên cạnh, nhà Sùng A Giao nằm chênh vênh như sắp đổ. Chúng tôi đến khi cả nhà Giao đang quây quần bên đống lửa. Khoảng hơn chục người. Một chiếc bàn được kê bên cạnh. Trên chiếc bàn là hơn chục bát cơm vừa xới ra và một bát muối trắng thêm vài ba quả ớt.
Thấy chúng tôi tỏ vẻ ngạc nhiên, Sùng A Giao giải thích: “Chợ mãi trên thị trấn Sa Pa cơ. Hơn 2 tuần nay không đi chợ nên chẳng còn gì ăn cả. Phải ăn thêm ớt chấm muối để chống lại cái rét, cái lạnh”. Ngoài cái đói, cái rét, người dân Ý Lình Hồ hiện đang phải đối mặt với cái khát. Có gần chục hộ sống rải rác trên các ngọn đồi cao nên nguồn nước sinh hoạt không thể lên được.
Thầy Phạm Quốc Hưng, Hiệu trưởng Trường Trung học cơ sở San Sả Hồ, sẻ chia: “Vì đường vào Ý Lình Hồ rất khó khăn nên rất nhiều học sinh trong đó đã bỏ học. Cứ mỗi tuần, tôi và một số thầy cô trong trường lại phải vào bản vận động các em đi học. Nhìn thấy các em cuốc bộ cả chục cây số đi học, trên người chỉ có vài ba manh áo mỏng mà chúng tôi không cầm nổi lòng mình…”.
Ý Lình Hồ, tính theo đường chim bay thì rất gần với thị trấn Sa Pa nhưng vì chưa có đường nên trở thành… xa vời. Trời về đêm, đứng ở thung lũng Ý Lình Hồ, ngước nhìn những ánh điện lập lòe trên thị trấn Sa Pa, chúng tôi không khỏi chạnh lòng.
Ông Nguyễn Mạnh Yên, Trưởng phòng Giao thông Vận tải (Sở Giao thông Vận tải Lào Cai) xác nhận: “Theo kế hoạch đến năm 2010 sẽ có 80% số thôn, bản sẽ có đường giao thông nông thôn. Tuy San Sả Hồ đã ra khỏi xã thuộc diện 135 nhưng đường vào hai bản Ý Lình Hồ 1 và 2 vẫn còn rất khó khăn. Ngoài lý do nguồn kinh phí phải phân bổ nhiều nơi thì đường vào Ý Lình Hồ có độ dốc lớn, nhiều sông suối… nên rất khó làm đường”. |
Kỳ Ninh