Yasser Arafat thoát khỏi bộ máy ám sát của Israel- Bài 2: Tê liệt mưu toan xóa sổ đối phương

Kể từ khi Thế chiến II kết thúc, Israel là quốc gia thực hiện các cuộc ám sát và nhắm mục tiêu giết người nhiều hơn bất cứ quốc gia nào ở phương Tây. Nhiều trường hợp gây nguy hiểm đến tính mạng dân thường.  
Không có mục tiêu nào gây cản trở, làm điêu đứng bộ máy ám sát của Israel như Yasser Arafat, nhà lãnh đạo PLO. Có khi ông trốn thoát một cách đơn giản, có khi các quan chức Israel không thể xác nhận đó có phải là ông không và có khi cái giá về sinh mạng của thường dân vô tội quá cao. Mong muốn tiêu diệt Arafat đã được đặt vào trung tâm của mọi cuộc tranh luận ở Mossad.
Trong những năm sau khi Arafat thành lập Fatah, tiền thân của PLO, năm 1959, Mossad phủ nhận ông cũng như bạn bè của ông là sinh viên và trí thức.
Vào năm 1965, khi Fatah đang tiến hành chiến dịch du kích và các hoạt động đầu tiên chống lại Israel, Rafi Eitan - Trưởng bộ phận hoạt động của Mossad ở châu Âu, đã yêu cầu Giám đốc Mossad - Meir Amit, ra lệnh cho Caesarea đột nhập vào căn hộ mà Arafat đã sử dụng làm căn cứ hoạt động tại Frankfurt và giết ông ấy. Nhưng Amit từ chối với lý do, hành động đó giống như bọn côn đồ trẻ. Theo Eitan, nếu Amit nghe lời ông ta thì đất nước không phải chịu nhiều đau khổ như những năm sau đó. 
Tuy nhiên, cuối cùng Eitan đã chiếm ưu thế. Niềm tin rằng ám sát Arafat sẽ giải quyết toàn bộ vấn đề Palestine đã trở thành quan điểm chủ đạo trong cơ quan tình báo Israel nhiều năm sau đó. Israel đã nỗ lực nhiều lần để thực hiện mục đích.
Yasser Arafat thoát khỏi bộ máy ám sát của Israel- Bài 2: Tê liệt mưu toan xóa sổ đối phương ảnh 1 Nhà báo Israel Uri Avnery phỏng vấn Yasser Arafat tại Lebanon ngày 3-7-1982
Đôi khi là những chiến dịch quân sự trực tiếp. Ngay sau cuộc chiến tranh 6 ngày, Arafat phát động hàng loạt hoạt động du kích từ Đông Jerusalem đến bờ Tây. Ưu tiên hàng đầu của binh lính Israel là tấn công ngôi nhà của Arafat. Nhưng họ chỉ muộn vài phút, thức ăn trên bàn vẫn còn ấm. 
Có một số kế hoạch phức tạp hơn. Lấy cảm hứng từ bộ phim Người Mãn Châu, Israel đã dành 3 tháng vào năm 1968 để biến một người Palestine thành kẻ giết người được lập trình. Chỉ trong vòng 5 tiếng đồng hồ sau khi được thả ra để thực hiện nhiệm vụ, anh ta đi đến đồn cảnh sát địa phương, giao nộp súng và nói rằng, tình báo Israel đã cố gắng tẩy não anh ta để giết Arafat. 
Những kế hoạch đó không chỉ thất bại, không chỉ làm Israel bối rối mà còn làm cho Arafat ngày càng nổi tiếng, như ông viết trong những câu chuyện mà mình thoát hiểm một cách thần kỳ. Ngoài việc được người dân tôn thờ, Arafat còn nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ ở nước ngoài.
Nhà lãnh đạo Đông Đức Erich Honecker coi ông như một nhà cách mạng chân chính, như Fidel Castro và Honecker cung cấp cho người Palestine vũ khí cùng những thông tin tình báo. Vào thời điểm đó, CIA cũng hỗ trợ Arafat thông qua một kênh tài trợ.
Những năm 1970, Arafat hầu như là nhân vật không thể chạm tới. Ông là người đứng đầu nhà nước trên thực tế và được sự ủng hộ rộng rãi của cộng đồng quốc tế. Việc ám sát công khai một nhân vật như vậy sẽ phá vỡ tất cả quy tắc của quan hệ quốc tế. Người Israel chỉ còn biết xem xét và nghiến răng. 
Trước năm 1979, Israel và PLO tiến hành hàng loạt cuộc tấn công và phản công dường như không có kết thúc. Hàng ngàn người vô tội của cả 2 bên bị thiệt mạng.
Ngày 8-5-1981, Thủ tướng Menachem Begin bổ nhiệm Ariel Sharon làm Bộ trưởng Quốc phòng. Nhiều thành viên quốc hội lo ngại, thậm chí còn đùa rằng: “Sharon có thể tấn công quốc hội bằng xe tăng”. Sharon nhanh chóng thể hiện quyết tâm.
Ông ta đặt sự chú ý vào Arafat và bật đèn xanh cho một chiến dịch mà theo ông, nếu thành công nó sẽ thay đổi toàn bộ cục diện lịch sử Trung Đông.
Chiến dịch gọi là Olympia, nhằm đặt hệ thống bom cực mạnh dưới khu ghế dành cho khách VIP tại sân vận động Beirut, nơi PLO sẽ tổ chức kỷ niệm chiến dịch đầu tiên chống Israel vào ngày 1-1-1982. Chỉ cần nhấn nút là hủy hoại toàn bộ ban lãnh đạo Palestine. 
Tất cả đã sẵn sàng, kể cả khối thuốc nổ khổng lồ đã được chôn dưới dãy ghế VIP và 3 chiếc xe tải chở đầy thuốc nổ đậu xung quanh sân vận động để đánh nhồi lần thứ 2 sau khi những người sống sót chạy ra bên ngoài.
Theo lời kể của một sĩ quan cấp cao Bộ Tư lệnh miền Bắc, cái chết và sự tàn phá được xem là lớn chưa từng có. Nhưng một nhóm các sĩ quan AMAN, cũng như Thứ trưởng Quốc phòng băn khoăn và họ đã đến gặp Thủ tướng Begin yêu cầu ông ra lệnh dừng lại.
“Ông không thể giết cả sân vận động, cả thế giới sẽ lên án chúng ta”, một sĩ quan nói với Begin. Cuối cùng, Begin quyết định dừng chiến dịch. Lúc đó, Sharon đang lên một kế hoạch lớn hơn. Ngày 6-6, quân đội Israel tấn công dọc biên giới Lebanon.
Một lực lượng gồm 56.000 quân, 800 xe tăng, 1.500 xe quân sự tiến về phía Bắc (Lebanon) và trong vòng 2 tuần vây hãm, bắn phá các làng mạc phía Tây thủ đô Beirut của Lebanon. Sharon xem cuộc tấn công như một cuộc chiến tranh có giới hạn, nhằm xóa bỏ các đơn vị pháo binh Palestine thường xuyên đe dọa người Israel, nhưng trên thực tế, ông ta có cái nhìn xa hơn: Israel sẽ chiếm đóng toàn bộ Lebanon và trục xuất người Palestine sang Jordan, nơi họ có thể chiếm đa số và thành lập một nhà nước Palestine trên vùng đất của vương quốc Hashemite.
Nhờ đó Sharon sẽ loại bỏ yêu cầu của Palestine về việc thành lập Nhà nước Palestine ở bờ Tây, vùng đất có thể trở thành một phần lãnh thổ của Israel. Trong âm mưu này có yếu tố quan trọng hơn, chính là kế hoạch giết Arafat. 
Khi chiến tranh giới hạn kết thúc, một lực lượng với mật danh là Salt Fish được thành lập, nhằm theo đuổi âm mưu ám sát ông Arafat.
Các lãnh đạo Salt Fish sau này thú nhận: Đó là một nhiệm vụ phức tạp. Họ thu thập thông tin từ nhiều nguồn khác nhau, xác định vị trí trên bản đồ, quy chiếu xuống tọa độ chính xác và báo cho không quân tiến hành không kích. Arafat hiểu rằng, không phải ngẫu nhiên mà các cuộc không kích nhiều lần nhắm vào những nơi ông sắp đến hoặc vừa rời đi.
Vì vậy, ông không bao giờ làm việc theo thói quen của mình. Nhóm theo dõi ngày càng tuyệt vọng và họ đã đưa ra nhiều kế hoạch ngày càng tàn ác. 
Yasser Arafat thoát khỏi bộ máy ám sát của Israel- Bài 2: Tê liệt mưu toan xóa sổ đối phương ảnh 2 Nhà báo Ronan Bergman - tác giả của cuốn sách viết về những kế hoạch ám sát nhà lãnh đạo Palestine Yasser Arafat, được tờ New York Times đăng
Ngày 3-7-1982, Uri Avnery - biên tập viên tạp chí cánh tả của Israel cùng với 2 phóng viên vượt chiến tuyến sang Lebanon để phỏng vấn Arafat. Cuộc gặp gỡ dấy lên cuộc tranh cãi ở Israel vì Arafat là kẻ thù của Nhà nước Do Thái và đây là cuộc gặp đầu tiên của ông với người Israel.
Đội Salt Fish quyết định lợi dụng cơ hội này để ra tay với Arafat. Nhưng Arafat nghi ngờ Mossad đang theo dõi Avnery nên các vệ sĩ của ông đã thực hiện các biện pháp đối phó thông minh, đánh lừa Salt Fish và cuối cùng Salt Fish mất dấu họ. 
Một tháng sau, vào đêm 4-8, các chỉ huy Cục Các chiến dịch phòng không tự tiến hành cuộc oanh kích một tòa nhà văn phòng ở Beirut, nơi có thông tin cho rằng Arafat sẽ dự cuộc họp tại đó. Họ ném 2 quả bom vào mục tiêu, rồi thêm 1 quả nữa để chắc chắn. Nhưng Arafat một lần nữa thoát chết vì bom rơi ngay trước khi ông ấy đến.
Dự định ám sát Arafat của Sharon không bao giờ thay đổi. Sharon hướng dẫn các tổ chức tình báo tìm ra một giải pháp tinh tế hơn để giết nhà lãnh đạo PLO. Chiến dịch Salt Fish được đổi thành Goldfish, nhưng nhiệm vụ vẫn như vậy và Sharon ra lệnh rằng đó là ưu tiên hàng đầu.  
Tuy nhiên, cuối cùng những kế hoạch của Sharon về tội ác chiến tranh có chủ ý đã bị trật bánh vì chính sự vô đạo đức của ông ta trong quá khứ. Dưới áp lực mạnh mẽ của người dân Israel và cộng đồng quốc tế, Begin bắt đầu mở cuộc điều tra về vụ thảm sát các trại tỵ nạn ở Beirut trước đó.
Ủy ban điều tra kết luận, vụ thảm sát do nhóm dân quân tự vệ Thiên chúa giáo Maronite ở Lebanon, gọi là Phalange thực hiện, nhưng nhiều người Israel, trong đó có Sharon đã dính líu với Phalange và chịu trách nhiệm vụ thảm sát này. Sharon bị buộc từ chức Bộ trưởng Quốc phòng. 
Sau đó, dần dần người Israel hiểu rằng, Arafat là một vấn đề chính trị, chứ không còn là mục tiêu để ám sát nữa. Sharon đã lấy lại quyền lực, và năm 2001 trở thành Thủ tướng Israel. Sharon cũng chấp nhận rằng, không có gì có thể ngăn cản được việc thành lập một Nhà nước Palestine độc lập, nhưng ông ta vẫn căm ghét Arafat.
Nhà lãnh đạo Palestine đã thoát chết rất nhiều lần, người mà Sharon cố gắng không mệt mỏi để trừ khử đã phải chịu đựng căn bệnh bí ẩn dẫn đến đột quỵ. Ông mất ngày 11-11-2004, thọ 75 tuổi. Cho đến nay, nhiều cuộc tranh luận đã nổ ra giữa các chuyên gia pháp y và chuyên gia phòng thí nghiệm về việc có hay không việc ông Arafat bị nhiễm phóng xạ, một chất độc thường được dùng trong các âm mưu ám sát.

Tin cùng chuyên mục