Yêu Sài Gòn - TPHCM như ta đã yêu

Một người chạy xe ôm, một người buôn thúng bán bưng… cuộc sống còn nghèo nhưng ai cũng nói yêu thành phố này. Nhà văn Sơn Nam - như một nhà “Sài Gòn học” thì bảo, thành phố này được coi như một quê hương với cả những người mà TPHCM không phải là quê hương. Ai cũng thấy TPHCM hiện đại, trong sự phát triển có lúc có cảm giác bề bộn của nó… Đó đều là cảm nhận đúng nhưng chỉ là vẻ bề ngoài.
Yêu Sài Gòn - TPHCM như ta đã yêu

Cuốn bút ký Thành phố vượt vũ môn của nhà văn Dương Trọng Dật lý giải tình yêu TPHCM từ phía bên trong - một thành phố đang trên con đường vượt vũ môn để hóa rồng, bỗng giật mình vì những con số thật, con người thật - những sự thuyết phục đầy cảm xúc, hoàn toàn không giống một bản nghiên cứu hay báo cáo ta vẫn nghe đầy trên truyền thông và trong các hoạt động ào ạt của cuộc sống sôi động vào bậc nhất của cả nước - TPHCM.

Thành phố vượt vũ môn lý giải những thành công từ quá trình đổi mới của thành phố. Đó là con đường đổi mới hợp quy luật bắt đầu từ trí tuệ nhân dân - là công cuộc đổi mới của dân, do dân và vì dân. Đó là nơi bắt đầu của những câu chuyện cổ tích “Vừng ơi! mở ra” với những huyền thoại có thật trong đời thường - chuyện cổ tích của Phố Đông bắt đầu từ đường hầm vượt sông Sài Gòn, điểm nối hai bờ Tây và Đông thành phố: “Giấc mơ đau đáu cả đời của những người dân ven sông, chỉ cách trung tâm hoa lệ 300 mét đường sông bao năm khắc khoải nhìn về cái vùng sáng bồn chồn thương nhớ”. 

Đó là câu chuyện anh Việt kiều Canada David Phan Thành khát vọng dựng lại hồn quê “Làng tôi” - cực đẹp, mà có người tưởng như một ước vọng điên khùng, đã biến một khu đầm lầy, thành một khu làng quê điển hình tốn đến 7,8 triệu USD. 

Chỉ chưa đầy 200 trang sách, nhà văn Dương Trọng Dật đã dẫn ta đi qua  những công trình lớn của thành phố: Khu đô thị Phú Mỹ Hưng, Metro Bến Thành - Suối Tiên, tòa tháp Bitexco 68. Đó là “Nhiêu Lộc lại xanh”, khát khao cải thiện môi trường sống cho nhân dân của lãnh đạo thành phố. Đó là quyết tâm của TPHCM: Đầu tư 1.600 tỷ đồng giải tỏa nhà ổ chuột của 7.000 hộ dân. Đó cũng là quyết tâm đầy nhân văn và vị nhân sinh của việc cải tạo kênh Bến Nghé - Tàu Hủ, kênh Tân Hóa - Lò Gốm…

Nhưng cuốn bút ký không chỉ dừng ở những công trình vĩ đại mà dẫn ta đi vào những vẻ đẹp bất ngờ: màu xanh mát vườn lan ở Xuân Thới Sơn với câu chuyện kỳ công mà tinh tế về chương trình phát triển hoa lan của tỷ phú  xuất thân nông dân Trần Văn Xê. Rồi vườn cò Long Thạnh Mỹ ở vùng bưng 6 xã với mô hình du lịch miệt vườn đặc sắc ở TPHCM. 

Cuốn bút ký không làm ta mệt dù đọc nhiều con số, bởi đó là những con số chắt lọc, có hồn, làm ta thêm yêu, yêu rất nhiều con người TPHCM, những con người hào hiệp trượng nghĩa, dám làm dám ước mơ. Cứ yêu Sài Gòn - TPHCM như ta đã yêu. Từ những quán cơm 2.000 đồng, từ những thùng nước, bánh mì miễn phí và quần áo tự đem đến cho ai cần thì lấy, những chuyến xe cơm cháo miễn phí cho bệnh nhân... Tập bút ký này góp phần cho tình yêu thành phố sâu sắc hơn thật nhiều.

Tin cùng chuyên mục