Biểu tượng “Mùa xuân Ảrập” tàn lụi

Ngày 6-7, hàng chục ngàn người ủng hộ Tổng thống Hồi giáo Mohamed Morsi bị lật đổ của Ai Cập tiếp tục xuống đường đụng độ với những người chống đối ông làm 30 người thiệt mạng trên toàn quốc. Bất ổn tại Ai Cập dẫn đến đảo chính quân sự và đất nước chìm trong bạo lực vì chia rẽ cho thấy ước mơ về nền dân chủ thật sự của người dân Ai Cập xem ra còn quá xa vời.
Biểu tượng “Mùa xuân Ảrập” tàn lụi

Ngày 6-7, hàng chục ngàn người ủng hộ Tổng thống Hồi giáo Mohamed Morsi bị lật đổ của Ai Cập tiếp tục xuống đường đụng độ với những người chống đối ông làm 30 người thiệt mạng trên toàn quốc. Bất ổn tại Ai Cập dẫn đến đảo chính quân sự và đất nước chìm trong bạo lực vì chia rẽ cho thấy ước mơ về nền dân chủ thật sự của người dân Ai Cập xem ra còn quá xa vời.

        Bạo lực bùng phát dữ dội

Sáng 6-7, tại Cairo, trên quảng trường Tahrir và khu vực hướng đến sông Nile, một không khí vắng lặng bao trùm với những đống đổ nát ngổn ngang sau một cuộc đụng độ giữa hai bên trong đêm. Cuộc đụng độ chỉ kết thúc khi quân đội triển khai vũ khí hạng nặng đến để chia cắt hai lực lượng. Trong khi đó, trên toàn quốc, các lực lượng Hồi giáo ủng hộ Morsi đã tấn công hàng loạt trụ sở chính quyền địa phương, các cơ sở quân sự và đồn cảnh sát.

Theo AFP, ở phía Bắc bán đảo Sinai, những người vũ trang ủng hộ ông Morsi đã xông vào trụ sở chính quyền thị trấn El-Arish đấu súng với lực lượng quân đội. Ít nhất 12 người thiệt mạng tại TP Alexandria, ven Địa Trung Hải khi hai lực lượng chống và ủng hộ ông Morsi đụng độ nhau. Những người Hồi giáo tấn công bất cứ ai mà họ cho là phản đối ông Morsi. Cảnh sát tiếp tục bắt giữ nhiều chính khách Hồi giáo hàng đầu, trong đó có Khairat al-Shater, được cho là người có quyền lực lớn nhất của phong trào Anh em Hồi giáo.

Đụng độ giữa những người ủng hộ và chống đối Tổng thống bị lật đổ Morsi.

Đụng độ giữa những người ủng hộ và chống đối Tổng thống bị lật đổ Morsi.

Trong khi đó, người phát ngôn của Tổng Thư ký LHQ Ban Ki-moon dẫn lời ông nói cuộc khủng hoảng ở Ai Cập được giải quyết một cách hòa bình, vì vậy không có chỗ cho sự trừng phạt hoặc loại trừ lẫn nhau. Những người Hồi giáo cáo buộc quân đội tiến hành một cuộc đảo chính trắng trợn chống lại ông Morsi, tổng thống dân cử đầu tiên của Ai Cập. Hàng triệu người Hồi giáo ủng hộ ông Morsi thề sẽ tiếp tục đấu tranh cho đến khi ông Mohamed Morsi trở lại ghế tổng thống.

        “Mùa xuân Ảrập” vẫn chỉ là khát vọng

Theo nhiều nhà quan sát, cuộc nổi dậy “Mùa xuân Ảrập” khởi nguồn từ tháng 12-2010 và lan truyền rộng rãi trong thế giới Ảrập trong năm 2011, giờ đây chứng kiến sự đổ vỡ, nói cho đúng hơn là “Mùa xuân Ảrập” chưa thể mang lại mùa xuân cho các nước Ảrập. Ai Cập nổi lên những biểu hiện mang tính biểu tượng nhất của “Mùa xuân Ảrập” đang trải qua giai đoạn bạo loạn.

Tờ Albany Tribune dẫn lời các nhà phân tích đặt câu hỏi rằng, vì sao “Mùa xuân Ảrập” tàn lụi và tàn lụi như thế nào? Ai Cập đã được đặt dưới sự cai trị độc tài của Tổng thống Hosni Mubarak trong gần 3 thập kỷ qua. Người dân oán giận do những chính sách vĩ mô sai lầm và tham nhũng trở thành đại dịch. Quần chúng Ai Cập đã tìm kiếm cho mình một sự thay đổi chế độ đó có thể mở ra một thể chế dân chủ. Quảng trường Tahrir đã chứng kiến sự sụp đổ của chế độ độc tài và trở thành biểu tượng của nhiều nước Ảrập. Rất tiếc là biểu tượng này đã lung lay.

Tổng thống Morsi là người được dân bầu nhưng không phải là dân chủ thuần túy như dân chúng Ai Cập từng mong ước. Ông dần dần trở thành biểu tượng của phong trào Anh em Hồi giáo cực đoan. Người dân Ai Cập nhận ra rằng cuộc cách mạng của họ thật sự chỉ thay thế thế lực này bằng một thế lực khác, xem ra cũng độc tài không kém. Kết quả là cuộc đảo chính của quân đội. Nhưng giờ đây, người dân Ai Cập đang chờ đợi trong lo lắng, liệu quân đội có trở lại là một lực lượng độc tài như đã từng xảy ra trong thời gian dài của lịch sử Ai Cập.

Theo các nhà phân tích, “Mùa xuân Ảrập” dẫu sao cũng phản ánh một khát vọng chính đáng của người dân về một xã hội tốt đẹp hơn nhưng nó đã bị các thế lực lợi dụng theo mục đích riêng của từng thế lực, trong đó có Mỹ, chế độ quân chủ Ảrập, chế độ quân sự Ảrập và các tổ chức Hồi giáo cực đoan trong thế giới Ảrập.

THỤY VŨ (tổng hợp)

- Thông tin liên quan:

>> Hồi kết của cuộc cách mạng bị đánh cắp

Tin cùng chuyên mục