3 trường hợp nghi mắc cúm A/H1N1 tại sân bay Tân Sơn Nhất: Kết quả xét nghiệm âm tính

Ngày 3-5, Trung tâm Kiểm dịch y tế quốc tế TPHCM cho biết qua giám sát dịch tễ đo thân nhiệt đã phát hiện 3 trường hợp nghi ngờ mắc cúm A/H1N1. Đó là 3 hành khách đến từ Hồng Công (Trung Quốc) và Mỹ qua cửa khẩu sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất.

  • Thân nhiệt bất thường

Bác sĩ Hoàng Ngọc Hùng, Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm dịch y tế quốc tế cửa khẩu sân bay Tân Sơn Nhất, cho biết, hơn 23 giờ đêm 2-5, các nhân viên kiểm dịch tập trung theo dõi trên màn hình vi tính của máy đo thân nhiệt đối với đoàn khách quốc tế vừa vào cổng cửa khẩu sân bay thì bất ngờ trên màn hình lóe sáng lên một cách lạ thường. Tổ trực kiểm dịch định vị được vị khách có thân nhiệt bất thường và ân cần mời vào phòng cách ly trung tâm.

Đó là một em bé đến từ Hồng Công (Trung Quốc). Ngay tức thì, em bé nghi mắc cúm A/H1N1 đến từ Hồng Công đã được nhanh chóng đưa tới BV Nhi đồng 1 TPHCM kiểm tra. Đến sáng 3-5, đã xác nhận được bé gái này (ngụ tại huyện Hóc Môn TPHCM) vừa đi du lịch với gia đình và trở về Việt Nam thì thân nhiệt có biểu hiện lạ giống như lên cơn sốt.

Khoảng 11 giờ sáng qua, Trung tâm Kiểm dịch y tế quốc tế TPHCM lại ghi nhận thêm 2 trường hợp nghi mắc cúm A/H1N1 (thân nhiệt cao hơn 370C). Đó là 2 hành khách đến từ Mỹ trên chuyến bay nhập cảnh qua sân bay Tân Sơn Nhất, 2 hành khách được chuyển đến Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TPHCM kiểm tra dịch tễ.

Theo bác sĩ Phan Văn Nghiệm, Trưởng Phòng Nghiệp vụ Y Sở Y tế TPHCM, 3 trường hợp nói trên là 3 ca đầu tiên trong tổng số gần 40.000 hành khách quốc tế đến Việt Nam kể từ ngày 26-4 đến nay, nghi ngờ mắc cúm A/H1N1. Nhưng qua test nhanh, cả 3 trường hợp trên đều âm tính với cúm A/H1N1.

Cũng theo bác sĩ Nghiệm, cùng ngày 3-5, ngoài báo cáo với Bộ Y tế, sở đã yêu cầu cơ quan chức năng y tế huyện Hóc Môn theo dõi giám sát chặt chẽ đối với bé gái tại địa phương; đồng thời chỉ đạo hệ thống trung tâm y tế dự phòng 24 quận huyện giám sát chặt đối với 2 hành khách người Mỹ nói trên. Ông cũng cho hay trong ngày đã có 40 cuộc điện thoại trên toàn quốc vào đường dây nóng của sở để nhờ tư vấn sức khỏe liên quan cúm A/H1N1.

  • Triển khai ứng phó

Hôm qua, theo chỉ đạo của UBND TPHCM, Sở Y tế TPHCM, các địa phương lân cận sân bay Tân Sơn Nhất gồm quận 12, Tân Bình, Tân Phú đã triển khai công tác phòng chống dịch cúm A/H1N1. Theo ông Huỳnh Văn Hạnh, Chủ tịch UBND quận Tân Phú, quận đã triển khai nóng việc phòng chống dịch cúm A/H1N1, nhất là phường Tân Sơn Nhì và phường Tây Thạnh, vì nằm gần sân bay.

Trong khi đó, ông Đặng Văn Đức, Chủ tịch UBND quận 12, cho biết quận coi trọng hai tuyến đường Tô Ký và quốc lộ 1A thực hiện vận chuyển người khi có cúm xảy ra. Ngoài ra, tại bệnh viện mới xây rộng 16.000m² đủ bố trí khu cách ly… 

TƯỜNG LÂM


Xét nghiệm, phát hiện nhanh, chính xác virus cúm A/H1N1

(SGGP).- Chiều 3-5, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Quốc Triệu đã đến kiểm tra công tác phòng chống, giám sát dịch cúm A/H1N1 tại Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương. PGS-TS Nguyễn Trần Hiển, Viện trưởng cho biết, Phòng thí nghiệm an toàn sinh học cấp 3 đạt tiêu chuẩn WHO của viện hoàn toàn có khả năng xét nghiệm phát hiện được sớm virus H1N1. Đồng thời phối hợp chặt chẽ hơn với các Viện Pasteur và các địa phương trong cả nước nhằm chủ động hơn nữa trong việc giám sát các trường mắc cúm và kịp thời phát hiện được những chủng virus cúm lạ.
 

Bộ trưởng Nguyễn Quốc Triệu đề nghị Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương tiếp tục đẩy mạnh giám sát dịch tễ dịch cúm A/H1N1 cũng như các dịch bệnh nguy hiểm khác. Đồng thời nâng cao khả năng xét nghiệm nhằm phát hiện nhanh nhất, chính xác nhất các trường hợp mắc cúm, nhất là cúm A/H1N1.

Từ tuần này, Bộ Y tế sẽ triển khai tập huấn phác đồ điều trị cúm mới cho đội ngũ y, bác sĩ của các bệnh viện trên toàn quốc và công tác giám sát dịch tễ, phát hiện bệnh nhân nghi mắc cúm A/H1N1. Bộ Y tế và các đơn vị chức năng sẽ tiến hành thăm dò nhu cầu sử dụng các loại thuốc chữa bệnh cúm, sàng lọc những đối tượng nghi mắc bệnh tại cộng đồng nhưng không vào cơ sở y tế điều trị. Đặc biệt, yêu cầu các trung tâm dược phẩm báo cáo về Sở Y tế hoặc Bộ Y tế trong trường hợp nhóm thuốc chữa bệnh như cúm, sốt, ho được mua nhiều bất thường.

Được biết, Bộ Y tế cũng đã xây dựng và đề xuất nhu cầu kinh phí cho đầu tư trang thiết bị y tế, thuốc men và các hoạt động phòng chống dịch cúm A/H1N1 là 230 tỷ đồng. Đồng thời, đề nghị Tổ chức Y tế thế giới (WHO) hỗ trợ hơn 600.000 bộ trang phục chống dịch, 15.000 hộp nước rửa tay vệ sinh và thuốc Tamiflu.

Cùng ngày Thạc sĩ Nguyễn Hồng Hà, Phó Viện trưởng Viện các bệnh truyền nhiễm và nhiệt đới quốc gia cho biết, trong ngày viện tiếp nhận 3 bệnh nhân có những biểu hiện của bệnh cúm như sốt cao, viêm phổi nhẹ, đau đầu... Kết quả xét nghiệm mẫu bệnh phẩm những bệnh nhân trên đều mắc cúm A type H3 (H3 cũng là một chủng virus cúm type A, tuy độc lực không cao bằng H5N1 nhưng vẫn gây bệnh nặng và dễ lan thành dịch).

Hiện nay, các bác sĩ vẫn đang theo dõi tình trạng sức khỏe của những bệnh nhân trên. Ông Hà cũng cho biết, viện có gần 170 giường bệnh và luôn sẵn sàng tiếp nhận khi có bệnh nhân. 

Hôm nay 4-5, Bộ Y tế sẽ tổ chức Hội nghị truyền hình giữa Bộ Y tế và Giám đốc Sở Y tế và Trung tâm Y tế dự phòng của 63 tỉnh, thành phố về các biện pháp phòng, chống dịch cúm A/H1N1 trên toàn quốc. Tiếp đó, ngày 6-5, Bộ trưởng Bộ Y tế sẽ có cuộc họp với Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh khu vực miền Nam có đường biên giới, cửa khẩu quốc tế để triển khai các biện pháp phòng chống dịch cúm A/H1N1.

Từ nay đến ngày 12-5, Bộ Y tế sẽ tổ chức tập huấn về công tác giám sát, xử lý ổ dịch, điều trị cúm A/H1N1 cùng với công tác tuyên truyền cho các đơn vị y tế 63 tỉnh, thành phố tại 3 khu vực. Bộ Y tế đang tiếp tục phối hợp chặt chẽ với WHO trao đổi thông tin và đề nghị WHO hỗ trợ thuốc, mẫu bệnh phẩm, vật tư hóa chất phục vụ công tác phòng chống dịch cúm A/H1N1 với hiệu quả cao nhất.

* Theo WHO, đến nay đã có 16 quốc gia chính thức thông báo ghi nhận 658 trường hợp mắc và dương tính với cúm A/H1N1. Tại Việt Nam chưa ghi nhận trường hợp bệnh nhân cúm A/H1N1 nào.

Q. KHÁNH


Các địa phương phòng, chống dịch cúm A/H1N1

Hà Nội: Sở Y tế đã lập đường dây nóng để tiếp nhận và giải đáp thông tin về cúm A/H1N1 24/24 giờ tại số máy 04.38437022.

Ngoài ra, tất cả hành khách tới sân bay quốc tế Nội Bài đều phải kiểm tra thân nhiệt, thực hiện khai báo về tình trạng sức khỏe, đặc biệt là những triệu chứng ho, sốt, đau ngực... và nơi xuất phát đến Hà Nội. Hiện ngành y tế Hà Nội đã chuẩn bị 100 giường bệnh ở 3 bệnh viện lớn để tiếp nhận bệnh nhân.

Lạng Sơn: Đã hơn 10 ngày qua, không chỉ tại các cửa khẩu mà cả trên các đường mòn trên tuyến biên giới trong tỉnh đều đặt trong trạng thái báo động về dịch cúm A/H1N1. Sáng 3-5, tại cửa khẩu quốc tế Hữu nghị quan, Trung tâm Kiểm dịch y tế quốc tế thuộc Bộ Y tế tại Lạng Sơn cũng đã có cuộc trao đổi cùng với Cục Kiểm dịch kiểm nghiệm xuất nhập khẩu Bằng Tường (Quảng Tây, Trung Quốc) để thống nhất các biện pháp phòng ngừa dịch bệnh có thể lọt qua hệ thống cửa khẩu.

UBND tỉnh Lạng Sơn chỉ đạo yêu cầu các sở, ngành trong tỉnh phối hợp với chính quyền địa phương tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát vận chuyển, ngăn chặn triệt để việc nhập lậu gia súc, gia cầm vào địa bàn (đặc biệt là vận chuyển sản phẩm động vật).

Thanh Hóa: Chính quyền tỉnh đã tăng cường công tác kiểm soát người từ nơi có dịch vào Thanh Hóa qua 2 cửa khẩu Na Mèo và Nghi Sơn, thực hiện chế độ trực 24/24 giờ. Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh cũng đã cấp thuốc, hóa chất, vật tư thiết yếu như: 520 viên Tamiflu loại 75mg, 1.203kg Cloramin B, 450 bộ trang phục phòng hộ, 764 khẩu trang phòng độc...

Hải Phòng: Sở Y tế thành phố cho biết đã triển khai hướng dẫn chẩn đoán, điều trị và phòng lây nhiễm cúm A/H1N1 ở người theo hướng dẫn của Bộ Y tế cho các đơn vị trực thuộc. Bệnh viện Hữu nghị Việt - Tiệp cũng đã bố trí khu cách ly gồm toàn bộ Khoa lây nhiễm để đón tiếp người bệnh khi dịch bùng phát, bố trí đủ cơ số thuốc để điều trị.

Trung tâm Kiểm dịch y tế quốc tế Hải Phòng tăng cường công tác kiểm dịch tại các bến tàu và sân bay. Hàng ngày, trung tâm cử cán bộ trực thường xuyên cập nhật các thông tin về diễn biến dịch bệnh này.

An Giang: Các địa phương trong tỉnh đã tổ chức tiêm phòng bắt buộc cho đàn gia súc, hướng dẫn vận động nông dân có chăn nuôi thực hiện các biện pháp an toàn sinh học, đồng thời tăng cường các biện pháp kiểm tra việc buôn bán, vận chuyển gia súc, gia cầm và sản phẩm chưa được chế biến chín qua biên giới, để tránh lây lan dịch bệnh vào trong nước, xử lý nghiêm các trường hợp đưa gia súc, gia cầm qua biên giới trái phép.

TTYTDP tỉnh đã chuẩn bị gần 6 tấn hóa chất CloraminB, 2.000 chiếc khẩu trang và bộ quần áo bảo hộ, 30 chiếc máy phun hóa chất, 4 lều bạt dã chiến; mỗi huyện, thành phố trong tỉnh có từ 3-5 máy phun hóa chất và chuẩn bị 2 cơ số thuốc, hóa chất và trang thiết bị phục vụ cho công tác phòng chống dịch 24/24 giờ trong ngày để xử lý kịp thời các trường hợp bị dịch bệnh, nhất là dịch cúm A/H1N1 và dịch cúm A/H5N1. 

L.DŨNG tổng hợp

Thông tin liên quan

- WHO có thể nâng báo động cúm A/H1N1 lên cấp cao nhất

- Trước đại dịch cúm A/H1N1 - Mở rộng giám sát dịch tễ nơi công cộng

- Đại dịch cúm heo A/H1N1 lên mức cảnh báo cấp 5: Các bộ, ngành phải có ngay kế hoạch ứng phó đại dịch

- Trước nguy cơ đại dịch cúm A/H1N1: Sẽ bổ sung thêm máy thở và thuốc Tamiflu

- WHO nâng mức báo động cúm heo lên cấp 5

- Nâng mức báo động cúm A/H1N1 lên cấp 5

- WHO nâng mức báo động bệnh cúm heo lên mức 4

- Virus cúm heo có nguy cơ lan nhanh toàn cầu

- Dịch cúm heo lan nhanh, thêm 5 nước có người nhiễm

- Thế giới vào cuộc ngừa cúm heo

- Trước đại dịch cúm A/H1N1 : Giám sát tốt, phát hiện sớm

Tin cùng chuyên mục