25% dân số mắc bệnh về tim mạch và tăng huyết áp

Tại Việt Nam có khoảng 25% dân số mắc bệnh về tim mạch và tăng huyết áp. Đặc biệt trong những năm gần đây, bệnh tăng huyết áp có xu hướng trẻ hóa. Theo thống kê, gần 60% người bị tăng huyết áp ở Việt Nam chưa được phát hiện và trên 80% chưa được điều trị. Mỗi năm Việt Nam ghi nhận thêm khoảng 200.000 ca đột quỵ mới, 80% trong đó là người bị tăng huyết áp.
TS.BS Nguyễn Thị Vân Anh, nguyên Trưởng Khoa Nội, Bệnh viện Y học cổ truyền Trung ương chia sẻ tại hội thảo
TS.BS Nguyễn Thị Vân Anh, nguyên Trưởng Khoa Nội, Bệnh viện Y học cổ truyền Trung ương chia sẻ tại hội thảo

Thông tin trên được GS.TS Nguyễn Văn Thông, Chủ tịch Hội Đột quỵ Việt Nam, nguyên Giám đốc Trung tâm đột quỵ Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 chia sẻ tại Hội thảo Khoa học “Xu hướng Đông Tây y kết hợp trong điều trị tăng huyết áp và phòng ngừa đột quỵ” do Hội Đột quỵ Việt Nam tổ chức vào sáng 9-7.

Theo GS.TS Nguyễn Văn Thông, tăng huyết áp là bệnh mạn tính, nếu muốn ổn định huyết áp và phòng ngừa đột quỵ, người bệnh phải sử dụng thuốc điều trị huyết áp lâu dài kết hợp điều chỉnh lối sống theo chỉ định của bác sĩ.

Tuy nhiên, những khó khăn trong việc lựa chọn thuốc điều trị phù hợp cùng với tâm lý chủ quan vì xem nhẹ mức độ nguy hiểm của bệnh khiến nhiều người mắc phải những sai lầm nghiêm trọng: bỏ thuốc ngay khi thấy huyết áp hạ hay khi gặp tác dụng phụ, tự ý tăng liều thuốc để hạ nhanh huyết áp, không theo dõi chỉ số huyết áp thường xuyên, chưa chủ động phòng ngừa các biến chứng bệnh, và sử dụng Đông Tây y kết hợp để duy trì huyết áp mục tiêu...

Vì vậy, huyết áp của người bệnh có thể tăng cao đột ngột (cơn tăng huyết áp), là nguyên nhân gây tăng nguy cơ đột quỵ và đột tử.

25% dân số mắc bệnh về tim mạch và tăng huyết áp ảnh 1

Chỉ ra giải pháp giúp người bệnh nâng cao hiệu quả ổn định huyết áp và dự phòng đột quỵ, TS.BS Nguyễn Thị Vân Anh, nguyên Trưởng Khoa Nội, Bệnh viện Y học cổ truyền Trung ương cho rằng, thực tế thuốc tây y có tác dụng nhanh trong hạ huyết áp, nhưng có thể gây một số tác dụng phụ không mong muốn như: nổi mẩn ngứa, ho, nhức đầu, khó thở và ảnh hưởng tới chức năng gan, thận.

Trong khi đó, thuốc đông y với các thảo dược hỗ trợ điều trị lại thiên về điều trị tổng thể, hài hòa, từ căn nguyên của bệnh, đồng thời nâng cao chức năng các tạng như Tâm, Can, Thận, có tác dụng hạ huyết áp chậm nhưng lại an toàn và giúp huyết áp ổn định lâu dài.

Kết hợp Đông Tây y trong điều trị, không chỉ giúp kiểm soát tốt huyết áp, cải thiện các triệu chứng khó chịu của bệnh tăng huyết áp mà còn phòng ngừa các biến chứng của bệnh, trong đó có đột quỵ.

Đây cũng là xu hướng chung của y học hiện đại vì phát huy được thế mạnh của cả y học cổ truyền và y học hiện đại, nâng cao hiệu quả điều trị.

Lấy ví dụ cụ thể, TS.BS Nguyễn Thị Vân Anh cho rằng, xưa kia cha ông đã có rất nhiều bài thuốc điều trị chứng huyễn vựng (tăng huyết áp) như: Thiên ma câu đằng ẩm, Lục vị quy thược, Bán hạ bạch truật thiên ma thang, Giáng áp hợp tễ... Trong đó nổi tiếng là bài "Giáng áp hợp tễ với các dược liệu như: Địa Long chứa enzyme Fibrinolytic giúp phân hủy cục máu đông; Nattokinase là enzym tiêu hủy huyết khối, ngăn ngừa cục máu đông tái hình thành; Hoè Hoa chứa hàm lượng Rutin cao từ 6-30% giúp tăng sức bền thành mạch, hạn chế nguy cơ vỡ, đứt mạch máu.

"Sự kết hợp của các dược liệu trong bài Giáng áp hợp tễ với các thành phần nói trên có tác dụng hỗ trợ kiểm soát huyết áp, giảm được các tác dụng phụ của thuốc điều trị Tây y, phòng ngừa các biến chứng nguy hiểm, đặc biệt là biến chứng đột quỵ”, TS.BS Nguyễn Thị Vân Anh cho hay.

Tin cùng chuyên mục