Hiện đã có 9 trường hợp tử vong, trong đó đã có 3 trường hợp thuộc khu vực ĐBSCL ở các tỉnh: Cà Mau, An Giang, Trà Vinh. Các ca tử vong có điểm chung là khi đến viện thì đã có biến chứng nặng như: sốc do giảm tiểu cầu, thoát dịch màng bụng, gan to, xuất huyết đường tiêu hóa dẫn đến suy đa tạng.
Tại TP Cần Thơ (tính từ đầu năm đến 14-9), dù chưa có trường hợp tử vong, nhưng đã có 615 ca mắc bệnh SXH, trong đó số ca mắc rơi chủ yếu vào tháng 7 (140 ca) và tháng 8 (143 ca), tăng hơn cùng kỳ năm 2017 là 19 ca. Điều này cho thấy, dịch SXH tại Cần Thơ cũng như các tỉnh ĐBSCL đang vào cao điểm. Ngay tại quận trung tâm Ninh Kiều, từ 31-8 đến 14-9, đã xảy ra 4 ổ dịch với 6 trường hợp mắc bệnh SXH.
Trong khi đó, thời điểm này khu vực ĐBSCL đang có thời tiết mưa nắng bất thường, đây là môi trường thuận lợi cho muỗi sản sinh, nguy cơ bùng phát dịch là rất lớn. Các địa phương đang khẩn trương tổ chức phun hóa chất trên diện rộng ở các vùng có nguy cơ bùng phát dịch nhằm khống chế dịch lan rộng. Điều đáng lo ngại là người dân còn chủ quan, lơ là trước mối nguy hiểm đến từ dịch bệnh SXH. Công tác diệt muỗi, lăng quăng tại nhà hầu như ai cũng có thể làm, nhưng lại trông chờ, giao phó cho cán bộ ngành y tế. Đáng nói, ý thức của một bộ phận người dân vẫn chưa cao trong việc giữ gìn vệ sinh môi trường nơi sinh sống.