4 Bộ trưởng sẽ trả lời chất vấn trước Quốc hội

Tại cuộc họp báo ngắn được tổ chức đột xuất cuối buổi chiều 28-10, Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc đã công bố kết quả tổng hợp phiếu xin ý kiến đại biểu Quốc hội về các nhóm vấn đề dự kiến cho phiên chất vấn tới đây.
Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc đã công bố kết quả tổng hợp phiếu xin ý kiến đại biểu Quốc hội về chất vấn
Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc đã công bố kết quả tổng hợp phiếu xin ý kiến đại biểu Quốc hội về chất vấn

Được đề xuất chọn đăng đàn trả lời chất vấn tại kỳ họp thứ 8 của Quốc hội, theo phiếu xin ý kiến được gửi đến đại biểu Quốc hội, là Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh, Tổng Thanh tra Chính phủ Lê Minh Khái, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường.

Kết quả, Bộ trưởng Bộ Nội vụ nhận được 85% số phiếu đề nghị trả lời chất vấn; Bộ trưởng Bộ Công thương nhận được 82,4%; Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn 78%; Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông 77% và Tổng Thanh tra Nhà nước nhận được 70%.

Như vậy, 4 thành viên Chính phủ được chọn để đăng đàn trả lời chất vấn là Bộ trưởng các Bộ: Nội vụ, Công thương,Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Thông tin và Truyền thông.

Theo thông lệ, Bộ trưởng các Bộ có liên quan và Phó Thủ tướng phụ trách lĩnh vực sẽ cùng “chia lửa” với các Bộ trưởng đăng đàn chính.

Cuối phiên chất vấn, dự kiến Thủ tướng Chính phủ sẽ đăng đàn. Phiên chất vấn sẽ kéo dài 3 ngày (bắt đầu từ sáng thứ tư, ngày 6-11 tới hết ngày thứ sáu, 8-11-2019).

Về nội dung chất vấn, nhóm vấn đề thuộc lĩnh vực Nội vụ với trách nhiệm trả lời chính thuộc về Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân bao gồm việc sắp xếp, tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế, nhất là việc sắp xếp cán bộ công chức sau khi sáp nhập các đơn vị hành chính cấp huyện, xã; Công tác tuyển dụng, bổ nhiệm, luân chuyển, bồi dưỡng, đào tạo, thi nâng ngạch cán bộ, công chức và viên chức; Công tác đánh giá cán bộ, công chức và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức.

Nhóm vấn đề thứ 2 thuộc lĩnh vực Công thương mà Bộ trưởng Trần Tuấn Anh được yêu cầu trả lời bao gồm công tác quản lý, điều tiết điện lực; việc thực hiện quy hoạch phát triển điện lực, quy hoạch năng lượng mới và năng lượng tái tạo; hoạt động xúc tiến thương mại, phát triển thị trường ngoài nước, thúc đẩy xuất khẩu hàng hóa, dịch vụ; thương mại điện tử và kinh tế số; công tác quản lý thị trường; phòng chống gian lận thương mại; quản lý cạnh tranh, bảo vệ người tiêu dùng.

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường được yêu cầu trả lời về chất lượng, hiệu quả chương trình quốc gia về xây dựng nông thôn mới; công tác quy hoạch trồng trọt, chăn nuôi với thị trường tiêu thụ; ứng dụng khoa học công nghệ cao trong nông nghiệp; công tác xuất khẩu nông sản, thủy sản; công tác phòng, chống và kiểm soát dịch bệnh cho gia súc, gia cầm và chính sách hỗ trợ cho các hộ dân bị ảnh hưởng; hoạt động khai thác, bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản; công tác quản lý, hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn, khắc phục tồn tại trong khai thác, đánh bắt hải sản trên biển…

Nhóm vấn đề thuộc lĩnh vực Thông tin và Truyền thông mà Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng được yêu cầu trả lời bao gồm 3 nội dung cụ thể là: công tác quản lý báo chí, quản lý giấy phép trong lĩnh vực báo chí, phát thanh, truyền hình, cấp, thu hồi thẻ nhà báo; công tác quản lý thông tin điện tử, nhất là các trang thông tin điện tử, mạng xã hội, quản lý quảng cáo trên báo chí, trên môi trường mạng; ứng dụng công nghệ thông tin và xây dựng Chính phủ điện tử. 

Tin cùng chuyên mục