
Nhân dịp kỷ niệm 60 năm ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh ký sắc lệnh thành lập Điện ảnh cách mạng Việt Nam (15-3-1953 - 15-3-2013), Hội Điện ảnh TPHCM, Viện Phim Việt Nam tại TPHCM, Trung tâm Phát hành phim và chiếu bóng các tỉnh miền Tây và Đông Nam bộ phối hợp tổ chức chuyến về nguồn, họp mặt truyền thống tại huyện Mộc Hóa (Long An) - chiếc nôi của Điện ảnh Khu 8 và cũng là quê hương của NSND, đạo diễn Hồng Sến.

Điện ảnh bưng biền làm phim hoàn toàn bằng kỹ thuật thô sơ và thủ công.
Những thước phim quý trả bằng máu
Đoàn có hơn 150 người làm công tác điện ảnh-chiếu bóng của hơn 20 đơn vị đã có buổi họp mặt, giao lưu thân mật, cùng xem phim, đi thăm địa danh diễn ra trận Mộc Hóa và gặp gỡ các nhân chứng đã từng chiến đấu trong trận Mộc Hóa năm xưa… Nơi đây đã được dựng một tấm bia và 4 bức phù điêu tưởng niệm các chiến sĩ-nhà quay phim của Tổ Điện ảnh Khu 8 đã ngã xuống. Bà Dương Cẩm Thúy, Phó Chủ tịch Hội Điện ảnh VN, Chủ tịch Hội Điện ảnh TPHCM cho biết: “Năm nào, vào dịp kỷ niệm ngày thành lập Điện ảnh cách mạng VN, hội cũng tổ chức cho anh em nghệ sĩ, diễn viên chuyến về nguồn với mong muốn ôn lại một chặng đường sáng tác đầy nhiệt huyết, hào hùng của Điện ảnh cách mạng VN”.
Nói Điện ảnh cách mạng VN là nói đến Điện ảnh Khu 8 và Điện ảnh Khu 9. Điện ảnh Khu 8 với những thước phim ghi lại cách trận đánh hào hùng của quân và dân miền Nam trong kháng chiến chống Pháp; những thước phim đã trở thành kinh điển và “bất tử” như: Trận Mộc Hóa, La Bang, Tháp Mười và các chiến dịch Cầu Kè, Trà Vinh, Bến Tre… với những tên tuổi được ghi nhận là một trong những người đặt nền móng đầu tiên cho Điện ảnh cách mạng VN: Khương Mễ, Mai Lộc, Nguyễn Phỉ, Nguyễn Hiền, Trần Kiềm…
NSND-đạo diễn Khương Mễ còn được các nhà điện ảnh Pháp tôn vinh trong Đại hội Liên hoan Phim quốc tế tại Pháp năm 1987, với danh nghĩa “Người khai sinh ra nền điện ảnh VN”. Trong kháng chiến chống Mỹ, Điện ảnh Khu 9 là đơn vị chủ lực, đi đầu trong việc ghi lại những trận đánh thắng oanh liệt của bộ đội chủ lực và quân dân miền Tây Nam bộ, bằng những thước phim thấm đẫm máu xương: Trận Gò Quao, Đánh tàu trên sông Tam Giang, Siết chặt vòng vây diệt địch… với những tên tuổi: Trần Nhu, Lê Châu (tức Bảy Triển), Thanh Hùng, Phạm Minh Tước, Trần Phong, Vũ Sơn, Thúy Liễu, Hoàng Giang, Việt Hùng…
Nhắc lại thời kỳ này, ông Thanh Hùng - nguyên lãnh đạo Điện ảnh Khu 9, nguyên Giám đốc Hãng phim Giải Phóng không khỏi bồi hồi: “Điện ảnh trong thời kháng chiến cực lắm vì làm dã chiến và làm trong nguy hiểm; nhưng anh em đều dồn hết khả năng, tâm huyết của mình để phục vụ kháng chiến. Những thước phim là quý giá vô vàn vì đều phải trả bằng xương máu của anh em. Chúng tôi làm phim không sợ hy sinh, không ngại gian khổ. Mỗi khi tổ chức chiếu phim cho bà con xem, dù khuya khoắt đến mấy, dù hoàn cảnh có nguy hiểm ra sao, bà con vẫn đến xem và cổ vũ. Như thế cũng đã đủ hạnh phúc cho chúng tôi lắm”.
Truyền thống và hiện đại
Giờ đây, các thế hệ đi trước hiểu rằng, khó mà đòi hỏi thế hệ trẻ bây giờ có được lý tưởng, tinh thần, tâm huyết làm phim giống như hồi ấy. “Sự thúc bách của nhà đầu tư, bài toán kinh doanh là áp lực và là khó khăn lớn cho lớp làm phim trẻ bây giờ” - ông Thanh Hùng nhìn nhận. NSND, đạo diễn Huy Thành ngậm ngùi: “Cứ đến những ngày này là lớp làm phim chúng tôi lại nhớ về thời làm phim trong khó khăn, nhưng đầy hạnh phúc, tự hào. Nhớ thời khán giả rồng rắn xếp hàng mua vé vào rạp xem phim, khi đất nước vừa mới thống nhất… Điện ảnh của chúng ta đã có một thời kỳ hoàng kim, rực rỡ thật sự”. Dù có chút ưu tư, nhưng thế hệ cha anh vẫn tin rằng, điện ảnh VN nhất định sẽ phát triển. Đạo diễn Huy Thành cho rằng Nhà nước phải có định hướng chiến lược rõ ràng trong việc đầu tư một đội ngũ làm nghề được đào tạo chính quy, bài bản. Có một đội ngũ nòng cốt, bằng sức trẻ và sự sáng tạo, tin chắc điện ảnh VN mới phát triển được.
Điện ảnh cách mạng VN đã đi qua chặng đường 60 năm hình thành và phát triển. Trên những nền tảng và thành tựu đạt được, trước sự phát triển mạnh mẽ của nền công nghiệp điện ảnh, chúng ta hy vọng điện ảnh VN sẽ lại mang cho mình một diện mạo mới bằng những tác phẩm bắt kịp thời đại, mang đậm dấu ấn tài năng, tâm huyết, tư duy của một thế hệ làm phim mới.
Như Hoa