A Ngưi bảo tồn văn hóa Ba Na

Trong khi văn hóa bản địa truyền thống của một số dân tộc ít người ở Tây Nguyên bị mai một theo thời gian, thì cộng đồng Ba Na ở xã Kông Lơng Khơng, huyện Kbang (tỉnh Gia Lai) được xem là nổi bật, còn bảo lưu được khá nhiều thực hành văn hóa tại cộng đồng. Đó là nghi lễ vòng đời như lễ thổi tai cho trẻ sơ sinh, lễ ăn trâu, bỏ mả; cho đến các nghi lễ nông nghiệp, hoặc sự kiện cộng đồng như lễ cúng máng nước, mừng lúa mới…

Tâm huyết với lũ làng

Công lao ấy thuộc về anh Đinh A Ngưi (39 tuổi), người đã khôi phục các giá trị văn hóa của đồng bào Ba Na, mà có lúc tưởng bị bỏ quên ở gác bếp, góc nhà rông của làng. Làng Kjang, xã Kông Lơng Khơng, huyện Kbang (tỉnh Gia Lai) - nơi anh Đinh A Ngưi sinh ra và lớn lên nằm gần làng kháng chiến Stơr, quê hương của Anh hùng Núp, là vùng đất giàu bản sắc văn hóa của người Ba Na. Tuy nhiên, theo thời gian, các nét văn hóa truyền thống cũng dần mai một. Đau đáu trước điều này, A Ngưi quyết tâm theo học ngành văn hóa.

Thời gian trôi qua, sau khi tốt nghiệp đại học, Đinh A Ngưi về công tác tại Trung tâm Văn hóa - Thể thao huyện Kbang. Có việc làm đúng với chuyên môn của mình, lại công tác ngay tại huyện nhà, thế nhưng tâm trí chàng thanh niên Ba Na cứ mãi nghĩ về bản làng, với những chàng trai, cô gái “da nâu, mắt sáng, vóc dáng hiền hòa”.

Ở làng Kjang, luôn có âm thanh của ching chiêng, của đàn T’rưng, tiếng róc rách của dòng suối nơi thượng nguồn, tiếng chim muông lảnh lót. Vẻ đẹp ngôi làng đến từ mái nhà rông cao vút, từ bộ váy áo sơn nữ. Ngon và sạch không chỉ món gà nướng, con cá suối, cơm ống nứa, mà còn thơm cả mùi vị những trái bầu, trái bí, nắm rau rừng…

Làm sao để giữ gìn, làm sao giới thiệu với mọi người về những điều thú vị ấy ở ngôi làng quê hương, để không chỉ phát huy giá trị văn hóa bản địa truyền thống mà còn tạo thêm thu nhập cho nhà mình, cho cộng đồng người Ba Na? Đêm đêm, A Ngưi cứ thao thức, giấc ngủ cứ tròng trành mãi.

Rồi A Ngưi lại nghĩ, thời ông bà mình, người Ba Na thiếu ăn nhưng ai cũng có đàn T’rưng, có một bộ chiêng, có đàn K’long put… Ngày làng ăn lúa mới hay dịp lễ lạt, lũ làng chơi đàn và uống rượu cần đến nghiêng ngả. A Ngưi từng được lớn lên trong những quãng thời gian đậm chất đại ngàn như thế. Ngày thứ bảy, chủ nhật, hết việc cơ quan thì A Ngưi lại về làng.

Đêm cuối tuần ngồi lại với già làng, những người lớn tuổi và đám thanh niên trong làng, dưới ánh trăng, khi nghe anh nói mình muốn gầy dựng lại đội nhạc truyền thống, rồi tự tay làm đàn, kêu gọi người làng vào đội nhạc, làm du lịch homestay, nhiều người lắc đầu bảo: “Hát, múa làm sao được, tụi tao quen cái chân đi rẫy, đi nương rồi, mà múa hát phải có năng khiếu, đâu phải ai cũng làm được…”.

Nghe A Ngưi giải thích rằng chỉ cần có đam mê và tâm huyết với nghệ thuật truyền thống dân tộc Ba Na, A Ngưi sẽ hướng dẫn dân làng làm được, có thêm thu nhập đáng kể, mọi người ngồi gật đầu, xuôi ý.

Cùng cộng đồng làm du lịch

Sau khi tích cóp kinh nghiệm từ những chuyến dẫn tour của mình trước đây, đầu năm 2019, A Ngưi đã cho ra đời homestay tại Kjang. Thông qua già làng, A Ngưi đã kêu gọi được các đội cồng chiêng, múa xoang lớn nhỏ của làng Kjang, các đội nấu ăn, dệt thổ cẩm, các nghệ nhân hát sử thi cùng tham gia phục vụ cho những tour du lịch và lưu trú qua đêm. Rồi anh thuyết phục các ngân hàng cho vay vốn. Trên diện tích 1ha, homestay của A Ngưi được xây dựng 4 phòng ngủ và 1 nhà sinh hoạt cộng đồng.

A Ngưi bảo tồn văn hóa Ba Na ảnh 1 Văn hóa truyền thống của đồng bào Ba Na  ở xã Kông Lơng Khơng được các thế hệ  thanh niên gìn giữ và bảo tồn

A Ngưi bày trí những món đồ gần gũi, đặc trưng của đồng bào Ba Na: Cồng chiêng, đàn T’rưng, nhiều trang phục, vật dụng được làm từ thổ cẩm đẹp và tinh xảo do chính tay mẹ anh trồng bông, xe sợi, nhuộm màu và dệt… A Ngưi tái hiện không gian văn hóa Ba Na ở ngay khuôn viên nhà mình và lấy nơi này làm điểm sinh hoạt văn hóa, trải nghiệm hoạt động hàng ngày của người dân địa phương. Anh cũng vận động người dân nuôi heo, gà, ủ rượu cần, để khi có khách du lịch thì sẵn nguyên liệu phục vụ.

Gần 3 năm trôi qua, nhất là thời điểm chưa có dịch Covid-19, nhiều đoàn khách du lịch trong và ngoài nước khi đến homestay của A Ngưi, mọi người được hòa mình vào thiên nhiên nên thơ hùng vĩ. Bên ngọn lửa bập bùng dưới bóng nhà rông, du khách hòa cùng tiếng cồng chiêng, tiếng đàn T’rưng réo rắt, vít hơi rượu cần và cùng múa xoang. Thêm đó, du khách còn được thưởng thức hương vị các món ăn tươi ngon, tự nhiên, đậm đà của đồng bào dân tộc thiểu số; được tham gia khám phá sự hùng vĩ của đại ngàn Trường Sơn, trải nghiệm thực tế vào rừng khai thác mật ong, hái rau rừng, bắt cá suối, chia sẻ các kỹ năng sinh tồn.

Đặc biệt, mọi người còn được nghe các nghệ nhân Ba Na hát sử thi, tham quan các làng nghề dệt thổ cẩm, đan lát, chế tác nhạc cụ, làm cung nỏ… Trung bình mỗi tuần homestay của A Ngưi đón 30-100 khách phương xa. 

Ông Đinh Đình Chi, Trưởng phòng Văn hóa - Thông tin huyện Kbang, cho biết, Đinh A Ngưi là điển hình trong cộng đồng người Ba Na ở vùng Đông Trường Sơn. Hiện nay, A Ngưi đã hoàn thành “Đề án xây dựng làng văn hóa du lịch cộng đồng Kjang”. Đây không chỉ là điểm nhấn du lịch cộng đồng của huyện mà còn là mô hình kiểu mẫu về tổ chức sản xuất; giúp đồng bào bản địa phát triển kinh tế ổn định, phù hợp phát triển du lịch cộng đồng thân thiện với môi trường.

Làng Kjang hiện có 140 hộ, với 100% là đồng bào Ba Na. Nhờ sự vận động của A Ngưi, họ đều chung tay làm du lịch. Từ ngày có homestay của A Ngưi, đời sống văn hóa tinh thần của đồng bào dân tộc thiểu số nơi đây ngày càng khởi sắc. Khi có khách du lịch ghé thăm, họ lại được phô diễn tài năng, thả hồn trong những điệu chiêng, vòng xoang.

Thông qua việc diễn xướng, họ cũng có thêm chút kinh phí để mang về cho gia đình. Không những thế, A Ngưi còn nhờ các già làng truyền đạt lại nghệ thuật đánh cồng chiêng cho các đội “chiêng nhí”, với mong muốn: đã là người con của các ngôi làng Ba Na, thì nhất định phải biết đánh cồng, đánh chiêng.

Tin cùng chuyên mục