Ấm áp tình người trong Người chở chữ qua sông

Năm 2022 có lẽ là một năm đầy thành công với nhà văn trẻ Lê Quang Trạng (26 tuổi). Sau khi đoạt giải 3 Văn học tuổi 20 lần 7 với tập truyện ngắn Vệt sáng của bụi không lâu, anh vừa ra mắt tập bút ký Người chở chữ qua sông (ảnh, Đông Tây và NXB Thanh Niên). 
Ấm áp tình người trong Người chở chữ qua sông

Đọc tác phẩm của Lê Quang Trạng, dù là truyện ngắn, thơ, truyện dài thiếu nhi, cũng đều nhận ra vùng đất Tây Nam bộ thấm đẫm trong từng trang viết. Tập bút ký Người chở chữ qua sông cũng là một tác phẩm như vậy. 

Nổi bật lên trong tập sách này là chân dung của những con người từ miệt vườn được Lê Quang Trạng khắc họa gần gũi và chân thực. Họ mộc mạc, chất phác với những nghĩa cử, việc làm ăm ắp tình người dành cho cộng đồng. Đó là anh nông dân Hoa Sĩ Hiền (thị xã Tân Châu, tỉnh An Giang), từ bỏ công việc sửa đồng hồ, giấu vợ bán mấy giạ lúa để đi tìm GS-TS Võ Tòng Xuân để nghiên cứu giống lúa chịu được độ mặn mười phần ngàn ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long. Đó là bà Út Trinh (tên thật là Nguyễn Thị Tuyết Trinh), thương binh 3/4, ở vào tuổi ngoài 80 vẫn đi “vận động quần áo, sách vở và có khi chút bánh kẹo làm niềm vui cho những đứa trẻ”.

Là một cô giáo của Trường Tiểu học Nguyễn Hữu Cảnh - điểm trường trên cồn Phó Ba, sau nhiều lần nghĩ đến chuyện bỏ lớp, thậm chí là thôi dạy khi nhận được quyết định sang cồn, đã cùng 4 đồng nghiệp gắn bó, mang đến cái chữ cho các em nhỏ trên cồn Phó Ba. Còn rất nhiều người như vậy được miêu tả trong sách, họ thầm lặng làm việc, cống hiến cho cộng đồng bằng nhiều cách khác nhau. Họ cùng mang tinh thần của Lục Vân Tiên, làm ơn há dễ trông người trả ơn.

Lê Quang Trạng đã cho thấy sự tài tình của mình với thể loại bút ký. Không chỉ mang đến những câu chuyện, những con người thông qua những trang viết đầy cảm xúc, trong những bài bút ký của anh, lịch sử lẫn văn hóa của một vùng đất dường như cũng được thức dậy. Đó là món quà cho người viết, cũng là món quà cho cả người đọc.

Tin cùng chuyên mục