Nhà nhà lên YouTube
Mỗi phút trên YouTube có thêm 400 giờ video mới được đăng tải - con số cho thấy độ phủ sóng của mạng chia sẻ video trực tuyến này. Vậy nên, chẳng mấy ngạc nhiên khi hiện nay việc sản xuất các nội dung ở mọi lĩnh vực và đưa lên YouTube không còn là xu hướng nhất thời.
Còn nhớ, tại lễ công bố các kênh đạt nút vàng và nút bạc từ YouTube do POPS Worldwide tổ chức hồi tháng 3, nhiều lĩnh vực vốn được xem là “kém hấp dẫn” như giáo dục - đào tạo, kinh doanh, tin tức… cũng thu hút lượng người xem ấn tượng. Dẫn chứng đó cho thấy, YouTube đã trở thành mảnh đất màu mỡ.
Suốt một thời gian dài, không ít thông tin truyền tai và cả truyền miệng về việc có thể kiếm được tiền tỷ từ YouTube. Thực tế cho thấy, có những trang YouTube nổi tiếng trên thế giới, mỗi năm thu về hàng chục triệu USD.
Riêng ở Việt Nam, trang YouTube nào kiếm được nhiều tiền nhất? Con số ấy vẫn nằm trong vòng bảo mật và điều đó càng thôi thúc đội ngũ sản xuất các nội dung cho nền tảng video trực tuyến này tăng trưởng mỗi ngày.
Ngoài các cá nhân, nhiều đơn vị chính thống, sản xuất các nội dung bài bản cũng chọn YouTube là điểm đến. Siêu mẫu Việt Nam 2018 - cuộc thi tìm kiếm người mẫu uy tín, chính quy đầu tiên và mang tầm quốc gia cũng lựa chọn phát trên YouTube, qua 3 tập phát sóng, mỗi tập đã thu hút hàng triệu lượt xem. Thể loại webdrama còn nở rộ hơn với rất nhiều nhà sáng tạo nội dung trẻ đổ bộ, có những series kéo dài đến vài trăm tập. Sau bộ phim hoạt hình Con Rồng cháu Tiên gây sốt, hãng phim hoạt hình VinTaTa cũng sản xuất series Monta trong dải ngân hà kỳ cục và đưa lên đây. Hầu hết các phim của Hãng phim hoạt hình Việt Nam được khán giả biết đến cũng nhờ YouTube. Thật khó để thống kê hết được có bao nhiêu đơn vị sản xuất nội dung chính thống đang lấy YouTube làm nền tảng phát sóng.
Những kẽ hở
Cuối tháng 8, cộng đồng mạng dậy sóng khi chương trình truyền hình về hẹn hò mang tên Date & Kiss (Hẹn và hôn) lên sóng trên YouTube nhưng có chứa nhiều nội dung phản cảm, không phù hợp với văn hóa Việt Nam. Sau thời gian ngắn bị chặn, một tài khoản đã đăng tải trở lại các nội dung này và bổ sung nhiều đoạn clip khác thậm chí còn phản cảm hơn.
Trên kênh YouTube này, trước nội dung phát sóng, chỉ 1 số clip đề dòng cảnh báo: “Clip có nội dung nhạy cảm và một số cảnh khiến người xem có thể thấy khó chịu. Và Date & Kiss không chịu bất cứ trách nhiệm nào về ý kiến của người chơi. Những việc làm và ý kiến của người tham gia đều là thuộc quyền riêng tư của người chơi và khách mời một cách tự nguyện. Những hành động và ý kiến trên không có phản chiếu lên Date & Kiss, những bên liên kết với Date & Kiss, nhân viên của Date & Kiss”.
Dưới các nội dung được đăng tải có khá nhiều bình luận phản đối: “Nghĩ sao tổ chức chương trình như thế này”; “chương trình này nên dừng lại là vừa”; “hòa nhập với nước ngoài chứ không phải hòa tan”; “làm ơn thức tỉnh”; “đây không hợp với văn hóa Việt Nam chúng ta”. Một câu hỏi đặt ra, tại sao những nội dung từng bị phản đối dữ dội lại có thể dễ dàng xuất hiện trở lại mà chưa có động thái vào cuộc nào từ phía cơ quan chức năng?
Không phải đến Date & Kiss, các nội dung phản cảm kiểu như thế này mới xuất hiện trên YouTube. Cách đây 4 năm, vụ việc bộ phim sitcom 18+ Căn hộ số 69 từng bị xử phạt và cấm chiếu. Đầu năm 2017, loạt video cosplay xoay quanh hai nhân vật người nhện Spiderman và nữ hoàng băng giá Elsa nhưng có nhiều nội dung bạo lực, dung tục, phản cảm cũng dậy sóng dư luận. Đó còn chưa kể đến hàng loạt các vụ việc nhỏ lẻ diễn ra khá thường xuyên.
Trên thực tế, YouTube có bộ “nguyên tắc cộng đồng”, trong đó nêu rõ: “Không phải nội dung nào bạn xem trên YouTube cũng khiến bạn thích thú. Vì vậy, nếu bạn cho rằng nội dung nào đó không thích hợp, hãy sử dụng tính năng gắn cờ để gửi nội dung đó cho nhân viên YouTube xem xét. Nhân viên của chúng tôi luôn xem xét cẩn thận các nội dung được gắn cờ 24/7 để xác định xem nội dung đó có vi phạm nguyên tắc cộng đồng của chúng tôi không”.
Các nội dung vi phạm gồm: ảnh khỏa thân hoặc nội dung khiêu dâm, nội dung gây hại hoặc nguy hiểm, nội dung kích động thù địch, nội dung bạo lực hoặc đẫm máu, quấy rối và đe dọa trên mạng, bản quyền... Tuy nhiên, là một nền tảng mở, khối lượng nội dung đăng tải là quá lớn nên công tác kiểm duyệt đang tồn tại nhiều kẽ hở, rất dễ lách luật.
“Hiện tại YouTube có rất nhiều chính sách hướng dẫn người dùng nhằm hỗ trợ và đảm bảo nội dung phù hợp trước khi đăng tải. Tuy nhiên, nội dung trên YouTube rất nhiều và việc kiểm soát duyệt nội dung còn nhiều hạn chế”, đại diện một đối tác của YouTube tại Việt Nam cho biết.
Vị đại diện này cũng cho biết thêm, với những chương trình dành cho trẻ em, trên truyền hình sẽ cấm hoặc hạn chế các nội dung, hình ảnh không phù hợp như các cảnh tình cảm gắn mác 18+ hay các cảnh quay bạo lực nhưng ở trên YouTube thì việc này khó có thể kiểm soát được.
YouTube đã và đang liên tục phát triển công cụ thanh trừng các nội dung không lành mạnh, thuê đội ngũ nhân viên kiểm duyệt bằng tay... nhưng có lẽ tình trạng này sẽ khó giải quyết triệt để.