
Bước vào các chợ ở TPHCM trong những ngày này, người tiêu dùng dễ bị “dẫn dụ” bởi màu sắc rất bắt mắt của các loại bánh, mứt; mùi thơm của các loại thực phẩm ngâm chua ngọt… Ít ai biết rằng để có được màu sắc đẹp mắt, độ giòn cao và để lâu được thì trong thành phần của nó không thể thiếu các loại hóa chất độc hại – những “sát thủ” vô hình đối với con người.
Mứt tết, đồ ngâm chua bị thả nổi
Theo chân một người thân, chúng tôi tìm đến lò sản xuất mứt me ở khu vực quận 6. Bên trong căn nhà ẩm thấp, mái tôn thấp lè tè, oi nồng dưới nhiệt độ lên tới 33 độ C, khoảng 10 thanh niên, mình trần như nhộng, mồ hôi nhễ nhại đang ra sức đạp, quần. Trên sàn nhà, những quả me chín đã bóc vỏ, đổ tràn lan. Trước sự e ngại của chúng tôi, một thanh niên giải thích: “Phải đạp như thế thì khi làm mứt mới dẻo, hột mới bật ra khỏi phần thịt me được!”.

Nhiều loại lạp xưởng, bánh mứt không có bao bì, hạn dùng và nơi sản xuất vẫn tràn lan tại các chợ.
Chưa hết. Phần ngào me với đường cũng không kém phần… khủng khiếp. Những cái nồi to đùng đang nấu sôi ùng ục trên bếp. Người “điều khiển” nó là những phụ nữ ăn vận nhếch nhác, mồ hôi tuôn ra như suối.
Khi mẻ mứt vừa tới, liền được đổ ra những cái nong lớn, chờ cho nguội và ráo rồi mới đến khâu gói mứt. Khi mứt vừa nguội, các cô gái tay trần vừa bốc me, vừa gói vào giấy bóng. Đến lúc này thì chúng tôi mới được mời ăn thử… Một cách công bằng, nếu không chứng kiến “quy trình sản xuất”, thì món mứt này không khác là mấy so với mứt tôi vẫn ăn.
Nhưng khi đã vào cuộc thì cảm giác… ớn lạnh khi ăn vào là có thật! Một nhân viên ở đây nói: “Mứt chúng tôi làm có thể để được tới 6 tháng mà không bị mốc đấy!”. Khi được hỏi: “Bí quyết làm mứt me vừa để được lâu, vừa giòn?”. Cũng cô gái lúc nãy trả lời tỉnh bơ: “Có gì đâu, một chút chất chống mốc, một chút hàn the, một chút kinh nghiệm làm mứt… gia truyền!?”.
Rời khỏi nơi “sản xuất” mứt me, chúng tôi vào một ngôi chợ “mặt tiền” của thành phố. Hàng chục loại mứt thơm phức được đóng thành từng “cây” với bao bì bóng lộn. Các chủ sạp đều đon đả, đây là mứt gia truyền của gia đình họ, có thể để khoảng 4-6 tháng vẫn không bị chảy nước, ẩm mốc.
Để lấy lòng tin của khách, hầu hết người bán đều cam đoan, mứt của họ không sử dụng các loại hóa chất công nghiệp trong chế biến. Nếu khách hàng mua với số lượng lớn mà còn nghi ngờ về chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm, chủ sạp sẵn sàng đưa đi kiểm nghiệm…
Chính sự cam kết “mạnh tay” của người bán đã lấy được khối niềm tin của người mua. Tuy nhiên, một số tiểu thương đang kinh doanh tại các chợ nhỏ, lẻ lại tuyên bố chắc nịch: “Làm mứt mà không có hóa chất thì chỉ cần để 5 ngày là đã bị chảy nhão bét hoặc mốc thếch! Vì vậy, nếu bảo là mứt không có hóa chất, chúng tôi không tin”.

Số cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm phục vụ Tết được các đoàn thanh kiểm tra chiếm rất ít so với thực tế. Ảnh: TR.NG.
Còn nếu bạn đã từng đến các chợ nhỏ, lẻ thì hình ảnh rất quen mắt, đó là người bán vừa “tay không bốc mứt”, vừa đếm tiền. Các cây mứt không hề được che đậy, ruồi nhặng bay vù vù bên trên….
Tương tự, ở những loại thực phẩm chế biến ngâm chua ngọt như củ kiệu, lỗ tai heo…, nhiều tiểu thương cũng cho rằng họ làm bằng bí quyết gia truyền, không sử dụng hóa chất? Nhưng thực hư thế nào, chỉ có người trong cuộc mới biết. Trên thực tế, đến thời điểm này vẫn chưa có một văn bản nào quy định thực phẩm chế biến thời vụ phải công bố các chỉ tiêu chất lượng…
Hóa chất độc hại - tấp nập bán mua!
Dù đã có mặt tại khu vực chợ hóa chất Kim Biên rất nhiều lần, nhưng chưa khi nào chúng tôi được chứng kiến cảnh tượng mua bán nhộn nhịp như thời điểm này. Tấp vào một cửa hàng trên đường Vạn Tượng, chúng tôi phải đứng chờ khoảng 10 phút mới được người bán “để mắt” tới vì lượng người mua rất đông. Hầu hết khách tới mua đều đã có sẵn trong tay một tờ giấy nên chỉ cần đưa ra là chủ cửa hàng đáp ứng ngay. Họ rất ít giao thiệp bằng lời nói.
Do vậy, kinh nghiệm của chúng tôi là chẳng cần phải đi mua một cách giấu giếm hay phải đóng giả vai này vai kia, chỉ cần có sẵn một miếng giấy trong tay và tỏ ra hiểu biết về giá một chút thì muốn mua hóa chất loại gì cũng rất dễ dàng. Trong thời gian đó, chúng tôi cũng tranh thủ quan sát xem các khách hàng khác họ mua những gì…
Một cô bạn có chuyên môn về hóa chất cho biết, những hóa chất có tác dụng làm tăng độ bóng, độ giòn, dai và ngọt… được chọn mua nhiều nhất. Đứng đầu bảng vẫn là hàn the. Hàn the cũng có khá nhiều loại. Loại “xịn” nhất cũng chỉ ở mức 60.000-70.000 đồng/kg. Kế đến là chất chống mốc 20.000-25.000 đồng/kg, các loại màu công nghiệp giá bình quân 40.000-60.000 đồng/kg, phoọc-môn 8.000-10.000 đồng/kg, phân diêm 8.000 đồng/kg…

Tại các địa bàn quận 3, 8, 11, Gò Vấp,... rất phổ biến cảnh chế biến mứt thủ công... ngoài đường phố. Ảnh: TR.NG.
Theo cách kể tên, báo giá tại một số cửa hàng mà chúng tôi đã ghé qua, thì giá bán các loại hóa chất này rất “bèo” so với giá các loại phụ gia thực phẩm được các cơ quan chức năng cho phép sử dụng trong chế biến thực phẩm.
Chính sự chênh lệch về giá bán này phần nào lý giải tại sao nước ta đã chế biến thành công loại phụ gia thay thế hàn the, nhưng tỷ lệ hàn the được sử dụng trong giò chả trên địa bàn cả nước vẫn chiếm tới 40%-50% tổng số mẫu được kiểm tra (tại TPHCM, tỷ lệ này cao hơn rất nhiều!).
Theo cảnh báo của các cơ quan chức năng, mặt hàng bún tươi cũng đang bị các cơ sở chế biến lạm dụng một số hóa chất như phoọc-môn và tinopal (loại hóa chất dạng hạt nhuyễn, màu xanh lá có tác dụng tẩy trắng, tạo sáng thường được dùng để chế biến xà bông!) để tạo độ bóng cho sản phẩm. Do vậy, người tiêu dùng cần phải cảnh giác với các loại thực phẩm có độ “phát sáng” bất thường này.
Bên cạnh những hóa chất phổ thông, một số loại hóa chất cực độc nằm trong danh mục hàng cấm lưu thông (như cyanua dùng trong sản xuất phân kim, xi mạ…) mặc dù báo chí cảnh báo nhiều lần nhưng vẫn được bày bán công khai ở nhiều cửa hàng.
Ông Ông Quang Thanh, Đội trưởng Đội Quản lý thị trường 5B, cho biết: Việc kinh doanh hóa chất trong khu vực chợ Kim Biên đã bắt đầu đi vào hoạt động khá nề nếp. Nhưng ở hai con đường chạy cặp theo chợ là Kim Biên và Vạn Tượng vẫn rất khó kiểm soát.
Vừa qua, đoàn kiểm tra liên ngành TP phối hợp với quận 5 đã mở đợt kiểm tra cao điểm. Kết quả, các ngành chức năng đã thu giữ tới 25 tấn hóa chất không có hóa đơn chứng từ và nhiều loại hóa chất độc hại. “Để chấn chỉnh lại hoạt động mua bán tại khu vực này, cần phải có thời gian” – ông Thanh nói.
Từ thực tế nêu trên, có thể thấy việc kiểm tra, kiểm soát các loại thực phẩm sản xuất theo mùa vụ của chúng ta vẫn còn bỏ ngỏ. Sức khỏe, tính mạng của người dân vẫn chưa được quan tâm một cách đúng mức.
NHÓM PV