Công nhân mùa giáp tết

Bài 2: Trăn trở ở - về

Tăng ca, tăng giá - thu nhập giảm
Bài 2: Trăn trở ở - về

70% công nhân ở các KCX-KCN tại TPHCM là người các địa phương khác. Họ rời quê nhà nghèo khó, hăm hở vào TP với mơ ước đổi đời. Để rồi đến hôm nay, vật giá đắt đỏ, đồng lương ít ỏi, điều kiện làm việc nặng nhọc đã khiến hy vọng “đổi đời” của họ bị chao đảo, mịt mù...

Tăng ca, tăng giá - thu nhập giảm

Bài 2: Trăn trở ở - về ảnh 1

Bữa tiệc liên hoan đạm bạc của công nhân Công ty INAH VINA (KCX Tân Thuận).

Trong khu nhà trọ công nhân thấp lè tè phía sau cầu vượt Linh Trung, quận Thủ Đức, Đinh Minh Thành (quê ở Quảng Bình) mệt mỏi tiếp chúng tôi với đôi mắt hốc hác - kết quả chuỗi ngày đêm tăng ca liên tục. Dạo này cái gì cũng tăng giá, vợ chồng ráng nhịn ăn nhịn uống để mua sữa cho con. Tăng ca, ăn uống kham khổ làm hai vợ chồng gầy rộc. Thành vào làm tại Công ty May Kollan (100% vốn Trung Quốc) đến nay đã 7 năm, mức lương hiện nay là 1.091.000 đồng. Theo tính toán của Thành, lương có tăng 10% trong 7 năm qua, nhưng trong thời gian đó, mọi thứ khác đều tăng từ 30% - 60%. Dù tăng ca liên tục nhưng thu nhập cả tháng cũng chỉ lên tới cao nhất là 1,7 triệu đồng. Tiền nhà “nhảy” từ 300.000 lên 500.000/tháng, rau muống từ 1.000 lên 2.000 đồng/bó, gạo loại “bét nhất” cũng tăng từ 4.000 lên 7.000 đồng/ký… Chuyện về Tết năm nay của vợ chồng Thành coi như bỏ ngỏ, ở lại thì không đặng mà về thì sẽ trắng tay với các khoản tàu, xe.

Em trai Thành là Đinh Minh Thái, làm việc tại Công ty Saigon Perecsion của Nhật đã 2 năm. Công ty anh đang làm việc sản xuất thanh trượt tĩnh tuyến, bạc đạn… Thái nói: “Lương của tụi em mỗi tháng chỉ có 1.018.000 đồng. Chỗ làm thì bụi bay mịt mù, CN phải sử dụng khẩu trang rất dày, giá 15.000 đồng/cái mới chịu nổi, vừa làm vừa không biết ngày nào thì mang bệnh. Dù tăng ca từ 22 giờ đến 6 giờ sáng hay từ 18 giờ đến 6 giờ sáng thì phụ cấp tăng ca đều chỉ được 4.000 đồng/giờ.

Đau đầu tính toán bữa ăn

Trong phòng trọ nhỏ xíu ở số 28/17 đường Trần Trọng Cung, phường Tân Thuận, quận 7, một nhóm CN Công ty TNHH INAHVINA (chuyên về trang sức) ở Khu chế xuất Tân Thuận đang tổ chức liên hoan mừng… vừa lãnh lương. Thực đơn của “bữa tiệc” gồm 5 đĩa há cảo hấp, 10 xâu cá viên chiên, ký quýt, 1 trái dưa hấu và… một nồi cơm điện bắc sẵn, phòng khi ăn liên hoan rồi vẫn… thấy đói thì có cái để dằn bụng. “Toàn bộ chỗ này hết 60.000 đồng, đắt khủng khiếp. Lương em là 934.000 đồng, tiền ăn – nhà – nước – điện - vệ sinh tiêu hết 700.000 đồng. Hiện nay chủ nhà cũng đã thông báo đầu năm sẽ tăng thêm 50.000 đồng/người. Ngoài chợ thì giá lên vùn vụt với lý do sắp tết. Nếu không tằn tiện thì tiền đâu để dành mà gửi về quê cho gia đình!”- Nguyệt, một CN trong nhóm, than.

Với nhóm bạn Nguyễn Thị Trang, Hà Ngọc Thanh, đều cùng quê ở Quảng Ngãi - CN Công ty TNHH ChuanLin ở đường số 8, KCN Lê Minh Xuân, tình hình cũng không có gì khá hơn. Trang kể: “Đi chợ em phải tính toán dữ lắm. Cầm 20.000 đồng cho bữa cơm tối mà chẳng mua được gì nhiều. Bình gaz đã 4.000 đồng, rồi gạo, tiêu, ớt, mắm, muối… nữa. Hôm nay được lĩnh lương, tụi em “chơi sang” mua hẳn ký thịt về kho mặn ăn mấy ngày. Còn ngày thường thì cứ rau, hột vịt… trường kỳ thôi!”.

Ở hay về?

40% công nhân nghỉ việc trong dịp về quê ăn tết. Đó là con số năm ngoái tại một công ty may 100% vốn Trung Quốc ở KCX Linh Trung, Thủ Đức. Tình hình năm nay, với cảnh vật giá “lên ngôi” đè bẹp đồng lương èo uột, số lượng CN ở các KCX-KCN bỏ TP, bỏ nhà máy về quê luôn, chắc chắn sẽ nhiều hơn nữa…

Trong khu nhà trọ công nhân, chúng tôi lắng nghe những tâm sự buồn đến nao lòng. Phương, quê huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình, làm tại Công ty Freetrend, KCX Linh Trung kể mà mắt cứ rươm rướm: “Tết năm ngoái về quê xong, vào lại TPHCM thì túi cũng nhẵn. Cùng lúc đó người nhà báo tin mẹ mất. Công ty không cho ứng tiền, không cho nghỉ phép về quê. Sau tết, bạn bè đồng nghiệp ai cũng “rách” nên không vay mượn được. Em cắn răng ráng trụ lại TPHCM làm kiếm tiền để năm nay về giỗ mẹ. Mà về rồi, có khi em không vào… Còn Anh Tuấn, quê ở Hà Tây, đã phải dắt vợ con về quê vì vợ anh sinh con xong thì bị bệnh lao phổi, không đi làm được. Với mức lương 1,5 triệu đồng/tháng, anh không sao nuôi nổi gia đình, đành giã từ “miền đất hứa”, chuẩn bị đến tết là về quê luôn.

Có thâm niên 10 năm làm CN, Phương, CN Công ty H- KCX Linh Trung cho biết: “Đợt về tết năm ngoái, tổ của Phương làm có 32 người thì có đến 10 người bỏ việc sau khi về quê. Năm nay chưa tết nhưng hàng tháng đã có nhiều công nhân bỏ ngang sau khi lãnh lương. Hợp đồng mỗi năm công ty cho ký một lần, nhưng đến lần thứ 4 thì lương sẽ giữ nguyên mức đó, không tăng nữa (CN vẫn quen gọi là “lương chết”). Hiện Phương đã ký hợp đồng lần thứ 3 với mức lương là 1.065.000 đồng, năm sau ký hợp đồng lần 4 sẽ tăng lên khoảng 1.100.000. “Đó là mức lương “chết””- Phương thở dài. Không còn mục tiêu tăng lương để phấn đấu, Phương đang muốn về quê. Những cô gái cùng phòng trọ với Phương đều chung cảnh ngộ là sau một năm miệt mài làm lụng vẫn chẳng tích cóp được là bao. Kế hoạch vào TPHCM lao động tích lũy vốn liếng để xây dựng cuộc sống đến giờ coi như phá sản. Trước mắt vẫn chỉ là nỗi lo về tiền phòng trọ, tiền ăn, tiền thuốc thang lúc ốm đau, tiền tàu xe…

Hương - Hiệp - Lâm

- Bài 1: Chạy sô

Tin cùng chuyên mục