Bản Sắt hồi sinh

Tháng 11-2020, nhiều điểm sạt lở núi, nước lũ chảy xiết uy hiếp toàn bộ 34 hộ dân cư ngụ tại bản Sắt (xã Trường Sơn, huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình), khiến đồng bào Vân Kiều nơi đây luôn thấp thỏm bị đe dọa. 
Ngôi trường khang trang hiện đại ở bản Sắt do Ban Cứu trợ Hà Nội tặng
Ngôi trường khang trang hiện đại ở bản Sắt do Ban Cứu trợ Hà Nội tặng

Ngay sau đó, được Tỉnh ủy Quảng Bình quan tâm sát sao, người dân bản Sắt đã có nhà mới, trường học được dựng lên khang trang, con đường kết nối bản với trung tâm xã đang hoàn thành.

Trưởng bản Sắt Nguyễn Văn Muôn kể: “Đợt đó, cả bản khiếp vía vì bị núi lở, chìm trong lũ cả tháng trời. Bà con phải rời bỏ nhà cửa, dựng lều bạt bên kia núi, nhằm bảo toàn tính mạng. Trực tiếp dẫn đoàn công tác vào bản nắm bắt tình hình, Phó Bí thư Tỉnh ủy Trần Thắng tận mắt chứng kiến sự khốn khó của bà con. Từ đó, ông đã tham mưu, đề xuất nhiều chính sách để “hồi sinh” dân bản”.

Sau một năm người dân Vân Kiều phải ở trong nhà tạm, 34 căn nhà đại đoàn kết đã được dựng lên khang trang, đón người dân về ở. “Nay có nhà mới, thật ấm cái bụng. Bà con thoát cảnh ở nhà bạt tạm bợ, ai cũng vui”, già Hồ Thị Bi xúc động nói. Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam xã Trường Sơn Trần Văn Thái cho biết, 34 nhà đại đoàn kết do Ban Cứu trợ tỉnh Thái Bình hỗ trợ với tổng số tiền 3,6 tỷ đồng. Mỗi ngôi nhà được hỗ trợ 90 triệu đồng, xây dựng theo mẫu nhà sàn, phù hợp với nhu cầu, nguyện vọng của bà con. 

Ngoài ra, Ban Cứu trợ TP Hà Nội cũng tặng thêm công trình nhà cộng đồng tránh lũ kết hợp trường học, với tổng mức đầu tư 3,5 tỷ đồng. Hiện công trình cũng đã hoàn thành. Nhà có quy mô 2 tầng, tổng diện tích sàn 505m², gồm 2 phòng học cho học sinh tiểu học, 1 phòng học cho trẻ mầm non, 2 phòng nghỉ cho giáo viên, 2 phòng vệ sinh và hệ thống hàng rào, sân nền lát đá sạch đẹp. “Người Vân Kiều bản Sắt của mình chưa ai từng thấy một mái trường nào đẹp như thế được xây dựng ở thung lũng núi. Thật chí tình, chí nghĩa”, Trưởng bản Sắt Nguyễn Văn Muôn hồ hởi.

Do nằm cách xa trung tâm, đường đi lại khó khăn (chủ yếu đi bộ vì đường đất), người dân bản Sắt gặp nhiều vất vả trong giao thương. Thấu hiểu vấn đề này, UBND tỉnh Quảng Bình đã trích ngân sách 9 tỷ đồng làm đường bê tông kiên cố chiều dài gần 10km. Hiện đơn vị thi công tranh thủ từng ngày để bạt núi, đổ những mét cấp phối đầu tiên để hoàn thành sớm nhất công trình. 

Ông Lương Ngọc Hùng, Giám đốc Công ty Trường Minh, cho biết, mặc dù vật liệu xây dựng đội giá, mưa gió cuối năm liên miên, nhưng ngớt mưa, khô ráo ngày nào, công nhân tranh thủ làm ngày đó. Bà con Vân Kiều rất háo hức với con đường mới. “Con đường này bình thường phải đi bộ mới vào được bản Sắt, nay mới khởi công công trình, nhà thầu hạ núi, bạt đường, nên có thể đi xe máy, có đoạn đi bộ mà bà con đã reo mừng. Sau này đường hoàn thành, đây chính là con đường ấm no của đồng bào bản Sắt”, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam xã Trường Sơn Trần Văn Thái nói. Còn nói như Hồ Cọt, một người dân bản: “Có con đường là có ánh sáng văn minh vì giao lưu được với bên ngoài, cái trí nó lớn hơn, con cháu học chữ thông suốt hơn, đồng bào làm ăn buôn bán tốt hơn”.

Đêm bản Sắt bây giờ không còn tối đen mà đã sáng trưng đèn điện cả một góc rừng già. Đây là công trình do Bộ đội Biên phòng Làng Mô tặng dân bản với 30 cột đèn chiếu sáng bằng năng lượng mặt trời. Bộ đội lo phòng chống Covid-19, tuần biên, bảo vệ an ninh biên giới..., nhưng không quên chăm lo, hỗ trợ bà con. “Bản Sắt bây giờ thật đẹp. Sau này trở thành bản kiểu mẫu, sẽ là điểm đến của khách du lịch. Còn tết năm nay, dân bản không còn ngủ nhà bạt tạm bợ nữa mà ở trong những căn nhà ấm áp, cuộc sống khác trước nhiều rồi. Bây giờ là lúc bà con bản Sắt phải nỗ lực vươn lên”, Trưởng bản Nguyễn Văn Muôn chia sẻ.

Theo bà Phạm Thị Hân, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Quảng Bình, ngoài đường sá, nhà cửa, tỉnh cũng đã trích kinh phí mua tặng đồng bào bản Sắt hơn 8.000 cây dổi lấy hạt. Hiện cây sinh trưởng tốt, sau vài năm hạt dổi sẽ cho giá trị cao, không chỉ tạo thêm thu nhập mà còn tạo sinh kế cho đời cháu, chắt của đồng bào ổn định lâu dài.

Tin cùng chuyên mục