Từ năm ngoái, các lệnh phong tỏa và hạn chế đi lại nhằm kiềm chế sự lây lan của dịch Covid-19 đã buộc các bảo tàng ở nhiều nước, trong đó có Mỹ, phải tạm dừng đón khách. Cuộc khảo sát do Hội đồng Bảo tàng quốc tế thực hiện gần đây với hơn 1.600 bảo tàng tại 107 quốc gia trên thế giới cho thấy, khoảng 10% bảo tàng có nguy cơ không thể mở cửa trở lại do ảnh hưởng của dịch. Nguyên nhân là do các bảo tàng không đủ kinh phí duy trì hoạt động vì phải đóng cửa suốt nhiều tháng qua, trong khi các nguồn hỗ trợ từ chính phủ hoặc các nhà tài trợ cũng bị cắt giảm đáng kể.
Vào tháng 9-2020, Bảo tàng Brooklyn vốn đã gặp khó khăn tài chính trước khi đại dịch ập đến, đã rao bán 12 tác phẩm, trong đó có các tác phẩm của 2 họa sĩ người Pháp là Claude Monet và Jean Dubuffet, để có ngân sách duy trì bộ sưu tập của mình. Ông Max Hollein, Giám đốc Bảo tàng Metropolitan ở New York, cho biết số tiền thu được từ việc bán các tác phẩm sẽ được dùng để trang trải các chi phí liên quan tới việc chăm sóc bộ sưu tập, ví dụ như tiền lương của đội ngũ nhân viên. Dù tuyên bố đây chỉ là phương án tạm thời, nhưng Bảo tàng Metropolitan đã rơi vào tâm điểm chỉ trích của truyền thông.
Ở bang Maryland, Bảo tàng Nghệ thuật Baltimore từng đưa ra kế hoạch huy động được 65 triệu USD bằng cách bán 3 tác phẩm nghệ thuật lớn nhằm tạo ra một quỹ bảo tồn cho bảo tàng. Tuy nhiên, do phải đối mặt với chỉ trích, bảo tàng đã hủy bỏ kế hoạch, thay vào đó huy động quỹ thông qua các khoản đóng góp tự nguyện. Tháng 10 năm ngoái, Bảo tàng Nghệ thuật Everson ở Syracuse, New York cũng rơi vào tình cảnh tương tự khi bán một bức tranh của họa sĩ người Mỹ là Jackson Pollock với giá 12 triệu USD. Số tiền trên được sử dụng để đa dạng hóa bộ sưu tập của bảo tàng, nhưng cũng vấp phải sự giận dữ của dư luận.
Theo tờ Wall Street Journal, hành động rao bán tác phẩm của bảo tàng giống như đang “bán đi linh hồn của chính mình”. Mục đích gây quỹ nhằm đa dạng hóa bộ sưu tập chỉ là cái cớ để phản bội niềm tin của công chúng. Có ý kiến cho rằng, tại thời điểm này, rất khó để các bảo tàng ở Mỹ đảm bảo bài toán doanh thu để duy trì các hoạt động lưu trữ tác phẩm nghệ thuật. Do đó, bán các tác phẩm cũng là việc bất đắc dĩ. Cuộc tranh cãi xung quanh câu chuyện này có lẽ sẽ vẫn kéo dài trong dư luận Mỹ, khi đại dịch Covid-19 vẫn chưa thể kiểm soát được.