Bánh trung thu “bẩn”, đến hẹn lại lo

Mặc dù còn gần 1 tháng mới đến Tết Trung thu, nhưng thời điểm này, từ các chợ truyền thống đến siêu thị, vỉa hè, thị trường bánh trung thu đã nhộn nhịp với đủ mẫu mã, chủng loại. 

Nhiều loại bánh trung thu không rõ nguồn gốc “siêu hot” với giá cả “siêu rẻ” cũng đang thu hút khách hàng trên khắp các trang mạng xã hội, website rao vặt... Tuy nhiên, chất lượng của những loại bánh trung thu này như thế nào vẫn là dấu chấm hỏi.

Nhập nhèm nguồn gốc xuất xứ

Nếu như năm ngoái loại bánh trung thu mini “siêu rẻ” làm mưa làm gió trên thị trường khắp trong Nam ngoài Bắc, thì năm nay, loại bánh trung thu tiểu lava trứng muối tan chảy (bánh trung thu trứng chảy) lại trở nên “hot” với người tiêu dùng và được quảng cáo rầm rộ thông qua mạng xã hội Facebook.

Liên hệ với một chủ tài khoản Facebook có tên L. (chuyên bán sỉ, lẻ bánh trung thu trứng chảy), chị L. cho biết bánh này của Đài Loan, được làm từ những nguyên liệu tươi ngon, lớp vỏ bánh gồm nhiều lớp nên rất dễ vỡ, khi cắn vào sẽ thấy vỏ bánh hơi giòn nhưng không bị khô, nhân trứng muối là trứng vịt biển, không bị tanh như trứng muối ở Việt Nam và vị cũng không bị mặn quá. Nhân bánh còn được lót lớp phô mai mỏng và mochi, khi kết hợp với trứng muối lava tan chảy sẽ không bị ngấy mà vị hoàn toàn khác với bánh trung thu truyền thống, giá bán 150.000/hộp 6 cái.

Tại nhiều tài khoản Facebook khác cũng rao bán loại bánh nói trên với giá 120.000 - 170.000 đồng/hộp, khách hàng đặt số lượng bao nhiêu cũng có và được giao hàng tận nơi. Một đầu mối giới thiệu, mỗi hộp bánh trung thu trứng chảy có 6 cái, một thùng 10 hộp.

Nếu lấy một thùng sẽ có giá sỉ là 80.000 đồng/hộp, lấy trên 100 hộp giá sẽ còn 73.000 đồng/hộp, lấy trên 200 hộp sẽ có giá 70.000 đồng/hộp. Đầu mối cũng khẳng định, bánh này thơm ngon, hàng cao cấp nhập từ Trung Quốc, hạn sử dụng một tháng, nên không sợ ế.

Trên các trang mạng xã hội, hầu hết các cửa hàng bán bánh trung thu online đều khẳng định bánh của mình an toàn thực phẩm. Công thức quảng cáo thường là “Bánh 100% nguồn gốc thực phẩm tự nhiên, không màu hóa học, nguyên liệu rõ ràng, không chất bảo quản”.

Tuy nhiên, để kiểm chứng những thông tin trên là cả một quá trình dài. Theo chỉ dẫn của những người làm bánh trung thu homemade (nhà làm), đến khu vực quanh chợ Kim Biên (quận 5) và chợ Bình Tây (quận 6) không quá khó để có thể mua đủ loại nguyên vật liệu làm bánh trung thu với mức giá rất rẻ. Thậm chí có cả nhân bánh được làm sẵn, với giá bán từ 60.000 - 100.000 đồng/kg, gồm các loại như đậu xanh, hạt sen, mè đen, thập cẩm. 

Bánh trung thu “bẩn”, đến hẹn lại lo ảnh 1 Cơ quan chức năng thu giữ một kho hàng bánh trung thu nhập lậu
Trước đó, lực lượng cảnh sát môi trường phối hợp với quản lý thị trường của Hà Nội đã bất ngờ kiểm tra một số điểm tập kết hàng hóa tại quận Hoàng Mai, thu giữ hơn 20.000 bánh trung thu trứng chảy không có hóa đơn chứng từ chứng minh nguồn gốc xuất xứ.

Nguy cơ mất an toàn thực phẩm

Theo bác sĩ Đỗ Thị Ngọc Diệp, Chủ tịch Hội Dinh dưỡng và Thực phẩm TPHCM, với những chiếc bánh trung thu không rõ nguồn gốc thì nguy cơ mất vệ sinh an toàn thực phẩm rất lớn. Đặc biệt là những thành phần trong nhân bánh không được công bố là những chất gì, tem nhãn phụ không có, như đánh đố người tiêu dùng.

“Những sản phẩm bánh trung thu không rõ nguồn gốc cũng như không có hạn sử dụng rất dễ gây nguy hại cho sức khỏe người tiêu dùng. Bởi những loại bánh này thường được làm bằng các loại nguyên liệu không bảo đảm an toàn và sử dụng nhiều phụ gia, như chất bảo quản, chất chống ôxy hóa, phẩm màu, hương liệu tổng hợp… để làm cho bánh đẹp, bắt mắt hơn. Do đó, nếu người tiêu dùng ăn phải bánh trung thu kém chất lượng sẽ dễ mắc các bệnh về đường tiêu hóa, thậm chí nguy hại cho gan, thận, nếu sản phẩm chứa nhiều hóa chất, phụ gia độc hại”, bác sĩ Đỗ Thị Ngọc Diệp cho hay.

Còn theo PGS-TS Phạm Khánh Phong Lan, Trưởng ban Quản lý an toàn thực phẩm (ATTP) TPHCM, không có luật nào cấm bán bánh trung thu siêu rẻ, chỉ có quyền nghi ngờ nhưng phải chờ kết quả kiểm tra. Trong quá trình kiểm tra phải phát hiện được đối tượng buôn bán, truy ngược lại nguồn gốc, sau đó đối chiếu hàng hóa có hóa đơn, chứng từ hay không, mới xử lý được.

Còn đối với các loại bánh “handmade” (làm thủ công gia đình), thường được làm với quy mô nhỏ, không đăng ký với cơ quan chức năng và chủ yếu bán qua mạng nên rất khó kiểm soát về chất lượng, tiềm ẩn nhiều nguy cơ không đảm bảo ATTP.

“Ban ATTP đã và đang phối hợp với quản lý thị trường tăng cường thanh tra, kiểm tra việc bánh trung thu tự làm bán qua mạng, nếu phát hiện những trường hợp không đảm bảo tiêu chuẩn ATTP sẽ xử lý theo quy định. Mặt khác, người dân nên chọn những nơi uy tín để mua bánh”, PGS-TS Phạm Khánh Phong Lan cho hay.

Cục ATTP vừa đề nghị sở y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, Ban Quản lý ATTP TPHCM, Đà Nẵng và Bắc Ninh chỉ đạo các cơ quan chức năng trên địa bàn triển khai các biện pháp bảo đảm ATTP trong dịp Tết Trung thu 2019; yêu cầu các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm thực hiện nghiêm quy định pháp luật về ATTP, quy định điều kiện cơ sở, trang thiết bị dụng cụ, yêu cầu về kiến thức, thực hành của người trực tiếp tham gia sản xuất, quy định về nguồn gốc nguyên liệu thực phẩm, quy định về đăng ký bản công bố, tự công bố sản phẩm, sử dụng phẩm màu, hương liệu, phụ gia, bao bì thực phẩm, ghi nhãn sản phẩm. 

Tin cùng chuyên mục