Bảo đảm dân chủ, nhưng không để bị lợi dụng

Theo ĐB Bố Thị Xuân Linh (Bình Thuận), tình trạng vi phạm quyền dân chủ của nhân dân cũng như lợi dụng dân chủ để vi phạm kỷ cương pháp luật còn xảy ra ở một số nơi. 

Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ 3, sáng 14-6, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định, Quốc hội tiến hành thảo luận ở hội trường về dự án Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở.

Bảo đảm dân chủ, nhưng không để bị lợi dụng ảnh 1 Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định điều hành phiên họp. Ảnh: QUANG PHÚC
Các ý kiến phát biểu tại phiên họp đều thống nhất về sự cần thiết xây dựng luật. ĐB Phạm Văn Hoà (Đồng Tháp) thống nhất phạm vi điều chỉnh của luật là cơ quan đơn vị và doanh nghiệp mà không bao gồm doanh nghiệp ngoài nhà nước, hợp tác xã và các tổ chức khác có thuê mướn, sử dụng lao động theo hợp đồng lao động.

“Doanh nghiệp tư nhân chỉ cần thực hiện đúng quy định của pháp luật, nếu sai phạm đã có nhiều luật khác điều chỉnh, tương tự hợp tác xã có Luật Hợp tác xã chế định", ĐB Hòa nói.

Bảo đảm dân chủ, nhưng không để bị lợi dụng ảnh 2 ĐB Dương Khắc Mai (Đắk Nông) . Ảnh: QUANG PHÚC

Tham gia thảo luận, ĐB Dương Khắc Mai (Đắk Nông) đề nghị xem xét tính phù hợp, thống nhất của dự thảo luật này với Luật Doanh nghiệp. Bên cạnh đó, về xử lý vi phạm tại Khoản 2, Điều 8 của dự thảo Luật, ĐB đề nghị cần nghiên cứu quy định ngắn gọn, lược bỏ những nội dung không cần thiết, trùng lắp.

Chỉ ra một số trường hợp “phép vua thua lệ làng” trên thực tế, ĐB Chamaléa Thị Thủy (Ninh Thuận) đề nghị quy định rõ hơn về vai trò, trách nhiệm của Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam các cấp, các tổ chức chính trị xã hội.

“Đã có việc cộng đồng dân cư tự bàn bạc, đưa ra các quyết định trái pháp luật, chẳng hạn như lập rào chắn không cho các xe vận chuyển trong các tuyến đường thôn, xóm hoặc là thu các loại phí ngoài quy định, khi chính quyền cơ sở biết được thì có sự việc đã đi quá xa, gây hậu quả cho xã hội”, bà nói.

ĐB Chamaléa Thị Thủy cho rằng cần bổ sung chế tài cụ thể đối với các hành vi sai trái, trách nhiệm của người đề xuất các vấn đề nội bộ của cộng đồng dân cư; bổ sung trách nhiệm của chính quyền địa phương, thủ trưởng cơ quan, đơn vị trong việc thực hiện dân chủ ở cơ sở.

Bổ sung quy định về thực hiện hình thức công khai thông tin đối với vùng đồng bào dân tộc vùng sâu, vùng xa là kiến nghị đáng lưu ý từ ĐB Bố Thị Xuân Linh (Bình Thuận).

Bảo đảm dân chủ, nhưng không để bị lợi dụng ảnh 3 ĐB Bố Thị Xuân Linh (Bình Thuận). Ảnh: QUANG PHÚC
Nữ ĐB thẳng thắn nhận định, việc thực hiện dân chủ ở cơ sở thời gian qua ở nhiều nơi, nhiều chỗ vẫn còn hình thức, chưa rộng khắp, đồng đều ở các địa phương, khu vực. Tình trạng vi phạm quyền dân chủ của nhân dân cũng như lợi dụng dân chủ để vi phạm kỷ cương pháp luật còn xảy ra ở một số nơi. Việc thực hiện pháp luật và dân chủ ở cơ sở cũng chưa thực sự gắn kết với nhiệm vụ thường xuyên, đặc biệt là trong việc xây dựng Đảng, cải cách hành chính, chống tham nhũng, lãng phí…
Theo ĐB, một trong những giải pháp đảm bảo hiệu lực của dự luật là hình thức thông tin công khai để dân biết. Tán thành các hình thức công khai thông tin qua mạng xã hội như Zalo, Facebook, Viber, song ĐB cho rằng đây là hình thức chỉ phù hợp đối với người sử dụng điện thoại thông minh. Cần có thêm hình thức công khai bắt buộc như niêm yết công khai thông tin tại trụ sở HĐND, UBND, nhà văn hóa thôn, tổ dân phố và điểm sinh hoạt cộng đồng.

Bên cạnh đó, tùy theo điều kiện, địa phương có thể lựa chọn thêm hình thức truyên truyền công khai thông qua loa truyền thanh, các cuộc họp… ĐB cũng đề nghị ban soạn thảo nghiên cứu bổ sung thêm quy định về thực hiện hình thức công khai thông tin đối với vùng đồng bào dân tộc vùng sâu, vùng xa.

Tin cùng chuyên mục