Bắt buộc kiểm tra an toàn thực phẩm với 22.000 lon sữa từ thiện gửi về từ Australia

Chiều nay 10-11, Tổng cục Hải quan cũng có công văn hồi đáp công văn kiến nghị của Cục Hải quan TPHCM về lô hàng từ thiện gồm 22.000 lon sữa của kiều bào ở Australia gửi về để hỗ trợ trẻ em trong đại dịch Covid-19.
Vận tải, xuất nhập khẩu hàng hóa qua đường hàng không. Ảnh minh họa

Liên quan tới vướng mắc về thủ tục kiểm tra an toàn thực phẩm đối với lô hàng viện trợ gồm 22.000 lon sữa do kiều bào ở Australia gửi về ủng hộ trẻ em khó khăn trong đại dịch Covid-19, chiều 10-11, Tổng cục Hải quan đã thông tin tới báo chí về vấn đề này. 

Trước đó, Cục Hải quan TPHCM đã có công văn số 2731 gửi Tổng cục Hải quan báo cáo có lô sản phẩm dinh dưỡng dùng cho trẻ em đến 36 tháng tuổi do nhóm thân hữu Sydney và Công ty sữa Nutrico (Australia) viện trợ cho Ủy ban MTTQ Việt Nam TPHCM để phục vụ công tác phòng chống dịch Covid-19 là hàng hóa do nước ngoài viện trợ phi dự án cho Việt Nam.

Trong công văn hồi đáp số 5315 gửi Cục Hải quan TPHCM, Tổng cục Hải quan khẳng định theo Điều 13 Nghị định số 15/2018/NĐ-CP của Chính phủ thì hàng hóa viện trợ không thuộc trường hợp miễn kiểm tra an toàn thực phẩm. Do đó, Tổng cục Hải quan đề nghị Cục Hải quan TPHCM trao đổi, báo cáo với UBND TPHCM và Ủy ban MTTQ Việt Nam TPHCM để triển khai theo hướng dẫn tại công văn số 2055 ngày 1-11-2021 của Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) đối với lô hàng viện trợ là sản phẩm dinh dưỡng dùng cho trẻ em đến 36 tháng tuổi.

“Trong thời gian chờ ý kiến của cơ quan có thẩm quyền về việc kiểm tra an toàn thực phẩm đối với lô hàng, Cục Hải quan TPHCM chỉ đạo cho phép đưa hàng hóa về bảo quản trên cơ sở đề nghị của người khai hải quan theo quy định hiện hành”- công văn do Phó Cục trưởng Cục Giám sát quản lý về hải quan – Tổng cục Hải quan, ông Nguyễn Bắc Hải ký, cho biết.  

Trước đó, tại phiên thảo luận của Quốc hội về tình hình kinh tế - xã hội sáng 9-11, từ điểm cầu TPHCM, đại biểu Tô Thị Bích Châu, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TPHCM phản ánh, khi triển khai phòng chống đại dịch Covid-19, địa phương cần xin ý kiến về các quy định trong trường hợp “nước sôi lửa bỏng”, nhưng không phải cơ quan, đơn vị nào cũng ý thức được điều đó.

Đại biểu Tô Thị Bích Châu, TPHCM

Đại biểu đơn cử, một đơn hàng với 22.000 lon sữa do kiều bào ở Australia ủng hộ cho trẻ em gặp khó khăn trong đại dịch tại TPHCM. MTTQ TPHCM đã xin ý kiến Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế), Cục Thú y (Bộ NN-PTNT). Trong khi Cục Thú y trả lời "đồng ý" chỉ trong 2 ngày thì Cục An toàn thực phẩm lại nói đề nghị TPHCM hỏi Chính phủ.

Tin cùng chuyên mục