Thông tin từ Bảo hiểm xã hội Việt Nam, hôm qua 15-3, tại Hà Nội, Liên bộ Y tế, Tài chính, Bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam đã “ngồi lại” với nhau để bàn về việc sửa đổi Thông tư 22 quy định về thực hiện chính sách bảo hiểm y tế (BHYT) tự nguyện.
Như SGGP đã nhiều lần phản ánh, trước thực tế quỹ BHYT có nguy cơ bị phá sản do bội chi quá lớn, mà chủ yếu là bội chi ở BHYT tự nguyện, từ ngày 5-1-2007, BHXH Việt Nam đã dừng không phát hành thẻ BHYT tự nguyện mới. Nguyên nhân chủ yếu là hiện nay số người tham gia BHYT tự nguyện đã là 11 triệu người, năm 2006, BHYT thu được 750 tỷ đồng và quy định chỉ được sử dụng 520 tỷ đồng, nhưng số tiền mà BHXH phải thanh toán cho các bệnh viện về BHYT tự nguyện lên tới 1.500 tỷ đồng.
Đồng thời, BHXH Việt Nam đã trình liên bộ (Y tế, Tài chính) vấn đề sửa đổi Thông tư 22 về chính sách BHYT tự nguyện theo hướng siết chặt đối tượng mua BHYT tự nguyện. Theo đó, BHXH đề nghị chỉ còn 2 đối tượng là học sinh - sinh viên và hộ gia đình (bỏ đối tượng hội viên hội đoàn thể và thân nhân người lao động như hiện nay) nhằm kiểm soát tốt việc mua thẻ BHYT tự nguyện, không để xảy ra tình trạng lạm dụng mua thẻ BHYT tự nguyện chỉ cho những người có bệnh nặng.
Mặt khác, BHXH đề nghị tăng khung mức đóng BHYT tự nguyện hiện nay, bảo đảm khung mức đóng tối thiểu bằng 3% mức lương tối thiểu hiện hành. Đồng thời, đề nghị hạn chế chi trả đối với các bệnh mãn tính, có thời gian điều trị dài, chi phí lớn (BHYT tự nguyện chỉ chi trả một phần).
Tuy nhiên, tại cuộc họp trên, liên bộ vẫn chưa đi đến thống nhất. Theo tin từ BHXH Việt Nam, cơ bản liên bộ đồng ý với đề nghị hướng tăng mức đóng BHYT tự nguyện (mức tăng như thế nào còn tiếp tục bàn bạc) và hạn chế chi trả đối với các trường hợp mắc bệnh mãn tính; đồng thời “gom” đối tượng mua thẻ BHYT tự nguyện về 2 diện: học sinh - sinh viên và hộ gia đình (bỏ đối tượng hội viên hội đoàn thể và thân nhân người lao động) nhằm kiểm soát tốt việc mua thẻ BHYT tự nguyện, không để xảy ra tình trạng lạm dụng mua thẻ BHYT tự nguyện chỉ cho những người có bệnh nặng.
Điều đáng chú ý là về đề nghị hạn chế chi trả đối với các bệnh mãn tính, có thời gian điều trị dài, chi phí lớn, trên cơ sở bảo đảm quyền lợi của người bệnh, liên bộ bước đầu thống nhất đưa ra 2 phương án: hoặc không khống chế, hoặc sẽ khống chế ở mức BHYT tự nguyện chi trả không quá 20 triệu đồng/năm điều trị (cao hơn khá nhiều so với đề nghị trước đó của BHXH Việt Nam). Các phương án này sẽ được lãnh đạo các bộ liên quan họp và kết luận trong tuần tới.
Được biết, trước bức xúc của dư luận về việc BHXH Việt Nam tạm dừng không phát hành thẻ BHYT tự nguyện, ngày 14-3, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Sinh Hùng đã chỉ đạo liên bộ phải ban hành Thông tư 22 sửa đổi về BHYT tự nguyện trong tháng 3 này, để từ tháng 4-2007, có thể vận hành BHYT tự nguyện trở lại.
Theo tính toán của BHXH Việt Nam, hiện tại, trung bình mỗi thẻ BHYT tự nguyện có mức đóng là 130.000 đồng, nhưng mức chi trung bình là 350.000 đồng/thẻ.
QUANG PHƯƠNG