Bệnh nhân Covid-19 khỏi bệnh tái dương tính: Người dân không nên quá lo lắng

Đến nay, cả nước đã có hơn 637 bệnh nhân Covid-19 được điều trị khỏi bệnh, thể hiện sự nỗ lực rất lớn của ngành y tế trong kiểm soát dịch. Trong số những bệnh nhân Covid-19 được công bố khỏi bệnh, cơ quan y tế đã ghi nhận không ít trường hợp tái dương tính với SARS-CoV-2 khiến người dân không khỏi lo lắng. 

Không phải cá biệt

Mới đây, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TPHCM (HCDC) công bố thêm về trường hợp bệnh nhân tái dương tính với Covid-19 ngụ quận Tân Phú. Đây là bệnh nhân thứ 77 của TPHCM.

Bệnh nhân Covid-19 khỏi bệnh tái dương tính: Người dân không nên quá lo lắng ảnh 1
Nhân viên Bệnh viện 7A xét nghiệm tìm virus SARS-CoV-2. Ảnh: HOÀNG HÙNG
Theo HCDC, đây không phải trường hợp bệnh nhân lây nhiễm tại cộng đồng và nguy cơ lây nhiễm cộng đồng là rất thấp. Đây là trường hợp thứ 3 được phát hiện tái dương tính với SARS-CoV-2 trên địa bàn. Trước đó, bệnh nhân 368 được cách ly điều trị tại Bệnh viện (BV) Bệnh nhiệt đới Trung ương, xuất viện ngày 30-7. Ngày 31-7, bệnh nhân về TPHCM được cách ly và lấy mẫu xét nghiệm, ngày 2-8 cho kết quả dương tính. Bệnh nhân tái dương tính thứ 2 là bệnh nhân 397, được cách ly điều trị tại BV Bệnh nhiệt đới Hải Dương, xuất viện ngày 3-8; tối 3-8, bệnh nhân về TPHCM được lấy mẫu xét nghiệm tại khu cách ly quận 12 (kết quả ngày 4-8 âm tính). Ngày 6-8, kết quả xét nghiệm dương tính. 

Bản chất của xét nghiệm hiện nay là làm RT-PCR (sinh học phân tử) là lấy một đoạn mồi để phát hiện đoạn gen Y của virus. Độ nhạy của RT-PCR rất cao, lên tới 98%. Đây chỉ là xét nghiệm mật mã di truyền của virus, không phải phát hiện toàn virus. Để khẳng định bệnh nhân có tái dương tính hay không, phải nuôi cấy virus để xem virus có tái hoạt động hay không. Với các bệnh nhân tái dương tính ở Việt Nam, khi nuôi cấy mẫu bệnh phẩm thì virus SARS-CoV-2 không hoạt động. Giả thiết đặt ra đây chỉ là các phần mảnh ARN của virus (xác virus) thải loại. Hiện tượng bệnh nhân tái dương tính không phải riêng Việt Nam mà trên thế giới cũng ghi nhận nhiều trường hợp. Việc này do đáp ứng miễn dịch của từng người, những ca tái dương tính đến nay được ghi nhận đều không có lây nhiễm trong cộng đồng.
GS NGUYỄN VĂN KÍNH, 
Chủ tịch Hội Truyền nhiễm Việt Nam



Còn tại Hà Nội cũng mới ghi nhận 1 bệnh nhân sau nửa tháng ra viện đã tái dương tính với virus SARS-CoV-2, đó là bệnh nhân 348 (39 tuổi, ở phường Cổ Nhuế 1, quận Bắc Từ Liêm). Thực tế trường hợp của bệnh nhân tái dương tính với SARS-CoV-2 không phải là cá biệt. Thời gian qua, Bộ Y tế đã công bố nhiều bệnh nhân Covid-19 khỏi bệnh, ra viện, sau đó xét nghiệm lại tái dương tính với virus SARS-CoV-2, như các bệnh nhân 36, 50, 52, 74, 130, 137, 149...  

Lý giải các trường hợp xét nghiệm âm tính rồi dương tính trở lại với virus SARS-CoV-2, PGS-TS Trần Đắc Phu, Cố vấn cao cấp Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp các sự kiện y tế công cộng (Bộ Y tế) cho rằng, đây là chuyện bình thường. Điều này còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố như thời điểm lấy mẫu, quá trình xét nghiệm. Bác sĩ Nguyễn Trung Cấp, Phó Giám đốc BV Bệnh nhiệt đới Trung ương, cho biết, tái nhiễm và tái dương tính SARS-CoV-2 hoàn toàn khác nhau và Việt Nam chưa ghi nhận ca tái nhiễm. Theo đó, tái nhiễm là trạng thái một bệnh nhân đã khỏi hẳn bệnh, một thời gian nhiễm lại bệnh lần 2. Còn tái dương tính là trạng thái một bệnh nhân đang trong quá trình tiến triển của bệnh, đã có xét nghiệm âm tính rồi lại dương tính sau đó.

Chưa ghi nhận lây lan từ người tái nhiễm

Theo bác sĩ Nguyễn Trung Cấp, có những loại virus tạo được kháng thể suốt đời như sởi, đậu mùa, quai bị, nhưng cũng có loại virus chỉ tạo được kháng thể thời gian ngắn, thậm chí rất ngắn như cúm. Có virus có kháng thể nhưng không diệt sạch được virus như viêm gan C, HIV… “Khả năng tạo kháng thể mạnh hay yếu cũng tùy vào đặc tính riêng của từng người. Do virus SARS-CoV-2 mới xuất hiện nên các chuyên gia vẫn chưa nghiên cứu được ca tái nhiễm virus SARS-CoV-2 do đặc tính chung của virus này hay do đặc điểm miễn dịch riêng của người đó”, bác sĩ Cấp nêu.

Phân tích về ca tái dương tính, bác sĩ cho biết, trường hợp này có thể là người lành mang trùng. Người bị nhiễm virus khi hết bệnh, đa số không còn khả năng phát tán virus. Một số nhỏ có thể chuyển sang người lành mang trùng, không triệu chứng nhưng mang virus trong người. “Tái nhiễm là khi người bệnh xuất hiện trở lại các triệu chứng đau họng, sốt, ho. Trường hợp được lấy dịch phết họng và tìm thấy virus có nghĩa là họ từ người hết bệnh chuyển qua người lành mang trùng. Trường hợp này y văn có ghi nhận, sau khi hết bệnh, họ chưa đẩy hết virus ra ngoài và trở thành người mang trùng. Đây cũng có thể là dấu hiệu cho thấy virus đang thích nghi với chúng ta. Người lành mang trùng thường không có triệu chứng hoặc đã hết triệu chứng nhưng vẫn còn chứa virus trong mũi, họng”, bác sĩ Trương Hữu Khanh cho hay. 

Về khả năng lây lan của ca tái nhiễm virus SARS-CoV-2, theo bác sĩ Khanh, cần phải có thời gian nghiên cứu thêm nhưng khả năng lây nhiễm cho người khác là có. “Dù có dương tính trở lại hay không thì cũng không thay đổi cách phòng ngừa tối ưu là tránh tập trung, hạn chế tiếp xúc, mang khẩu trang và màng che giọt bắn. Với người sau điều trị cần cách ly thêm 14 ngày. Nếu làm đúng thì hiện tượng đó không ảnh hưởng gì”, bác sĩ Khanh nói. Còn theo bác sĩ Nguyễn Trung Cấp, trên thế giới ghi nhận số ca tái dương tính không quá nhiều nên chưa có dữ liệu để trả lời được người tái nhiễm có khả năng lây lan virus hay không và bệnh tiến triển có gì khác với người nhiễm lần đầu. Hiện nay chưa có trường hợp nào được báo cáo lây nhiễm từ người đã điều trị xong, trở về cộng đồng nên mọi người không nên quá lo lắng.

Đà Nẵng giải thích các trường hợp được xuất viện sớm

Trao đổi với PV Báo SGGP ngày 28-8, bác sĩ Nguyễn Tiên Hồng, Phó Giám đốc Sở Y tế TP Đà Nẵng, cho biết, trường hợp tái dương tính là bệnh nhân số 424, tên N.T.M.L. (nữ, 58 tuổi, hộ lý tại khoa Hồi sức tích cực chống độc, Bệnh viện Đà Nẵng) có kết quả dương tính trở lại sau 14 ngày cách ly. Đây là trường hợp tái dương tính đầu tiên ở Đà Nẵng.

Cụ thể, bệnh nhân 424 xuất viện tại Bệnh viện Phổi ngày 10-8, ít nhất 3 lần xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2 và sức khỏe bình thường. Bệnh nhân được BV đưa xe chuyên dụng chở về tận nhà và tiếp tục cách ly tại nhà theo hướng dẫn của Bộ Y tế. Bệnh nhân thực hiện cách ly tuyệt đối ở phòng riêng, không tiếp xúc với người thân. Tuy nhiên, đến ngày 24-8, bệnh nhân được lấy mẫu xét nghiệm kết quả dương tính với SARS-CoV-2. Chiều 27-8, bệnh nhân này tiếp tục có kết quả xét nghiệm dương tính lần 2 với phương pháp RT-PCR. Bác sĩ Lê Thành Phúc, Giám đốc BV Phổi Đà Nẵng, cho hay, không nguy hiểm khi có ca tái dương tính. Kết quả dương tính trở lại có thể chỉ là xác của virus, hiện không có ai bị lây nhiễm sau khi bệnh nhân 424 tái dương tính.

Những ngày gần đây, dư luận tỏ ra lo lắng với những trường hợp mắc Covid-19 khỏi bệnh nhanh chóng. Ngày 26-8, trong số 34 bệnh nhân Covid-19 được xuất viện có 2 trường hợp là bệnh nhân 1.012 và bệnh nhân 1.013 là 2 tiểu thương ở Đà Nẵng khỏi bệnh chỉ sau 5 ngày điều trị (từ ngày 21 đến 26-8). Về 2 bệnh nhân này, bác sĩ Nguyễn Đại Vĩnh, Giám đốc BV Dã chiến Hòa Vang, cho rằng 2 bệnh nhân thuộc nhóm không có triệu chứng lâm sàng cụ thể, không sốt và các dấu hiệu sinh tồn ổn định, xét nghiệm máu bình thường, X-quang phổi ổn định. Đặc biệt là 3 mẫu bệnh phẩm (cách nhau 24 giờ) bằng phương pháp RT-PCR cho kết quả âm tính với virus SARS-CoV-2 nên đảm bảo các tiêu chuẩn được công bố khỏi bệnh, xuất viện theo quy định của Bộ Y tế. 
XUÂN QUỲNH

Tin cùng chuyên mục