Bệnh viện điều trị Covid-19 đã hoàn thành sứ mệnh

Đợt dịch Covid-19 thứ 4 bùng phát, TPHCM đã thành lập hàng chục bệnh viện dã chiến, bệnh viện tách đôi để điều trị bệnh nhân. Hiện dịch bệnh trên địa bàn thành phố được kiểm soát, các bệnh viện sẽ được tái cơ cấu, trả lại công năng khám chữa bệnh thông thường nhằm phục vụ người dân tốt hơn.

“Chúng tôi đã được về nhà!”

Giữa tháng 6-2021, Bệnh viện huyện Củ Chi (TPHCM) chuyển đổi công năng, trở thành bệnh viện điều trị bệnh nhân Covid-19. Chỉ sau 3 ngày chuyển đổi công năng, bệnh viện đã lấp đầy 500 giường, có thời điểm số bệnh nhân tăng gần 1.000 ca.

Người “đứng mũi chịu sào” là bác sĩ (BS) chuyên khoa II Trần Chánh Xuân mới 37 tuổi nhưng đã có hơn 1 năm kinh nghiệm khi anh từng là Phó Giám đốc Bệnh viện Bệnh lý hô hấp cấp tính Củ Chi.

BS Xuân nhớ lại, trong số hàng trăm bệnh nhân, có khoảng 40% là bệnh nhân nặng. Đa số, lúc mới vào phòng cấp cứu thở oxy người bệnh luôn trong tâm trạng lo lắng, hoang mang, nhưng có BS cận kề động viên nên người bệnh đã yên tâm điều trị. Để dốc sức điều trị bệnh nhân, đội ngũ thầy thuốc của bệnh viện đã tạm gác hạnh phúc riêng, túc trực 24/24 giờ tại nơi điều trị. Minh chứng cụ thể là hàng loạt bệnh nhân được điều trị khỏi, xuất viện.

“Gần 8 tháng chuyển đổi công năng, bệnh viện đã tiếp nhận điều trị 5.660 trường hợp, trong đó có 50 ca cần phẫu thuật, 200 lượt chạy thận nhân tạo và các kỹ thuật khác như ECMO, lọc máu… Suốt thời gian đó, chúng tôi phải làm việc gấp 2-3 lần. Tuy nhiên, 8 chữ “Hãy giành giật sự sống cho bệnh nhân” luôn được từng người khắc ghi. Khi mệt mỏi, nghĩ đến điều này để vượt qua”, BS Trần Chánh Xuân chia sẻ.

Bệnh viện điều trị Covid-19 đã hoàn thành sứ mệnh ảnh 1 Nhân viên Bệnh viện huyện Củ Chi vệ sinh phòng bệnh để kịp khám chữa bệnh thông thường vào tuần sau

Dẫn chúng tôi đi khảo sát một vòng quanh bệnh viện khi mọi người đang tất bật phun khử khuẩn, vệ sinh lại phòng ốc, khuôn viên bệnh viện… để chuẩn bị tiếp đón bệnh nhân thông thường tới khám chữa bệnh, BS Trần Chánh Xuân phấn khởi cho biết, hiện tại (11-2), bệnh viện không còn ca F0, một số y bác sĩ sau thời gian dài xa gia đình, đã được trở về nhà. Chúng tôi rất hạnh phúc. Vui hơn nữa vì bản thân đã đóng góp một phần nhỏ công sức điều trị thành công người bệnh, giúp thành phố kiểm soát dịch bệnh và số ca tử vong do Covid-19 giảm sâu.

Chủ động tiếp nhận, điều trị bệnh nhân Covid-19

Do đã hoàn thành sứ mệnh điều trị bệnh nhân Covid-19 trong đợt dịch vừa qua, nhiều bệnh viện như: Phạm Ngọc Thạch, Trưng Vương, An Bình, Điều trị Covid-19 Lê Minh Xuân... đã phục hồi lại công năng khám chữa bệnh bình thường như trước khi có dịch. Điểm khác biệt là giờ đây, các bệnh viện này đã thành lập các khoa, đơn vị chuyên điều trị Covid-19 như một bệnh lây nhiễm bình thường khác.

Theo TS-BS Nguyễn Hữu Lân, Giám đốc Bệnh viện Phạm Ngọc Thạch TPHCM, khi bệnh viện thực hiện mô hình “tách đôi” thành 2 khu riêng biệt, 1 khu vực tiếp tục điều trị bệnh nhân mắc bệnh lao, 1 khu vực chuyên điều trị bệnh phổi không do lao. Bệnh viện đã phát huy tác dụng và thật sự “chia lửa” cho các bệnh viện điều trị Covid-19 của thành phố hiệu quả. Hơn 5.000 bệnh nhân được điều trị và hiện còn 30 ca F0.

Trong suốt thời gian bắt đầu chia đôi hoạt động từ tháng 6-2021, hơn 900 cán bộ, y bác sĩ, điều dưỡng của bệnh viện được luân chuyển và có gần 1/3 số thầy thuốc bị mắc Covid-19 khi tham gia điều trị F0, lấy mẫu xét nghiệm… nhưng không ai bỏ cuộc, lăn xả với công việc.

“Khi có quyết định chính thức của thành phố về việc phục hồi lại công năng, bệnh viện sẽ thành lập đơn vị điều trị Covid-19 với 60 giường và sẵn sàng tiếp nhận lại F0”, TS-BS Nguyễn Hữu Lân cho biết.

Hiện Trung tâm Hồi sức Covid-19 (đặt tại Bệnh viện Ung bướu TPHCM cơ sở 2) không còn bệnh nhân, Sở Y tế cũng đã trình UBND TPHCM giải thể hoạt động Bệnh viện dã chiến số 6, 8, 12. Tuy nhiên, khi cần thiết sở sẽ kích hoạt lại hoạt động của các bệnh viện điều trị Covid-19 chỉ trong vòng 24 giờ.

Hơn 14.000 người bệnh được điều trị khỏi, khỏe mạnh trở về với gia đình. Duy nhất 1 ca tử vong do mắc nhiều bệnh nền, là kết quả của sự “tận lực, tận tâm” của đội ngũ y bác sĩ Bệnh viện Da liễu TPHCM khi được phân công phụ trách Bệnh viện dã chiến số 12 (đặt tại khu đô thị An Khánh, TP Thủ Đức), có sự hỗ trợ của đồng nghiệp đến từ các bệnh viện bạn.

BS-CKII Nguyễn Thị Phan Thúy, Phó Giám đốc Bệnh viện Da liễu TPHCM, kiêm Giám đốc Bệnh viện dã chiến số 12 (giai đoạn 2), thông báo, những bệnh nhân cuối cùng ở Bệnh viện dã chiến số 12 đã xuất viện. Dự kiến bệnh viện này được giải thể vào tuần tới. Do dịch bệnh có chiều hướng gia tăng trở lại những ngày sau tết, bệnh viện vẫn giữ khu cấp cứu, có bảo vệ 24/24 và luôn có đội y bác sĩ, điều dưỡng cùng nhóm hậu cần trực chiến, sẵn sàng cho tình huống có bệnh nhân mới cho đến khi có quyết định giải thể chính thức của thành phố.

Tin cùng chuyên mục