Xung quanh chủ trương miễn viện phí cho bệnh nhi dưới 6 tuổi

Bệnh viện trung ương quá tải, kinh phí thiếu nghiêm trọng

Bệnh viện trung ương quá tải, kinh phí thiếu nghiêm trọng

Khám chữa bệnh miễn phí cho tất cả trẻ em dưới 6 tuổi là một chủ trương rất hợp lòng dân. Ngay từ đầu năm 2005, các bệnh viện đã bắt đầu thực hiện, mặc dù chưa có thông tư hướng dẫn. Tuy nhiên, qua tìm hiểu tại Bệnh viện Nhi Trung ương (Hà Nội) và một số cơ sở y tế địa phương về việc thực hiện chủ trương này, nổi lên một số vấn đề đáng quan tâm.

  • Bệnh nhân nhi tăng hơn... 2 lần
Bệnh viện trung ương quá tải, kinh phí thiếu nghiêm trọng ảnh 1

Bệnh viện Nhi Trung ương quá tải với lượng trẻ em dồn về khám bệnh quá đông. 
 

Chị Nguyễn Thị Nga, mẹ cháu Bùi Tuấn Anh, 4 tháng tuổi, ở xã Bảo Hòa, huyện Thanh Oai, tỉnh Hà Tây đưa con mình đến Bệnh viện Nhi Trung ương (tại quận Cầu Giấy, Hà Nội) vì cháu bị rối loạn tiêu hóa đã 3 ngày.

Không đưa cháu đến khám ở bệnh viện huyện, chị cho biết: “Chỉ điều trị theo lời mách của bà hàng xóm, thấy không đỡ nên đưa con lên hẳn Bệnh viện Nhi Trung ương cho yên tâm”. Cháu Tuấn Anh chưa có giấy khai sinh và chị Nga vẫn “chưa biết gì về chuyện miễn phí”... nhưng cháu Tuấn Anh vẫn được khám miễn phí.

Ở ngay tại quận Cầu Giấy, Hà Nội, song chị Nguyễn Thị Luân, mẹ cháu Đào Trung Hiếu, 4 tuổi, cũng “chỉ biết là được miễn phí, nhưng không biết cần giấy tờ gì để được miễn phí”! Tuy nhiên, theo chị Luân, “30.000 đồng tiền khám không phải là khoản tiền lớn. Còn tiền thuốc thì dù sao vẫn phải mua”.

Những phụ huynh như chị Nga, chị Luân không phải là số ít, nên số bệnh nhi đến khám chữa bệnh miễn phí tại Bệnh viện Nhi Trung ương từ khi chủ trương.... trên được thực hiện đã gia tăng đáng kể. Tiếp xúc với phóng viên Báo SGGP chiều 25-3, bác sĩ Trần Phan Dương, Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi Trung ương cho biết, so với thời điểm chưa áp dụng quy định này, số bệnh nhân nhi hiện tăng lên hơn 2 lần. Trung bình mỗi ngày toàn bệnh viện tiếp nhận khoảng 1.700 – 2.000 bệnh nhi, trong đó đa số là dưới 6 tuổi.

  • Bệnh viện nợ tiền... thuốc, vật tư

Đối với bệnh nhi ngoại trú, bệnh viện chỉ khám bệnh miễn phí, còn thuốc do gia đình tự mua. Bệnh nhân nội trú dưới 6 tuổi (chiếm tới 85%) được miễn phí hoàn toàn, cả tiền thuốc và các loại vật tư tiêu hao khác. “Vậy là khó khăn đầu tiên đến với chúng tôi là kinh phí. Từ đầu năm 2005 đến nay, chúng tôi vẫn phải nợ tiền của các công ty dược và thiết bị y tế. Với mức chi như hiện nay, khoản tiền được cấp để chi tiêu cho bệnh nhân trong cả năm 2005 (xấp xỉ 8 tỷ đồng) có lẽ chỉ đủ để mua thuốc trong 5 tháng”, ông Dương nói.

Theo ông Nguyễn Trọng An, Phó Vụ trưởng Vụ Trẻ em (Ủy ban Dân số, Gia đình và Trẻ em), việc quy định trẻ có thể đến khám tại bất kỳ một cơ sở y tế công lập nào không cần phải tuân theo tuyến thực sự là một quy định quan trọng nhằm đảm bảo việc không thể có trường hợp “thầy thuốc từ chối bệnh nhân”, giảm thiểu phiền hà cho bệnh nhi và người nhà. Ông An cũng cho biết, Bộ Tài chính đã tính toán đến việc cân đối ngân sách và khó khăn chỉ nằm ở chỗ quản lý nguồn ngân sách đó để tránh tiêu cực, thất thoát.

  • Nguy cơ xuất hiện thêm vòng luẩn quẩn...

Không phải không có lý khi bác sĩ Trần Phan Dương cho rằng trường hợp bệnh nhi “vượt tuyến lên trung ương” khi bệnh có thể điều trị khỏi ở tuyến dưới đã gây ra nhiều áp lực cho các bệnh viện ở tuyến trung ương. Ví dụ, ở ngay Khoa hô hấp của Bệnh viện Nhi Trung ương, số bệnh nhi nội trú thường xuyên gấp 3 – 4 lần công suất, dẫn đến tình trạng 3 - 4 bệnh nhi phải nằm chung một giường, các phòng không đảm bảo vệ sinh, rất dễ lây lan bệnh.

Bên cạnh đó, đội ngũ y bác sĩ, y tá phải làm việc rất vất vả, không còn dành thời gian và sức lực cho công việc học hỏi, nghiên cứu, nắm bắt các kiến thức mới, các phương pháp điều trị mới... Trong khi đó, đây là một chức năng rất quan trọng của bệnh viện trung ương, để có thể thực hiện được chức năng chỉ đạo ngành.

Mặt khác, về lâu về dài, một khi bệnh nhân nhi ở các bệnh viện trung ương gia tăng cũng đồng nghĩa với bệnh nhân nhi ở các bệnh viện địa phương giảm đi, ít gây áp lực cho địa phương. Từ đây, rất có thể các địa phương sẽ ít chú trọng đầu tư cho khoa nhi; đội ngũ thầy thuốc nhi khoa ở các tỉnh này cũng sẽ vì thế mà mai một, rồi không ít người lại bỏ nghề... Trong khi đó, 2 năm qua, Đại học Y Hà Nội đã không tuyển đủ được số y sinh để đào tạo chuyên ngành nhi khoa. Đây chính là nguy cơ xuất hiện thêm một vòng luẩn quẩn mới đối với công tác khám và điều trị cho bệnh nhi ở nước ta. 

QUANG TRỌNG – ANH THƯ 

 

Tin cùng chuyên mục