Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Thiện Nhân: Đào tạo nhân lực trí tuệ nhân tạo đạt trình độ quốc tế

Đồng chí Nguyễn Thiện Nhân, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TPHCM, gợi ý việc TPHCM chọn lọc lĩnh vực công nghệ thông tin, truyền thông, trí tuệ nhân tạo (AI), tự động hóa và người máy, robot; y tế, quản trị doanh nghiệp, tài chính ngân hàng và du lịch để đào tạo nhân lực trình độ quốc tế.

Phát biểu tại Hội thảo Đào tạo nhân lực trình độ quốc tế ở TPHCM do UBND TPHCM tổ chức ngày 15-8, đồng chí Nguyễn Thiện Nhân, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TPHCM, bày tỏ hội thảo này là bước khởi đầu hết sức ý nghĩa đối với TPHCM, giúp TPHCM hoàn thành sứ mạng giữ vững đầu tàu kinh tế bằng chất lượng nhân lực trình độ quốc tế.

Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Thiện Nhân: Đào tạo nhân lực trí tuệ nhân tạo đạt trình độ quốc tế ảnh 1 Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Thiện Nhân phát biểu tại hội thảo. Ảnh: VIỆT DŨNG

Nhân lực là điểm tựa, khoa học công nghệ là đòn bẩy

Phát biểu khai mạc hội thảo, đồng chí Nguyễn Thành Phong, Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TP cho biết, Đại hội Đảng bộ TPHCM lần thứ X nhiệm kỳ 2015-2020 đã xác định chương trình nâng cao chất lượng nguồn nhân lực là chương trình hàng đầu trong 7 chương trình đột phá của TP.

Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Thiện Nhân: Đào tạo nhân lực trí tuệ nhân tạo đạt trình độ quốc tế ảnh 2 Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong phát biểu tại hội thảo. Ảnh: VIỆT DŨNG
Hiện nay, TP đang tập trung triển khai các bước đi để tiến tới xây dựng đô thị thông minh với nòng cốt là những con người thông minh, đồng thời cải thiện nguồn vốn con người đáp ứng các yêu cầu về kiến thức và kỹ năng liên tục thay đổi trong môi trường lao động mới, chuẩn bị cho cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4. Chính vì vậy, định hướng trong công tác giáo dục đào tạo nói chung và định hướng đào tạo nhân lực trình độ quốc tế nói riêng là nhiệm vụ trọng tâm của TP trong thời gian tới.

Đánh giá chung về thực trạng đào tạo nhân lực quốc tế tại TP, TS. Lê Hồng Sơn, Giám đốc Sở GD-ĐT TPHCM cho biết, hiện nay chất lượng đầu vào và đầu ra của sinh viên TP cao hàng đầu trong cả nước, đặc biệt là chuẩn tiếng Anh, tỷ lệ sinh viên có việc làm sau tốt nghiệp là 95%. Bên cạnh đó, đội ngũ giảng viên nhìn chung năng động, có phương pháp giảng dạy hiện đại, hầu hết đều tốt nghiệp nước ngoài và giảng viên là người nước ngoài.

Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Thiện Nhân: Đào tạo nhân lực trí tuệ nhân tạo đạt trình độ quốc tế ảnh 3 Quang cảnh hội thảo. Ảnh: VIỆT DŨNG
Tuy nhiên, do học phí các chương trình quốc tế cao hơn chương trình bình thường, chưa có hệ thống chính sách và luật pháp đồng bộ cho các cơ sở đào tạo theo tiêu chuẩn quốc tế. Đặc biệt là trường công lập, nguồn lực để phục vụ cho việc đào tạo nhân lực theo chuẩn quốc tế còn thiếu và yếu, số lượng chương trình liên kết được triển khai chưa tương xứng tiềm lực phát triển của các trường đại học, thiếu cơ chế thu hút và phát huy năng lực những người được đào tạo tại nước ngoài, thiếu định hướng cụ thể cho yêu cầu quốc tế hóa giáo dục đại học nên hầu hết các trường đại học ở Việt Nam phải tự tìm tòi, học hỏi kinh nghiệm quốc tế trong liên kết đào tạo, xây dựng chiến lược phát triển khiến hiệu quả còn hạn chế.  

Theo Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Lê Hải An, Luật Giáo dục đại học (sửa đổi) vừa ban hành hướng đến việc tăng cường quyền tự chủ của các trường đại học. Ngoài ra, hai đề án nâng cao chất lượng giáo dục tại các trường đại học và nâng cao trình độ, chất lượng đội ngũ giảng viên do Chính phủ ban hành triển khai rộng rãi trên cả nước là động lực quan trọng thúc đẩy mục tiêu phát triển chất lượng giáo dục tại các cơ sở giáo dục đại học.

Thứ trưởng mong TP tiếp tục hỗ trợ các cơ sở đại học trong việc nâng cao chất lượng giáo dục, đồng thời tập trung nguồn lực triển khai khung trình độ quốc gia, xem xét các chính sách hỗ trợ để doanh nghiệp cùng tham gia, hỗ trợ quá trình đào tạo, tạo môi trường sinh thái đào tạo tốt nhất cho người học. 

Đại diện Bộ KH-CN, Thứ trưởng Trần Văn Tùng cho rằng có nhiều yếu tố để nâng cao và thúc đẩy chất lượng phát triển nguồn nhân lực, trong đó xu hướng phát triển các trường đại học theo định hướng nghiên cứu là hướng đi đúng đắn. Thời gian tới, các bộ, ngành tiếp tục quan tâm phát triển các hoạt động hướng nghiệp, giáo dục Stem, phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp nhằm tạo tiền đề phát triển chất lượng nguồn nhân lực.

Ở góc độ khác, PGS.TS. Vũ Hải Quân, Phó Giám đốc Thường trực Đại học Quốc gia TPHCM cho rằng, để phát triển nền kinh tế tri thức, cần xác định nhân lực là điểm tựa, khoa học công nghệ là đòn bẩy. Để sử dụng nhân lực phục vụ phát triển, TP cần có cơ chế đặt hàng đối với các đơn vị đào tạo, đa dạng hóa nguồn ngân sách, nâng cao hiệu quả học tiếng Anh bởi ngoại ngữ là yếu tố then chốt trong quá trình phát triển, ngoài ra cần mạnh dạn nghiên cứu xây dựng trung tâm cải tiến phương pháp và công nghệ giảng dạy, xây dựng mô hình đại học dựa trên nền tảng công nghệ…

Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Thiện Nhân: Đào tạo nhân lực trí tuệ nhân tạo đạt trình độ quốc tế ảnh 4 Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong trao đổi với đại biểu hội thảo. Ảnh: VIỆT DŨNG

Không nên bi quan về trình độ nhân lực Việt Nam

Để có cái nhìn toàn diện, đồng chí Bí thư Thành ủy TPHCM dành thời gian đề cập một vài xu hướng hiện nay. Trong đó, với sự tiến bộ của khoa học công nghệ trong cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, dẫn đến nhu cầu về số lượng, tỷ lệ người có trình độ đại học ngày càng tăng, làm nhu cầu đào tạo tăng theo. Mặt khác, cơ cấu nghề nghiệp sẽ thay đổi mạnh mẽ trong tương lai. Nhiều công việc mới ra đời, đòi hỏi việc đào tạo vừa tạo nền tảng tốt để thích nghi lâu dài, vừa đòi hỏi những người đang có việc làm phải học tập nâng cấp mình. Điều này làm xuất hiện nhu cầu “học tập suốt đời” và trong cuộc cách mạng công nghệ số thì phải là “học tập suốt đời thông minh”.
Dẫn chứng một thống kê ở Đức sau 8 năm nghiên cứu cho thấy, những nghề mới ra đời tạo ra số việc làm nhiều hơn số nghề cũ mất việc làm. Theo đồng chí Nguyễn Thiện Nhân, đây là thông điệp rất quan trọng. Bởi, có một số thông tin gần như “đe dọa” Việt Nam, rằng nhiều người lao động của Việt Nam sẽ mất việc làm vì tự động hóa.

Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Thiện Nhân bày tỏ: “Nếu Việt Nam có năng lực tốt, sẽ là đồng tác giả của các dịch vụ gắn với tự động hóa và người lao động Việt Nam vẫn có việc làm. Vấn đề quan trọng là chúng ta phải có sự chuẩn bị thật tốt”.

Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Thiện Nhân: Đào tạo nhân lực trí tuệ nhân tạo đạt trình độ quốc tế ảnh 5 Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Thiện Nhân trao đổi với đại biểu dự hội thảo. Ảnh: VIỆT DŨNG
Phân tích thêm về kết quả đánh giá năng suất lao động của Việt Nam, được thông tin là đạt mức thấp, đồng chí Nguyễn Thiện Nhân nhận xét, đánh giá như thế là chưa đầy đủ. Bởi lẽ, khi dẫn ra năng suất lao động, tính bằng GDP thấp rồi quy nạp chất lượng lao động Việt Nam thấp là chưa đúng.

“Vì sao Intel, Samsung đầu tư vào Việt Nam?”, đồng chí nêu vấn đề và khẳng định, các doanh nghiệp này đầu tư vào Việt Nam bởi lao động Việt Nam hoàn toàn đáp ứng được yêu cầu của họ.

Cụ thể, Intel ngày mới đầu tư tại TPHCM chỉ hơn 200 lao động thì nay đã có hàng ngàn lao động.

Tương tự, Samsung đến đầu tư tại Việt Nam với quy mô lao động trên 100.000 người. “Có phải vì chất lượng lao động kém? Không! Tất cả những gì Samsung muốn làm, người Việt Nam đều đáp ứng được”, đồng chí Nguyễn Thiện Nhân khẳng định và chia sẻ, có thời điểm đồng chí tham quan nhà máy Samsung với 70.000 lao động nhưng chỉ có 70 người Hàn Quốc, còn lại là người Việt Nam.

Điều này cho thấy, lao động Việt Nam có nền tảng đào đạo sẽ đáp ứng được nhu cầu. Đối với lao động chưa tốt sẽ được đào tạo bổ sung và quan trọng hơn là lao động Việt Nam có khả năng tiếp thu.

Kể thêm câu chuyện Intel đầu tư vào TPHCM, tại thời điểm đó đồng chí Nguyễn Thiện Nhân là Phó Chủ tịch UBND TPHCM, đã nhận được nhận xét từ doanh nghiệp: “Vấn đề là không có kỹ sư vi mạch”.

“Tôi nói: Đúng rồi, vì TPHCM không có ngành công nghiệp vi mạch. Nhưng TPHCM vẫn có thể làm được”, đồng chí Nguyễn Thiện Nhân kể. 

Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Thiện Nhân: Đào tạo nhân lực trí tuệ nhân tạo đạt trình độ quốc tế ảnh 6 Đại biểu quốc tế lắng nghe các ý kiến trao đổi trong hội thảo. Ảnh: VIỆT DŨNG
Hiện thực khẳng định “có thể làm được”, TPHCM ngay lập tức triển khai 3 biện pháp đồng bộ, gồm: chọn những kỹ sư điện tử Việt Nam có kết quả học tập tốt đưa đào tạo bổ sung. Cùng đó là lựa chọn những sinh viên tin học điện tử năm thứ 2 đưa sang Mỹ học (nhóm đầu tiên có 70 em, khi tốt nghiệp có 90% tốt nghiệp loại giỏi, cao hơn mức bình quân của sinh viên Mỹ) và Intel hỗ trợ phần mềm giảng dạy về vi mạch, thiết kế vi mạch để đào tạo tại 4 trường đại học của Việt Nam.

Sau 5 năm thực hiện các giải pháp này (cùng với sự chủ động của doanh nghiệp - PV), Intel đã không thiếu nhân lực nữa. Dẫn chứng câu chuyện trên, đồng chí Nguyễn Thiện Nhân bày tỏ: “Nói điều này để cho thấy đừng nên bi quan quá về nhân lực của Việt Nam”.

Giải pháp để TPHCM có nhân lực “tầm” quốc tế

“Tại sao TPHCM muốn đào tạo nhân lực trình độ quốc tế?”, Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Thiện Nhân đặt vấn đề.

Theo đồng chí, TPHCM hiện có năng suất lao động gấp gần 3 lần cả nước. Dân số TPHCM chỉ chiếm 10% cả nước nhưng đóng góp gần 25% GDP toàn quốc. Đất nước đòi hỏi TPHCM phải tiếp tục đi đầu về kinh tế, phải giữ năng suất lao động gấp 3 lần hoặc tăng hơn trong tương lai. Đáp ứng đòi hỏi này là không dễ dàng.

Tuy nhiên, đồng chí gợi ý, để tiếp tục đi đầu trong kinh tế thì đòi hỏi tiền đề là đi đầu về chất lượng nhân lực. “Không đi đầu về chất lượng nhân lực, TPHCM không thể đi đầu về kinh tế”, Bí thư TPHCM Nguyễn Thiện Nhân nhấn mạnh.

Trong thời gian qua, cứ 5 năm thì TPHCM tăng thêm 1 triệu dân. Trong số này có nửa triệu lao động. Đây là vốn rất quý với thành phố, là nguồn lực quan trọng nhất của TPHCM là 4,5 triệu người lao động sáng tạo.

Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Thiện Nhân: Đào tạo nhân lực trí tuệ nhân tạo đạt trình độ quốc tế ảnh 7 Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Thiện Nhân: "Không đi đầu về chất lượng nhân lực, TPHCM không thể đi đầu về kinh tế".  Ảnh: VIỆT DŨNG
Cùng với đó, để đạt hiệu quả, năng suất lao động cao, theo đồng chí, TPHCM cần có chương trình đồng bộ để tập thể hành động. Song, từng trường hợp, từng cá nhân phải hành động để hướng tới nhân lực trình độ quốc tế (trên các lĩnh vực chọn lọc) trong 10 - 25 năm tới.

Đi vào giải pháp, đồng chí Bí thư Thành ủy TPHCM đề nghị Chủ tịch UBND TPHCM cân nhắc việc thành lập hội đồng tư vấn (có thành viên nước ngoài) để đào tạo nhân lực trình độ quốc tế ở TPHCM.

Cùng với đó, TPHCM phải có cơ chế tài chính phù hợp. Bởi vì học trường chất lượng cao phải trả phí cao. Theo đồng chí Nguyễn Thiện Nhân, TPHCM nên có chương trình cho vay học trường chất lượng cao. Đồng chí tin tưởng, những sinh viên giỏi không đủ tiền học trường chất lượng cao ra trường chắc chắn trả được khoản vay này.

Cũng liên quan đến tài chính, các trường phấn đấu đạt trình độ quốc tế phải có đầu tư gia tăng, từ phòng ốc đến trang thiết bị, nghiên cứu. Bí thư Thành ủy TPHCM gợi mở về chương trình cho vay kích cầu để hình thành các trường đại học trình độ quốc tế tại TPHCM.

Ngoài ra, TPHCM cần phát triển mạnh mẽ hợp tác công - tư theo từng nhóm chuyên đề, từng nhu cầu của các trường đại học. Qua đó hợp tác để tăng tốc nâng cao trình độ tiếng Anh, đào tạo giáo viên thực hiện được chương trình quốc tế, triển khai các môn học và chương trình đào tạo trình độ quốc tế, kiểm định chất lượng giáo dục theo chuẩn quốc tế. Đồng thời, hợp tác nâng cao trình độ quản lý của nhà trường, hợp tác nhận chuyển giao công nghệ mới và phát triển công nghệ mới, sản phẩm mới.

Bí thư Thành ủy TPHCM hoan nghênh sáng kiến của Đại học Arizona (Mỹ), đề xuất chương trình tăng tốc đào tạo nhân lực trình độ mới, thế hệ mới. Đồng chí mong muốn trường gửi đề xuất cụ thể đến TPHCM.

Đồng chí còn lưu ý đẩy mạnh hơn giáo dục thông minh để các trường phổ thông cũng là trường thông minh; hình thành chương trình đào tạo mở trên mạng miễn phí, có thể gọi là chương trình đào tạo, học tập suốt đời.

Đặc biệt, Bí thư Thành ủy TPHCM gợi mở về việc thành lập Viện Quản lý Giáo dục - Đào tạo, như mô hình của Singapore để nghiên cứu các mô hình giáo dục đào tạo hiệu quả.

Tuy vậy, đồng chí cũng nhận xét, TPHCM không thể dàn trải đào tạo nhân lực đạt trình độ quốc tế ở mọi lĩnh vực mà cần chọn lọc một số lĩnh vực TPHCM cần nhất. Cụ thể, TPHCM cần nhân lực công nghệ thông tin - truyền thông, trí tuệ nhân tạo (AI). Cùng đó, là lĩnh vực tự động hóa và người máy, robot. Lĩnh vực thứ ba là y tế, để TPHCM là nơi cung cấp nhân lực y tế trình độ quốc tế. Đồng thời, TPHCM cần nhân lực trình độ quốc tế ở lĩnh vực quản trị doanh nghiệp, tài chính ngân hàng và du lịch.

Theo Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Thiện Nhân, kết luận năng suất thấp do năng lực kém là không đúng. Bởi lẽ, một kỹ sư nông nghiệp, một kỹ sư điện tử dù có giỏi đến đâu nhưng làm việc bằng tay chân thì năng suất không thể cao. Muốn năng suất lao động cao phải đi liền với công cụ lao động mới, công nghệ hiện đại. 

Công nghệ cơ khí có năng suất cơ khí, công nghệ thủ công có năng suất thủ công và công nghệ tự động hóa có năng suất tự động hóa. Vấn đề ở chỗ, mỗi công nghệ đòi hỏi phải có nhân lực phù hợp. Ngoài ra, muốn có năng suất cao thì phải có lao động tốt, đồng thời phải đổi mới công nghệ đi kèm. Thế nhưng, doanh nghiệp Việt Nam đầu tư đổi mới công nghệ kém, là nguyên nhân dẫn đến năng suất lao động thấp.

Vì vậy, dù nhân lực là tiền đề nhưng đòi hỏi phải đầu tư thiết bị, công nghệ. Làm được việc này cần có tích lũy tài chính, đầu tư trang thiết bị và kêu gọi đầu tư nước ngoài. Trường hợp được sở hữu thiết bị, công nghệ hiện đại thì người Việt Nam đủ khả năng làm chủ và chứng minh được năng suất, hiệu quả. Chẳng hạn hiện nay, ngành y của Việt Nam đã thực hiện phẫu thuật bằng robot thành công.

Tin cùng chuyên mục