Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Thiện Nhân: Ngăn chặn sự phá sản của doanh nghiệp

Để đảm bảo kinh tế TPHCM được khôi phục và phát triển, đồng chí Nguyễn Thiện Nhân, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TPHCM, đề nghị phải nỗ lực ngăn chặn phá sản của doanh nghiệp, thông qua việc hỗ trợ thu nhập cho người lao động; hỗ trợ để đảm bảo tính thanh khoản của doanh nghiệp…

Ngày 5-5, UBND TPHCM tổ chức buổi tọa đàm trực tuyến “Khôi phục và phát triển kinh tế TPHCM năm 2020”. Tham dự tại điểm cầu UBND TPHCM có các đồng chí Nguyễn Thiện Nhân, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TPHCM; Nguyễn Thành Phong, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TPHCM; cùng các đồng chí lãnh đạo UBND TP, lãnh đạo các sở - ngành và các doanh nghiệp tiêu biểu trên địa bàn TPHCM.

Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Thiện Nhân: Ngăn chặn sự phá sản của doanh nghiệp ảnh 1 Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Thiện Nhân phát biểu tại buổi tọa đàm. Ảnh: VIỆT DŨNG

Tính phí xét nghiệm Covid-19 trong vé máy bay

Phát biểu tại buổi tọa đàm, Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Thiện Nhân thông tin, đến ngày 5-5, toàn thế giới đã có 212 nước có người mắc Covid-19 với 3,6 triệu người mắc, hơn 251.570 người chết và 2,196 triệu người đang được điều trị trong các bệnh viện.

Theo đồng chí Nguyễn Thiện Nhân, trong 4 tháng đầu năm 2020, dịch Covid-19 nổ ra tại Trung Quốc đã lan sang 212 nước, song đến nay lây nhiễm và chết chủ yếu ở 10 nước có số người nhiễm từ 100.000 trở lên (Mỹ, Tây Ban Nha, Ý, Anh, Pháp, Đức, Nga, Thổ Nhĩ Kỳ, Brazil và Iran). Tổng số người mắc Covid-19 ở 10 nước này chiếm 75% tổng số người mắc và chiếm 78% tổng số người chết trên toàn cầu.

Hiện nay, mỗi ngày vẫn tăng thêm 80.000 người mắc Covid-19. Diễn biến lây lan dịch ở 212 nước còn lại thế nào trong tháng 5-2020 đến tháng 12-2020 chưa dự báo được. Song, đồng chí cho rằng đối với một số nước là đối tác chủ yếu của nước ta trên 3 lĩnh vực đầu tư, thương mại và du lịch thì việc theo dõi, dự báo khi nào họ hết dịch để có sự chủ động trong hợp tác phát triển kinh tế là rất quan trọng.

Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Thiện Nhân: Ngăn chặn sự phá sản của doanh nghiệp ảnh 2 Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Thiện Nhân phát biểu tại toạ đàm. Ảnh: VIỆT DŨNG

Đồng chí Bí thư Thành ủy TPHCM cho rằng, các nước sẽ thoát ra khỏi dịch và chuyển sang trạng thái bình thường mới với thời gian và quy mô khác nhau. Do đó, Việt Nam cần mở cửa kinh tế, du lịch với từng nước với điều kiện cụ thể và vào thời điểm khác nhau (từ tháng 5-2020 đến tháng 12-2020).

Về thương mại, theo Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Thiện Nhân hiện có 14 nước chiếm 80% thương mại của Việt Nam. Trong số này, có 5 nước (Mỹ, Ấn Độ, Indonesia, Hà Lan và Singpore) chưa chuyển giai đoạn và 9 nước đã chuyển giai đoạn. Trong đó, tình hình dịch bệnh ở Mỹ vẫn rất căng thẳng, nên trong thời gian ngắn, chúng ta chưa thể làm ăn, buôn bán được với Mỹ.

Song, Australia đã chuyển giai đoạn (vào đầu tháng 4-2020), Hàn Quốc đã chuyển giai đoạn (vào ngày 12-3)… nên từ tháng 6-2020, chúng ta có thể mở cửa làm ăn trở lại tương đối bình thường với những nước này.

Đồng chí Nguyễn Thiện Nhân tính toán, đối với những nước đã qua đỉnh dịch, nếu chúng ta quyết liệt mở cửa quan hệ với các nước này từ tháng 5 đến tháng 12-2020 thì cả nước có thể khôi phục khoảng 57% giá trị thương mại so với năm 2019.

Đối với các đối tác đầu tư vào Việt Nam, Bí thư Thành ủy TPHCM đề cập đến 6 đối tác đầu tư lớn nhất, chiếm 80% tổng đầu tư nước ngoài vào Việt Nam trong năm 2019. Đứng đầu là Hàn Quốc và kế đó là Hồng Kông đều đã chuyển giai đoạn, nên tháng 6-2020 là có thể mở cửa đầu tư trở lại vào Việt Nam. Tuy nhiên, một số nước như Singapore tình hình vẫn rất căng thẳng; Nhật Bản mới chuyển giai đoạn cách đây vài ngày.

Đồng chí cho rằng nếu chúng ta kêu gọi đầu tư hiệu quả, quyết liệt từ tháng 6 đến tháng 12-2020 thì có thể khôi phục được 67% giá trị đầu tư của năm 2019.

Liên quan đến hoạt động du lịch, Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Thiện Nhân thống kê có 8 nước chiếm 80% lượng khách du lịch nước ngoài đến Việt Nam. Trong đó, Trung Quốc đã chuyển giai đoạn và về lý thuyết từ tháng 6-2020, khách Trung Quốc có thể sang nhưng khi mở cửa thì phải tính toán cho phép khách từ tỉnh nào vào được, tỉnh nào chưa được (vì tình hình dịch bệnh ở Trung Quốc phân bổ không đồng đều giữa các địa phương). Chúng ta cũng có thể mở cửa đón du khách Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan, Thái Lan… nhưng chưa thể đón du khách từ Mỹ, Nga. Ước tính từ đây đến tháng 12-2020 có thể đón 6 triệu du khách nước ngoài.

“Thách thức lớn trong giai đoạn sắp tới là làm sao phát hiện và kiểm soát kịp thời nguy cơ lây nhiễm của trên 6 triệu khách du lịch nước ngoài có thể vào Việt Nam trong 7 tháng cuối năm”, đồng chí Nguyễn Thiện Nhân lưu ý và đặt hàng với ngành y tế về giải pháp kiểm soát dịch bệnh đối với các du khách này.

Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Thiện Nhân nhấn mạnh đến các giải pháp phòng dịch, trong đó có đeo khẩu trang, giám sát người nước ngoài vào. Đồng thời, việc kiểm soát bằng cách lấy mẫu xét nghiệm 100% là cần thiết, trong đó đưa chi phí xét nghiệm vào giá vé máy bay.

Nỗ lực ngăn chặn doanh nghiệp phá sản

Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Thiện Nhân đề nghị thực hiện phòng dịch quyết liệt, phục hồi sản xuất, kinh doanh và hoạt động xã hội trong điều kiện bình thường mới. Đó là phải thực hiện hành vi phòng dịch chuẩn đối với mỗi cá nhân, doanh nghiệp, trường học, cộng đồng, dịch vụ… Cùng với đó là việc phát hiện, kiểm soát kịp thời tất cả người nhập cảnh mang nguy cơ mắc Covid-19.

Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Thiện Nhân: Ngăn chặn sự phá sản của doanh nghiệp ảnh 3 Quang cảnh buổi tọa đàm. Ảnh :VIỆT DŨNG

Trong phục hồi sản xuất, kinh doanh, trước tiên phải thực hiện các giải pháp ngăn chặn phá sản của doanh nghiệp. Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Thiện Nhân gợi ý đến việc chính sách hỗ trợ thu nhập cho người lao động để doanh nghiệp không mất lao động.

“Người lao động mất việc có thể tìm việc nơi khác, nhưng doanh nghiệp mất lao động không thể phục hồi sản xuất kinh doanh được”, đồng chí Nguyễn Thiện Nhân phân tích và đề nghị chính sách hỗ trợ doanh nghiệp giữ chân người lao động trong vài tháng. Sau thời gian này, kinh tế sẽ phục hồi trở lại và nếu chúng ta ngăn chặn tốt ảnh hưởng dịch bệnh từ nước ngoài (lây lan vào) thì chỉ riêng thị trường nội địa cũng có thể góp phần duy trì hoạt động sản xuất.

Vì vậy, đồng chí đề nghị UBND TPHCM thực hiện quyết liệt chính sách hỗ trợ của Chính phủ, đồng thời thực hiện gói hỗ trợ của TPHCM, để người lao động không phải bỏ việc vì không có thu nhập. Mặt khác, để tạo thuận lợi thì chỉ cần yêu cầu doanh nghiệp kê khai danh sách (số lao động cần hỗ trợ - PV) và cam kết về tính chính xác. Trên cơ sở đó, chính quyền thực hiện chính sách và hậu kiểm, thay vì kiểm tra trước rồi mới chi trả chính sách.

Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Thiện Nhân phân tích thêm về hiệu quả của chính sách này, nhất là từ bài học kinh nghiệm từ nước Đức. Theo đồng chí, dịch bệnh xảy ra ở Mỹ trong 3 tháng thì có đến 26 triệu lao động đăng ký thất nghiệp. Trong khi, số người mắc Covid-19 ở Đức cũng rất cao nhưng số người đăng ký thất nghiệp không nhiều. Nguyên do, Đức thực hiện “làm việc từng phần”, theo truyền thống chia sẻ của người Đức. Điều này có nghĩa là khi nào doanh nghiệp còn hoạt động thì họ tổ chức thời gian cho mỗi người lao động đều được làm việc. Thời gian làm việc của người lao động dù ít đi, nhưng họ không bị mất việc và vẫn còn thu nhập. “Họ chia sẻ việc làm chứ không bỏ việc làm nên Đức có khả năng phục hồi (kinh tế - PV) rất nhanh”, đồng chí Nguyễn Thiện Nhân đánh giá.

Ngoài ra, hiện nay doanh nghiệp phải chịu nhiều gánh nặng về chi phí thuê nhà xưởng, lãi vay ngân hàng… nên cần có sự hỗ trợ để đảm bảo tính thanh khoản của doanh nghiệp, cũng thực hiện theo nguyên tắc hậu kiểm để tạo thuận lợi cho doanh nghiệp.

Cùng với đó là xem xét chính sách hỗ trợ, khuyến khích sản xuất kinh doanh phục vụ thị trường nội địa, khai thác nhu cầu của 100 triệu dân cả nước, trong đó có du lịch nội địa, ăn uống, vui chơi, giải trí mà không chờ nước ngoài khỏi dịch bệnh.

Bên cạnh đó, đồng chí đề nghị thực hiện chính sách hỗ trợ khuyến khích sản xuất thay thế hàng nhập khẩu, nhất là vật tư, thiết bị có lợi thế nguồn gốc địa phương và mở rộng chuỗi giá trị gia tăng trong nước, kể cả sản phẩm xuất khẩu.

Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Thiện Nhân: Ngăn chặn sự phá sản của doanh nghiệp ảnh 4  Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Thiện Nhân gợi ý chính sách hỗ trợ thu nhập cho người lao động để doanh nghiệp không mất lao động. Ảnh: VIỆT DŨNG

Ngoài ra, đồng chí Nguyễn Thiện Nhân cũng lưu ý việc dự báo kịp thời, phối hợp các nước đối tác chủ yếu về thương mại, đầu tư và du lịch để mở cửa hoạt động kinh tế, du lịch với từng nước, vào thời điểm phù hợp, từ tháng 5 đến tháng 12-2020.

Thúc đẩy số hóa tài nguyên của các doanh nghiệp, hoàn thành cơ sở dữ liệu số của các ngành kinh tế, hạ tầng của TPHCM và triển khai quản trị thông minh ở các doanh nghiệp, cơ quan quản lý nhà nước. Cùng với đó là việc triển khai mạnh mẽ đầu tư công của thành phố, phấn đấu đến tháng 10-2020 giải ngân trên 80% giá trị các dự án.

“TPHCM đang đầu tư khu công nghiệp mới, khu công nghệ cao giai đoạn 2”, đồng chí Nguyễn Thiện Nhân thông tin và yêu cầu đẩy nhanh tiến độ thực hiện, đồng thời phê duyệt quy hoạch cục bộ và kêu gọi đầu tư Khu đô thị sáng tạo tương tác cao phía Đông, đẩy mạnh đầu tư ở Khu đô thị mới Thủ Thiêm.

Đồng chí Nguyễn Thiện Nhân cũng yêu cầu thực hiện biện pháp hỗ trợ và thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển lành mạnh, vượt qua thách thức lớn hiện nay; hỗ trợ đẩy mạnh các chương trình đề án khởi nghiệp sáng tạo. Đặc biệt là việc phát huy trí tuệ, nguồn nhân lực của TPHCM, cả nước và người Việt Nam ở nước ngoài để xây dựng các đề án, quy hoạch cụ thể của 3 chương trình đột phá (đổi mới quản lý TPHCM, phát triển hạ tầng TPHCM, phát triển nhân lực và văn hóa TPHCM) và chương trình trọng điểm (phát triển doanh nghiệp, khởi nghiệp sáng tạo và phát triển sản phẩm chủ lực TPHCM) giai đoạn 2020 - 2025, định hướng năm 2030 để triển khai mạnh mẽ từ năm 2021.

Khôi phục, phát triển kinh tế - mệnh lệnh cần làm ngay

Trước đó, phát biểu tại buổi tọa đàm, Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong, khẳng định, TPHCM đã thực hiện tốt công tác phòng chống dịch bệnh Covid-19 theo đúng tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và chấp nhận hy sinh một phần lợi ích kinh tế để đảm bảo an toàn tuyệt đối sức khỏe, tính mạng cho nhân dân.

Theo đồng chí Nguyễn Thành Phong, trong quý I-2020, việc thực hiện nghiêm yêu cầu giãn cách xã hội để phòng chống dịch bệnh đã tác động rất lớn đến sự tăng trưởng của TP. Tăng trưởng kinh tế của TP trong quý I-2020 chỉ tăng 0,42% so cùng kỳ năm 2019, thấp nhất kể từ năm 1986 đến nay.

Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Thiện Nhân: Ngăn chặn sự phá sản của doanh nghiệp ảnh 5 Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong phát biểu tại buổi tọa đàm. Ảnh: VIỆT DŨNG
Theo đồng chí, với vai trò là đầu tàu kinh tế, dẫn dắt kinh tế của vùng và cả nước, TPHCM luôn đạt tốc độ tăng trưởng kinh tế cao hơn cả nước trung bình từ 1,1 đến 1,2 lần trong một thời gian dài. Chính sự tăng trưởng chậm lại của TPHCM sẽ có nhiều tác động đến sự tăng trưởng chung của cả nước.
“Vì vậy, tập trung mọi nguồn lực và giải pháp để khôi phục và phát triển kinh tế TPHCM là “mệnh lệnh” cần phải làm ngay trong bối cảnh hiện nay để vực dậy sự phát triển kinh tế của TPHCM”, người đứng đầu UBND TPHCM nhấn mạnh.


Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong phân tích, trong hoạt động của doanh nghiệp (DN), bên cạnh sự nỗ lực tự thân để vượt qua các tác động của dịch Covid-19 thì sự hỗ trợ kịp thời từ Chính phủ là rất quan trọng. Trường hợp hỗ trợ chậm trễ sẽ làm DN rơi vào trạng thái khó khăn, dễ dẫn đến phá sản và làm kéo theo nhiều hệ lụy như tăng tỷ lệ thất nghiệp, tạo gánh nặng về an sinh xã hội và gia tăng tội phạm.

Chính vì vậy, việc tổ chức tọa đàm tìm giải pháp khôi phục và phát triển kinh tế TPHCM năm 2020 nhằm ghi nhận các ý kiến đóng góp từ chuyên gia kinh tế, lắng nghe các vướng mắc khó khăn từ các DN, các hiệp hội ngành nghề, làm cơ sở để tiếp tục đánh giá theo chiều sâu tác động của dịch Covid-19 đến một số ngành kinh tế chủ lực của TPHCM.

Đồng chí đề nghị thảo luận, đề xuất giải pháp tập trung phát triển các ngành đóng góp cao vào tăng trưởng kinh tế ở nhiều lĩnh vực cũng như việc đầu tư có trọng điểm, ưu tiên phát triển sản xuất kinh doanh, chuỗi cung ứng cung cấp các sản phẩm thiết yếu cho người tiêu dùng.

Cùng với đó là việc góp ý về những giải pháp mà TPHCM cần tập trung thực hiện để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, tạo các điều kiện thuận lợi để các ngành dịch vụ phát triển trong thời gian tới.

Ngoài ra, đồng chí đề nghị có góp ý về các giải pháp vực dậy sự phát triển của ngành du lịch, trong đó có định hướng phát triển hoạt động du lịch nội địa; đẩy mạnh phát triển hoạt động ăn uống và lưu trú, gắn với phát triển du lịch nội địa.

Đồng chí cũng nhấn mạnh đến việc nghiên cứu phát triển các sản phẩm mới thích ứng với tình hình dịch Covid-19; nghiên cứu, khai thác các thị trường nước ngoài, đặc biệt là các thị trường lớn để đẩy mạnh xuất khẩu hàng hóa và nhập khẩu nguyên vật liệu phục vụ sản xuất.

Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Thiện Nhân: Ngăn chặn sự phá sản của doanh nghiệp ảnh 6 Ông Chu Tiến Dũng, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TPHCM (Huba) phát biểu tại buổi tọa đàm. Ảnh: VIỆT DŨNG

Tham gia thảo luận, ông Chu Tiến Dũng, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TPHCM (Huba), đưa ra các giải pháp, kiến nghị tập trung một số các hoạt động hỗ trợ DN. Cụ thể, chính quyền đồng hành cùng DN ổn định thị trường, tiếp cận thị trường mới, tái cấu trúc lại thị trường, mở rộng thị trường nội địa, chuẩn bị sẵn sàng cho xuất khẩu vào các thị trường ngoại khi các nước nới lỏng giãn cách xã hội.

Ông Chu Tiến Dũng cũng kiến nghị sớm khai thông khâu vận chuyển lưu thông hàng hóa, đặc biệt là tại cảng; triển khai nhanh các dự án đầu tư công và có thêm tiêu chí ưu tiên cho DN trong nước tham gia đấu thầu, xét chọn nhà thầu đối với các dự án đầu tư công…

Đối với DN tham gia các lĩnh vực sản phẩm mới, đặc biệt là sản phẩm phục vụ phòng chống dịch, ông Chu Tiến Dũng đề nghị các cấp, các ngành tập trung giải quyết nhanh các thủ tục xác nhận điều kiện hợp quy sản phẩm, giải quyết nhanh các thủ tục để xuất khẩu. Đồng thời đẩy mạnh thực hiện cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” tạo ra ý thức hệ và nề nếp của người dân tự nguyện ủng hộ hàng Việt Nam…

“Nuôi nợ để đòi được nợ
Góp ý thêm về các chính sách, TS Trần Du Lịch, Thành viên tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ, đề xuất TPHCM cần xây dựng một chương trình phục hồi kinh tế hậu Covid-19, với 3 giải pháp tổng thể để khôi phục và phát triển kinh tế.

Trước tiên, TPHCM cần sớm bình thường hóa các hoạt động kinh tế trên địa bàn trong điều kiện “bình thường mới”.

Theo TS Trần Du Lịch, trong hơn 3 tháng qua, thực hiện chủ trương “chống dịch như chống giặc”, TPHCM đã vượt qua giai đoạn là điểm nóng của dịch, bảo vệ được sức khỏe của nhân dân. Song, TPHCM cũng chịu hệ quả về kinh tế nặng nề nhất.

Trong khi đó, TPHCM chiếm gần 50% số lượng DN và khoảng 10% tổng số hộ sản xuất kinh doanh cá thể của cả nước, nên việc phục hồi kinh tế trên địa bàn TPHCM không chỉ là nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu của TPHCM mà còn là vấn đề của cả nước.

Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Thiện Nhân: Ngăn chặn sự phá sản của doanh nghiệp ảnh 7 TS Trần Du Lịch phát biểu tại buổi tọa đàm. Ảnh: VIỆT DŨNG

TS Trần Du Lịch cũng đề nghị triển khai hiệu quả các gói giải pháp hỗ trợ đang thực hiện, đồng thời bổ sung giải pháp hỗ mạnh hơn để hỗ trợ DN và đầu tư công. Cùng với đó là thực hiện nhanh việc chi trả gói an sinh sinh xã hội 62.000 tỷ đồng theo Nghị quyết của Chính phủ, vừa hỗ trợ cuộc sống của người dân gặp và kích cầu tiêu dùng nhằm tạo tác động lan tỏa đến các hoạt động kinh tế khác. Đồng thời thực hiện giảm giá các mặt hàng thiết yếu (như điện, nước, cước viễn thông), hỗ trợ DN hiệp trả lương để không sa thải người lao động.

Theo TS Trần Du Lịch, gói đầu tư công khoảng 700.000 tỷ đồng đang bị tắc nghẽn trong giải ngân đồng tư công, do sự chồng chéo và mâu thuẫn từ các quy định của pháp luật. Trong khi đầu tư công là “con chủ bài” để kích thích tăng trưởng nên cần các có giải pháp đặc biệt mang tính “xé rào” tháo gỡ những điểm nghẽn về thủ tục, thúc đẩy tiến độ giải ngân.

Cụ thể, TS Trần Du Lịch cho rằng, TPHCM cần kiến nghị Chính phủ cho phép triển khai dự án đầu tư, thủ tục giải ngân theo quan điểm “hợp tình nhưng có thể chưa hợp lý” và không phải bị quy trách nhiệm “cố ý làm trái” nếu hoàn toàn không có yếu tố tiêu cực, lợi ích cá nhân, lợi ích nhóm… Có như thế, TPHCM mới có thể đẩy nhanh đầu tư công, sử dụng nguồn vốn nhà nước để kích thích tăng trưởng, trong khi chờ sửa đổi, bổ sung quy định.

TS Trần Du Lịch cho rằng, việc thực hiện đầy đủ gói tín dụng khoảng 300.000 tỷ đồng sẽ nuôi dưỡng “mầm sống” của DN. Tuy nhiên, tình hình hiện nay còn phải “khoanh nợ”, nhằm không để DN đang không thể hoạt động nhưng vẫn bị “lãi mẹ đẻ lãi con” rồi sẽ “chết” sau đó. Do đó, chính sách tín dụng cần tập trung tín dụng cho những DN đang có thể hoạt động hoặc mở rộng hoạt động và khoanh nợ cho các DN không thể hoạt động hoặc hoạt động một phần.

Để giảm áp lực tăng nợ xấu của ngân hàng thương mại và cơ hội vay mới của DN, TP nên thực hiện giải pháp “Nối kết 3 tay: Chính quyền TP - Ngân hàng Nhà nước - Ngân hàng Thương mại” để bảo lĩnh tín dụng cho DN vướng nợ cũ được tiếp tục vay mới phục hồi sản xuất kinh doanh. Đây là biện pháp “nuôi nợ để đòi nợ” mà UBND TP đã thực hiện giai đoạn 2009-2011.

TS Trần Du Lịch cũng phân tích, dịch Covid-19 trên thế giới vẫn diễn biết phức tạp, khó có thể xác định được thời điểm dịch hoàn toàn được kiểm soát và hoạt động kinh tế trở lại bình thường (như trước khi xảy ra dịch). Chỉ khi nào có thuốc điều trị và vaccine ngừa virus SARS-CoV-2 thì dịch mới chấm dứt và mọi hoạt động trở lại bình thường như trước khi có dịch. Tuy nhiên, nếu xem “hậu Covid-19” sẽ kéo dài trong nhiều tháng thì Việt Nam là quốc gia khởi đầu của quá trình đó và có cơ hội để tiến hành quá trình phục hồi kinh tế sớm hơn so với khu vực và thế giới.

Vì vậy, TPHCM cần xây dựng chương trình phục hồi tăng trương kinh tế “hậu Covid-19” theo 2 giai đoạn để vừa khắc phục những khó khăn trước mắt, vừa hướng đến mục tiêu biến “nguy thành cơ”. Chương trình gồm 2 giai đoạn là giai đoạn bình thường mới (sống chung với nguy cơ nhưng không để xảy ra dịch Covid-19) và hậu Covid-19, khi các quốc gia trong khu vực ASEAN, Đông Bắc Á, EU và Mỹ… bình thường hóa phần lớn các hoạt động kinh tế và thời kỳ nền kinh tế thế giới được bình thường hóa hoàn toàn.

Trong đó, ở giai đoạn 1 cần có các giải pháp mang tình thế giúp DN tồn tại, bám trụ thị trường và có cơ hội phục hồi. Ở giai đoạn 2 gắn việc phục hồi tăng trưởng với tái cơ cấu kinh tế theo cả chiều rộng lẫn chiều sâu, nhất là tái cơ cấu thị trường (biến nguy thành cơ).

“Những gì nước ta đã làm để chống đại dịch và bảo vệ sinh mạng của người dân đã khiến nhà đầu tư thế giới thấy rằng, Việt Nam là đất nước an toàn trên mọi phương diện. Hậu covid-19 Việt Nam sẽ trở nên hấp dẫn hơn trong các lĩnh vực đầu tư, du lịch…”, TS Trần Du Lịch khẳng định.

Đồng thời lưu ý, DN cũng cần cơ cấu lại thị trường, từ đầu vào lần đầu ra để tránh rủi ro và phải tham gia vào chuỗi giá trị mới có thể tồn tại và phát triển. Sau giai đoạn bị ức chế do dịch, kinh tế sẽ có sức bật và thị trường nội địa sẽ tăng trưởng mạnh, nhất là thị trường du lịch, bất động sản.

Tin cùng chuyên mục