Biến đổi rõ rệt
Trước hết, chúng ta thấy rằng ở quy mô khu vực, quốc gia và vùng lãnh thổ, cốt lõi của bài toán nghiên cứu BĐKH là xây dựng được chiến lược, các giải pháp thích ứng với BĐKH một cách hợp lý, đặc biệt ở những nơi được cho có mức độ tổn thương cao. Muốn vậy cần có các kịch bản BĐKH với đầy đủ thông tin cần thiết, cả về độ phân giải không gian cũng như độ tin cậy và tính bất định của kịch bản. Việt Nam với hơn 3.000km bờ biển, nằm trong khu vực châu Á gió mùa, hàng năm phải đối mặt với sự hoạt động của gió bão, chịu tác động của nhiều loại hình thời tiết phức tạp. Các hiện tượng thiên tai khí tượng xảy ra hầu như quanh năm và trên khắp mọi miền lãnh thổ. BĐKH và nước biển dâng dường như đã có những tác động tiêu cực đến nhiều lĩnh vực tự nhiên, kinh tế, xã hội, môi trường.
Những nghiên cứu BĐKH ở Việt Nam đã được quan tâm từ sau năm 2000. Các công trình nghiên cứu cũng đã dần đi vào chiều sâu về bản chất vật lý và kết quả của những nghiên cứu này cho thấy, khí hậu Việt Nam đã có những biến đổi rõ rệt. Trong hơn nửa thế kỷ qua, nhiệt độ trung bình hàng năm tăng khoảng 0,50C trên phạm vi cả nước và lượng mưa có xu hướng giảm ở phía Bắc và tăng ở phía Nam. Cùng với xu thế tăng của nhiệt độ và sự biến đổi của lượng mưa, các hiện tượng cực đoan liên quan cũng có những biến đổi khá rõ khi số ngày nắng nóng có xu thế tăng lên và số ngày rét đậm giảm; lượng mưa ngày cực đại và tương ứng là số ngày mưa lớn tăng lên ở hầu hết các vùng khí hậu; tần suất bão hoạt động có biểu hiện tăng lên ở các vùng biển phía Nam.
Ở Việt Nam, tác động của BĐKH cũng đã được nhận thấy qua nhiều dấu hiệu, bằng chứng. Trước hết, những diễn biến bất thường của thời tiết, khí hậu trong nhiều năm gần đây có thể được cho là có liên quan đến sự biến đổi của các hệ thống hoàn lưu khí quyển, đại dương quy mô lớn, cũng như sự biến đổi trong hoạt động của gió mùa châu Á. Bão, áp thấp nhiệt đới có xu hướng dịch chuyển về phía Nam với quỹ đạo phức tạp, khó dự báo hơn. Hạn hán, lũ lụt dường như xảy ra bất thường hơn. Nhìn chung, BĐKH đã làm gia tăng những hiện tượng cực đoan, dẫn đến sự gia tăng các thiên tai có nguồn gốc khí tượng, tác động xấu đến nhiều lĩnh vực hoạt động kinh tế, xã hội và môi trường. Tuy nhiên, việc nghiên cứu, đánh giá một cách đầy đủ và toàn diện, định lượng hóa những tác động đó vẫn đang còn là vấn đề thách thức.
Chiến lược thích ứng
Một số đề tài, dự án nghiên cứu đánh giá BĐKH và tác động của nó đã được thực hiện dựa trên các nguồn kinh phí của nhà nước và địa phương, trong đó đáng chú ý là Chương trình Mục tiêu quốc gia ứng phó với BĐKH và 2 chương trình KH-CN về BĐKH giai đoạn 2011-2015 và 2016-2020. Các chương trình này đã đem lại những hiệu quả nhất định trong vấn đề nâng cao nhận thức của cộng đồng về BĐKH và ứng phó với BĐKH ở Việt Nam. Về lý thuyết, tính đến nay đã có một số kết quả đánh giá BĐKH trong quá khứ và hiện tại; tuy nhiên vẫn chưa đầy đủ, toàn diện so với nhu cầu thực tế. Những thông tin trong các kịch bản về BĐKH còn tiềm ẩn tính bất định và chưa đủ cơ sở vững chắc cho bài toán đánh giá tác động của BĐKH trong tương lai.
Do đó, vấn đề đầu tiên là phải xây dựng được các kịch bản BĐKH có đầy đủ thông tin về độ tin cậy. Độ tin cậy của các kịch bản chỉ có thể được xác định dựa trên một tập hợp các sản phẩm dự tính khí hậu tương lai. Trên phương diện khoa học, nguyên nhân, cơ chế tác động của BĐKH cũng là bài toán cần phải có đáp án. Chẳng hạn, sự dâng cao đột biến của mực nước biển vào các kỳ triều cường do sự cộng hưởng của nhiều nguyên nhân như: biến đổi trong chế độ hoàn lưu khí quyển, sự hoạt động của gió mùa hay các quá trình khác trong đại dương, các quá trình địa chất? Dĩ nhiên, bài toán thích ứng với BĐKH chỉ có thể được thực hiện sau khi đã có những thông tin đầy đủ về đánh giá tác động của BĐKH trong tương lai và không thể thiếu vai trò hợp tác quốc tế.
Cơ chế JCM hợp tác giữa Việt Nam và Nhật BảnQuý 4-2019 tại TPHCM, Bộ TN-MT đã phối hợp với Bộ Môi trường Nhật Bản tổ chức hội thảo “Triển khai Cơ chế tín chỉ chung (JCM) - Thúc đẩy phát triển kinh tế carbon thấp tại Việt Nam”. Mục đích của hội thảo là phổ biến thông tin về cơ chế JCM; tạo cơ hội thúc đẩy liên kết giữa doanh nghiệp Việt Nam - Nhật Bản và nhà tài trợ phía Nhật Bản để tiếp nhận, chuyển giao công nghệ phát thải ít carbon, góp phần thúc đẩy nền kinh tế carbon thấp tại Việt Nam. JCM là cơ chế do Chính phủ Nhật Bản đề xuất để hỗ trợ các nước đang phát triển thực hiện mục tiêu giảm phát thải carbon thông qua chuyển giao công nghệ phát thải ít carbon. Mục đích của cơ chế JCM gồm: Thúc đẩy phổ biến công nghệ, sản phẩm, hệ thống, dịch vụ và cơ sở hạ tầng tiên tiến, phát thải carbon thấp, cũng như tiến hành các hoạt động giảm nhẹ và đóng góp vào sự phát triển bền vững của các nước đang phát triển; định lượng được lượng giảm nhẹ và hấp thụ phát thải khí nhà kính của các quốc gia phát triển; đóng góp vào mục tiêu chung của Công ước khung Liên hiệp quốc về BĐKH (UNFCCC) thông qua thúc đẩy các hành động giảm nhẹ và hấp thụ phát thải toàn cầu. |