Biên kịch Trần Khánh Hoàng: Sáng tạo và chấp nhận thử thách

Chưa phải là cái tên dạn dày kinh nghiệm ở lĩnh vực biên kịch, nhưng với thành công vang dội về doanh thu của Em chưa 18, đã mang đến cho Trần Khánh Hoàng (ảnh) nhiều cơ hội và cả thách thức trong nghề. Hoàng thừa nhận, nghề biên kịch cho anh điều kiện cần và đủ để được làm nghề. 

1 Hoàng mở đầu câu chuyện với Mùa viết tình ca - kịch bản đầu tay anh chắp bút vừa được dựng thành phim sau nhiều năm ấp ủ.

“Tôi hài lòng với những gì bộ phim mang đến cho khán giả, đó là năng lượng trẻ trung, coi phim xong thấy yêu đời hơn và cả yêu thương ai đó”, Khánh Hoàng nói.

Ngay sau Mùa viết tình ca, Hoàng có dự án Mặt trời con ở đâu. Đây là kịch bản viết theo đơn đặt hàng, lấy cảm hứng từ câu chuyện thực về người cha đi tìm đứa con thất lạc, từng được báo chí phản ánh. Hoàng hào hứng với câu chuyện cảm động này và tin nó sẽ chạm đến trái tim khán giả. Để cân bằng giữa thực tế và tính giải trí, Hoàng không bê nguyên xi mọi thứ lên phim, chỉ sử dụng những lát cắt nhỏ.

Theo anh, cái khó là với ê kíp gần 20 diễn viên nhí, ai cũng có đất diễn và cá tính, nếu để sự chủ quan của người viết quá lớn, tình huống và thoại của các em sẽ dễ rơi vào giả tạo, giáo điều hay sắp đặt. Để giải quyết vấn đề, Hoàng dành nhiều thời gian trò chuyện với các em nhỏ, sửa lời thoại một cách tự nhiên nhất.

Hoàng cho biết, giai đoạn đọc kịch bản cùng tất cả diễn viên luôn tối quan trọng, nó không chỉ giúp biên kịch hiệu chỉnh kịp thời, mà còn giúp diễn viên cảm thụ và tin nhân vật. Thành công của Em chưa 18 chắc chắn là một cột mốc đáng nhớ đối với một biên kịch trẻ như Trần Khánh Hoàng. Anh thừa nhận, điều đó tốt nhưng cũng đầy áp lực. Tốt là bởi nó giúp anh có thương hiệu, có cơ hội tiếp xúc và làm việc với những đàn anh, đàn chị dạn dày trong nghề; nhưng khi sự nghiệp chỉ mới bắt đầu mà đã đạt được một đỉnh cao, nếu không vượt qua đó sẽ là bất hạnh. 
Biên kịch Trần Khánh Hoàng: Sáng tạo và chấp nhận thử thách ảnh 1 Biên kịch Trần Khánh Hoàng
 2 Nếu gặp Hoàng ngoài đời, nhìn vẻ ngoài có phần bụi bặm, nhiều người nghĩ, Hoàng thuộc tuýp “ăn chơi”, thế nhưng đằng sau vẻ ngoài có phần “nổi loạn” ấy lại là một tính cách vui vẻ và đặc biệt. Ít ai biết rằng, trước khi theo nghề viết lách, Hoàng là một giáo viên dạy Hóa cấp 3. 
Hoàng nói: “Tôi thuộc tuýp người thích thay đổi. Làm nghề giáo, cảm giác như mình sống trong guồng máy, lặp đi lặp lại. Nhiều khi tôi không chịu được chính mình. Tôi thích sáng tạo và thử thách bản thân. Tôi từng viết báo, viết truyện, làm quảng cáo..., nhưng cuối cùng viết phim gần với con người mình nhất. Nó cho tôi điều kiện cần và đủ để làm nghề”.
Theo Hoàng, điều kiện cần đó là phát huy khả năng viết lách, còn điều kiện đủ là áp lực sáng tạo vừa sức với bản thân. 
Hoàng tâm niệm rằng, quá trình viết kịch bản chỉ là viết những thứ mình biết và có thể học, trải nghiệm cuộc sống mới là tối quan trọng. Nhưng không có nghĩa là phải đến độ tuổi nào đó mới viết được kịch bản.
“Hãy viết những thứ mình thích và theo thời gian, những tiếp xúc, biến cố sẽ giúp mình được thử thách những vấn đề lớn hơn. Cùng với tích lũy trải nghiệm, việc tạo ra những nhân vật, tình huống, thoại thú vị... sẽ chắp cánh cho sự sáng tạo được bay cao”, Hoàng nói.   

Khi được hỏi vui rằng nghề biên kịch ngày càng được trọng dụng và “lên giá”, Hoàng cho biết, với anh đam mê đúng đắn sẽ nuôi được bản thân và không phải dùng một công việc khác để nuôi đam mê ấy. Mặc dù vậy, anh vẫn có chút chạnh lòng bởi không chỉ biên kịch mà nhiều bộ phận khác trong ê kíp đoàn phim vẫn chưa được đánh giá đúng về vai trò của mình.

“Điện ảnh Việt trong giai đoạn quá độ hiện vẫn đang thiếu rất nhiều nhân lực chuyên nghiệp ở tất cả các khâu”, Hoàng tâm tư.

Tin cùng chuyên mục