Bình Định: Không hạn chế, cách ly người dân về quê ăn tết

“Bình Định không hạn chế, quy định cách ly hay xét nghiệm Covid-19 đối với người dân và du khách về/đến Bình Định để đón Tết, du xuân”.

Đó là ý kiến của Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định Nguyễn Phi Long phản hồi Báo SGGP và tái khẳng định tại buổi họp báo cuối năm vào chiều ngày 20-1.

Ông Nguyễn Phi Long cho biết, chỉ còn 2 tuần nữa là người dân Bình Định và cả nước bước vào đón Tết cổ truyền của dân tộc. Sau một năm vô cùng khó khăn, vất vả, nhiều người dân quê hương Bình Định đang làm việc tại các tỉnh, thành phố phía Nam và cả nước mong muốn được về quê thăm cha mẹ, họ hàng, quê nhà… Để tạo điều kiện bà con về quê đoàn viên cùng gia đình, quê hương, ngay từ đầu tỉnh Bình Định chủ trương không hạn chế hay cách ly, xét nghiệm gây khó khăn cho bà con khi đến/về quê ăn Tết, du xuân.

“Tôi xin khẳng định, tỉnh không đề xuất bất cứ biện pháp nào để ngăn cản bà con về quê… Mình đề ra những biện pháp không phù hợp chính là gây khó cho người dân. Các dịch vụ du lịch, thương mại trên địa bàn toàn tỉnh đã mở. Làm sao gần tết rồi để người dân chúng ta có điều kiện tổ chức kinh doanh để có thêm thu nhập”, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định nhấn mạnh.
Trước đó, xã Hoài Sơn (thị xã Hoài Nhơn) buộc cách ly 14 ngày đối với người dân về từ vùng xanh TPHCM. Ảnh bạn đọc cung cấp
Trước đó, nhiều người dân quê tại các xã, phường thuộc thị xã Hoài Nhơn, huyện Phù Mỹ, thị xã An Nhơn… (tỉnh Bình Định) bức xúc gửi phản ánh đến Báo SGGP: Dù lãnh đạo UBND tỉnh, Sở Y tế tỉnh Bình Định đã chỉ đạo không hạn chế, cách ly người dân về quê ăn tết; song, tại nhiều địa phương, cấp cơ sở lại ra quyết định buộc cách ly 7 đến 14 ngày đối với người dân về quê, áp dụng cho cả người về từ vùng xanh và trẻ nhỏ 21 tháng tuổi.
Các địa phương đồng loạt chấn chỉnh

Ngay sau khi Báo SGGP phản ánh, trong các ngày 20 và 21-1, lãnh đạo các huyện, thị xã: Hoài Nhơn, An Nhơn, Phù Mỹ… đồng loạt có những chỉ đạo chấn chỉnh, tháo dỡ ngay các quy định buộc cách ly, xét nghiệm người dân đến/về quê ăn Tết, du xuân.

Phó Chủ tịch UBND thị xã Hoài Nhơn Trần Hữu Thảo cho biết, địa phương đã chỉ đạo Phòng y tế thị xã kịp thời có tham mưu để chấn chỉnh, dừng ngay các quy định cách ly người dân về quê ăn Tết. “Chúng tôi yêu cầu tất cả các địa phương, đơn vị không được thực hiện cách ly hoặc buộc xét nghiệm người dân về quê ăn tết. Địa phương chỉ khuyến khích bà con nên chủ động đến các cơ sở y tế để khai báo y tế và thực hiện “5K” theo quy định Bộ Y tế…”, ông Thảo cho hay.

Tại xã Hoài Thanh Tây, Hoài Sơn (thị xã Hoài Nhơn), trong ngày 21-1, PV Báo SGGP ghi nhận các địa phương đã có động thái tháo dỡ các quy định cách ly người người về quê ăn tết. Xã Hoài Sơn gửi giấy xác nhận hoàn thành cách ly y tế tại nhà, nơi lưu trú phòng chống dịch Covid-19 đến một số người dân bị buộc cách ly trước đó.

“Theo tinh thần chỉ đạo của Chủ tịch UBND tỉnh chúng tôi đã linh động để chấn chỉnh, tháo dỡ quy định cách ly người dân về quê. Tuy nhiên, chúng tôi vẫn chưa nhận được văn bản chỉ đạo cụ thể từ UBND tỉnh, Sở Y tế để thực hiện đúng quy định đối với người về/đến địa phương. Rất mong Sở Y tế sớm có văn bản cụ thể để địa phương thực hiện tốt hơn…”, Trưởng Phòng Y tế thị xã Hoài Nhơn Nguyễn Văn Lý cho hay.

Phó Chủ tịch UBND thị xã An Nhơn Mai Xuân Tiến cho biết, địa phương cũng đã chỉ đạo khẩn đến tất cả các xã, phường không được yêu cầu, ra quyết định cách ly, xét nghiệm người dân về quê ăn tết. “Đối với người dân đang bị yêu cầu cách ly trước đó, chúng tôi chỉ đạo tháo dỡ ngay cho bà con”, ông Tiến nói.

Trưởng phòng y tế huyện Phù Mỹ Lương Văn Khánh cho biết, đã có công văn chỉ đạo đến tất cả các xã phường, thị trấn trên địa bàn cần quán triệt ngay việc yêu cầu người dân về quê ăn tết phải cách ly hay xét nghiệm. Huyện này, chỉ thực hiện cách ly, xét nghiệm đối với những người dân là F0 hoặc F1…

Không "ngăn sông cấm chợ", làm khó người dân về quê ăn tết

Chia sẻ với báo chí, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) Nguyễn Huy Nga cho rằng, việc bắt buộc xét nghiệm, hay cách ly người về từ vùng có dịch hiện nay là không thuyết phục, chúng ta phải thích ứng với dịch bệnh khi hầu hết đều đã được tiêm vaccine. Hơn nữa, việc người dân đi lại, di chuyến cũng không phải là nguy cơ cao làm lây lan dịch bệnh mà quan trọng là cần tránh tụ tập đông người.

“Đi lại, di chuyển giữa các nơi có nguy hiểm hay không, có làm lây lan dịch bệnh hay không, phụ thuộc vào hành vi của con người”, ông Nga nhấn mạnh và cho rằng khi thích ứng, sống chung với dịch thì ý thức của người dân trở thành yếu tố quan trọng nhất. Mà muốn có ý thức của người dân thì phải có truyền thông, hướng dẫn cụ thể cho người dân các biện pháp phòng chống dịch như 5K. “Sống chung với dịch thì cũng có nghĩa là không thể phong toả, đóng cửa như ngày trước. Hiện nay một số nước đã mở cửa cho người Việt Nam tiêm đủ 2 mũi vaccine có thể sang nước họ, thì việc ở trong nước, tỉnh này cấm tỉnh kia là vô lý”, PGS-TS Nguyễn Huy Nga chỉ rõ.

Cùng quan điểm, ông Nguyễn Việt Hùng, Phó Chủ tịch Hội Kiểm soát nhiễm khuẩn Hà Nội cho rằng, việc di chuyển giữa các tỉnh không thể làm bùng phát dịch, nếu người dân thực hiện nghiêm quy định phòng dịch. Hơn nữa, hiện nay, tỉnh thành nào trong cả nước cũng đều đã có dịch nên cốt lõi là cần thích ứng an toàn trong điều kiện mới và nâng cao thói quen phòng ngừa dịch bệnh, giúp người dân được về quê đón Tết an toàn, thay vì ra thêm những quy định gây khó dễ, bất cập.

Trong khi đó, PGS-TS Trần Đắc Phu, Cố vấn cao cấp Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng Bộ Y tế cho rằng, các tỉnh thành cần thường xuyên đánh giá nguy cơ từ cấp thấp nhất là phường, xã; đồng thời xem xét kịch bản dịp Tết để quyết định cho phép hay hạn chế những hoạt động gì và luôn phải ưu tiên hoạt động thiết yếu, tránh việc ngăn sông cấm chợ, ảnh hưởng đến hoạt động xã hội và an sinh của người dân. Đặc biệt, người về quê ăn Tết, thăm nom gia đình cần khai báo y tế, thực hiện nghiêm "5K", tránh tụ tập, liên hoan đông người.

Tin cùng chuyên mục