Cùng ngày, Bộ Công thương cho biết, trong dịp Tết Nguyên đán, với các yếu tố tích cực từ nền kinh tế cả nước đang khởi sắc, cùng với thu nhập tăng, có thể nhận định sức mua trên thị trường sẽ tăng khá (dự kiến tăng 10%-12% so với cùng kỳ năm trước, tăng khoảng 15%-20% so với các tháng khác trong năm).
Để bảo đảm nguồn cung hàng hóa phục vụ tết, nhất là các mặt hàng thiết yếu, Bộ Công thương đã chỉ đạo các sở, các tập đoàn, tổng công ty và các đơn vị liên quan chuẩn bị hàng hóa, các chương trình phục vụ tết, các hoạt động sản xuất, kinh doanh, cung ứng dịch vụ với giá bình ổn nhằm bảo đảm phục vụ nhân dân đón tết vui vẻ, an toàn, tiết kiệm.
Bộ Công thương đã phối hợp với Bộ NN-PTNT, Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước làm việc với Hà Nội, Hà Nam, TPHCM, Đồng Nai... triển khai chương trình bình ổn thị trường. Năm nay, hầu hết các địa phương thực hiện bình ổn thị trường theo hướng xã hội hóa, giảm thiểu sử dụng vốn ngân sách.
Theo báo cáo của các địa phương, tổng giá trị lượng hàng dự trữ phục vụ tết của các doanh nghiệp ước tăng khoảng 20%-25% so với các tháng thường trong năm; lượng hàng dự trữ của các doanh nghiệp tham gia chương trình bình ổn tăng khoảng 10% so với năm trước. Bộ Công thương khẳng định, thị trường hàng hóa trong dịp Tết Nguyên đán sẽ không có hiện tượng thiếu hàng, tăng giá đột biến gây bất ổn thị trường.