Đó là khẳng định của Thứ trưởng Bộ TT-TT Đỗ Quý Doãn trong cuộc trả lời trực tuyến về hoạt động xuất bản, in, phát hành sách vào sáng hôm qua, 29-5. Để việc cấp lại giấy phép này đúng luật và phù hợp với yêu cầu thực tế, bộ sẽ xem xét lại tôn chỉ, mục đích, chức năng, nhiệm vụ của từng nhà xuất bản (NXB) trên cơ sở phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của cơ quan chủ quản.
Trả lời câu hỏi cho rằng có sự chồng chéo các lĩnh vực xuất bản giữa các NXB hiện nay và cần thiết phải phân loại rõ ràng các lĩnh vực đối với từng NXB, Thứ trưởng Đỗ Quý Doãn cho biết: Việc phân định rõ tôn chỉ, mục đích, chức năng, nhiệm vụ của từng NXB là việc làm cần thiết, vì có như vậy mới định hướng được mục tiêu phát triển, nâng cao tính chuyên nghiệp của từng NXB trong việc tổ chức đầu tư, khai thác những đề tài có giá trị để xuất bản, phục vụ bạn đọc.
Thực tế hiện nay, một số NXB đang hoạt động khó khăn nhưng trước xu thế phát triển của xã hội, không thể không cho phép thành lập NXB mới vì điều này đã được quy định cụ thể tại Luật Xuất bản. So với các nước trong khu vực, số lượng các NXB Việt Nam không phải là nhiều.
Trong thời gian tới, việc xem xét cho phép thành lập NXB, Bộ TT-TT sẽ căn cứ vào các quy định pháp lý đồng thời phải phù hợp với quy hoạch phát triển của từng bộ, ngành, địa phương trên cơ sở đề án thành lập NXB đã được các cấp có thẩm quyền phê duyệt.
Hiện nay cả nước có 55 NXB; hơn 1.200 cơ sở in các loại; 129 doanh nghiệp phát hành sách thuộc ngành VH-TT và GD-ĐT quản lý, khoảng hơn 12.000 cơ sở phát hành sách của tập thể và tư nhân.
Tuy nhiên, ngành xuất bản, in, phát hành sách cũng đối mặt với những khó khăn, thách thức của mặt trái cơ chế thị trường; cơ chế chính sách còn thiếu đồng bộ; nạn in lậu, sách kém chất lượng, vi phạm bản quyền vẫn còn diễn ra; giá sách còn cao so với thu nhập của nhiều tầng lớp nhân dân. Những hạn chế đó cần được khắc phục trong thời gian tới. Đây cũng chính là điều trăn trở lớn nhất của độc giả và những người quan tâm gửi đến Bộ TT-TT trong cuộc trực tuyến ngày hôm qua.
TR.BÌNH