
- Không thu phí điều trị °Phải xét nghiệm 3 lần, kết quả đều âm tính mới được ra viện
Chiều 4-11, tại cuộc họp báo thường kỳ của Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Quốc Triệu (ảnh) cho biết, đến thời điểm hiện nay, trong số các ca nhập viện vì tiêu chảy cấp, có một số ca có phản ứng dương tính với phẩy khuẩn tả.
- PV: Thưa ông, tình hình dịch tiêu chảy cấp diễn biến ra sao, Bộ Y tế đã có biện pháp gì để ngăn chặn?
Bộ trưởng NGUYỄN QUỐC TRIỆU: Ngay sau khi phát hiện bệnh này, chúng tôi đã tập trung chỉ đạo điều trị, khoanh vùng dập dịch. Hiện nay cả nước có trên 600 bệnh nhân nghi nhiễm và nhiễm tiêu chảy cấp ở 11 địa phương. Trên địa bàn Hà Nội, số người bị nhiễm tiêu chảy cấp qua mấy ngày nay liên tục giảm. Trong số 105 người có dấu hiệu lâm sàng, hiện chỉ còn 36 người có phản ứng dương tính với phẩy khuẩn tả. Sáng nay chúng tôi vừa cử cán bộ xuống huyện Nam Sách, Hải Dương, để hỗ trợ cấp cứu cho hơn 30 trường hợp bị tiêu chảy cấp sau khi ăn cỗ tại một đám tang. Qua kết quả xét nghiệm tại chỗ, có hơn 10 người phản ứng dương tính với phẩy khuẩn tả.
Tính chung, qua xét nghiệm thì chỉ có 15% trong số các trường hợp bị tiêu chảy cấp có phản ứng dương tính với phẩy khuẩn tả. Trong số 15% này, chỉ có một loại vi khuẩn gây bệnh tả. Số người phản ứng dương tính với phẩy khuẩn tả không có nghĩa là mắc bệnh tả, mà còn phải chờ kết quả xét nghiệm, nếu phẩy khuẩn tả thuộc nhóm một mới được xác định là bệnh tả.
- Bộ Y tế đã xác định khoanh vùng để dập dịch. Nhưng thực tế dịch xuất hiện phân tán, vậy làm thế nào để khoanh vùng?
Đây là vấn đề khó. Bộ Y tế đã gửi công văn cho Bộ GD-ĐT, Bộ Thông tin và Truyền thông đề nghị phối hợp công tác tuyên truyền phòng chống dịch; công văn gửi sở y tế, trung tâm y tế dự phòng, các bệnh viện… để triển khai các hoạt động, hướng dẫn chuyên môn như: kiểm tra công tác phòng chống dịch tại các bệnh viện và khu vực có nguy cơ xảy ra dịch; triển khai khẩn cấp các biện pháp dập dịch và đảm bảo đầy đủ thuốc, vật tư phục vụ điều trị, chống dịch; tuyên truyền phòng chống dịch…
Bộ Y tế cũng chỉ đạo các đơn vị, bệnh viện triển khai các biện pháp giám sát tích cực, các bệnh nhân đều được phát hiện sớm, điều trị và cách ly kịp thời. Số liệu bệnh nhân được cập nhật hàng ngày, thậm chí hàng giờ thông qua hệ thống giám sát của tỉnh và Bộ Y tế. Để ngăn chặn bệnh lây lan, Bộ Y tế đã chỉ đạo các tỉnh chưa có dịch nhưng có nguy cơ cao (tỉnh có đặc điểm dịch tễ phức tạp, các tỉnh có bão lụt…) tích cực giám sát và triển khai các biện pháp chủ động phòng chống dịch.
Nhưng, biện pháp chủ động, hữu hiệu nhất theo tôi là người dân cần “ăn chín, uống sôi”.
- Đến nay, nguyên nhân chính gây bệnh là gì?
Phần lớn các trường hợp bệnh nhân tiêu chảy cấp nguy hiểm đều liên quan tới việc sử dụng thực phẩm không hợp vệ sinh như mắm tôm, tôm sống, rau sống, thực phẩm tươi sống, hải sản… Bộ Y tế xác định rằng đây là một dịch được lan truyền theo nguồn thực phẩm không hợp vệ sinh.
- Việc sản xuất, bán, ăn mắm tôm, nem chua như tại Thanh Hóa và các địa phương khác vẫn đang diễn ra bình thường. Bộ Y tế có khuyến cáo gì đối với người dân?
Trước mắt không nên ăn các loại thực phẩm nói trên. Viện Vệ sinh dịch tễ đang đi lấy các mẫu xét nghiệm và sẽ xử lý diệt khuẩn. Sau khi diệt khuẩn mới có thể ăn uống bình thường. Chúng tôi đang gấp rút triển khai để tới đây có thể công bố các sản phẩm không còn vi khuẩn gây bệnh để người dân yên tâm sử dụng. Chúng tôi cũng đã tính đến phương án kiến nghị Chính phủ hỗ trợ cho cơ sở sản xuất bảo đảm tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm. Tôi cũng xin lưu ý tiêu hủy mắm tôm và một số thực phẩm khác cũng phải bỏ Cloramin B vào, nếu không sẽ vô tình làm bệnh dịch lan rộng.
- Có tình trạng người bệnh sau khi xét nghiệm âm tính đã bỏ về…
Ai vào viện thì bắt buộc phải xét nghiệm 3 lần, kết quả âm tính mới được ra viện.
- Thủ tướng đã đồng ý chủ trương điều trị miễn phí cho tất cả bệnh nhân bị tiêu chảy cấp. Tuy nhiên, thực tế, bệnh nhân vẫn bị thu phí điều trị…
Đúng là Thủ tướng đã chỉ đạo điều trị miễn phí cho tất cả bệnh nhân bị tiêu chảy cấp. Tất cả bệnh nhân từ khi nhập viện đến lúc ra viện sẽ không phải nộp bất cứ tiền viện phí, thuốc men hay nước, dịch truyền nào. Bệnh nhân chỉ cần ký, nộp các hóa đơn liên quan, bệnh viện sẽ thanh toán. Bộ Y tế nghiêm cấm thu tiền của bệnh nhân. Bệnh viện nào thu tiền của bệnh nhân thì phải trả lại tiền cho họ.
- Theo ông, khi nào sẽ dập xong được dịch bệnh này?
Cho đến nay những bệnh nhân tiêu chảy cấp nhập viện, có phản ứng dương tính với phẩy khuẩn tả đều được điều trị một cách tích cực. Mặc dù bệnh viện tuyến trung ương đang bị quá tải nhưng bệnh nhân vẫn được điều trị tốt và đến nay chưa có trường hợp nào tử vong do bệnh này. Nếu địa phương nào cũng làm như Hà Nội thì việc dập dịch sẽ rất nhanh. Tôi tin là dịch sẽ sớm bị khống chế, dập tắt hoàn toàn.
Nam Quốc (Thực hiện)