Bộ tứ trở lại

Bộ tứ hòa giải Trung Đông gồm Mỹ, Nga, Liên minh châu Âu (EU) và Liên hiệp quốc (LHQ) ngày 23-3 đã thảo luận trực tuyến về việc khôi phục các cuộc đàm phán giữa Israel và Palestine với mục tiêu là xây dựng một giải pháp hai nhà nước cùng tồn tại độc lập.
Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres. Nguồn:TTXVN
Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres. Nguồn:TTXVN

Tuyên bố sau cuộc họp, Bộ tứ thống nhất, cả Israel và Palestine cần “kiềm chế trước các hành động đơn phương”. Tuyên bố cũng cho rằng, các cuộc đàm phán sẽ nhằm xây dựng một giải pháp hai nhà nước bao gồm các bước cụ thể để thúc đẩy tự do, an ninh và thịnh vượng cho người Palestine và Israel. Đây là lần đầu tiên kể từ tháng 9-2018, các đặc phái viên từ Bộ tứ đã có cuộc thảo luận về hòa bình Trung Đông. Điều đáng nói là từ năm 2014 đến nay, không có cuộc đàm phán hòa bình thực chất nào giữa Israel và Palestine.

Thậm chí, mọi việc đến mức như lời Tổng Thư ký LHQ Antonio Guterres từng mô tả là “bị dồn vào tình huống không lối thoát” khi ông Donald Trump còn đang đương chức Tổng thống Mỹ. Ông Donald Trump lúc đó tuyên bố sẽ công nhận các khu định cư của người Do Thái trên lãnh thổ Palestine bị Israel chiếm đóng, đồng thời cắt giảm hỗ trợ tài chính cho người Palestine. Quyết định của ông Donald Trump ngày 6-12-2017 công nhận Jerusalem là thủ đô của Israel và chuyển đại sứ quán Mỹ từ Tel Aviv tới Jerusalem đã gây ra làn sóng phản đối trên toàn thế giới.

Chính phủ của Tổng thống Mỹ Joe Biden mở ra hy vọng mới khi tuyên bố ủng hộ giải pháp hai nhà nước giữa Israel và Palestine, đồng thời khẳng định sẽ đảo ngược một số quyết định của cựu Tổng thống Donald Trump. Tổng thống Biden cho biết, sẽ tiếp tục thúc giục các nước khác bình thường hóa quan hệ với Israel, nhưng nhấn mạnh rằng điều này không thể thay thế cho hòa bình giữa Israel và Palestine. Tổng Thư ký LHQ Antonio Guterres cho rằng “có lý do để hy vọng” cho tiến trình chấm dứt xung đột Israel - Palestine sau nhiều năm không hành động. Ông cam kết LHQ sẽ tìm hiểu tất cả các sáng kiến để tạo điều kiện cho “một tiến trình hòa bình thực sự” dựa trên giải pháp hai nhà nước.

Nỗ lực của Bộ tứ hòa giải Trung Đông đáng được trân trọng. Song, lịch sử cho thấy, cứ mỗi lần hòa bình Trung Đông có tia hy vọng thì sau đó lại có nhiều bước lùi. Một trong những yếu tố ảnh hưởng lớn đến tiến trình này là tình hình chính trị của Israel hoặc Palestine. Cuộc bầu cử quốc hội Israel diễn ra ngày 23-3 là cuộc bầu cử lần thứ tư trong 2 năm qua. Các cuộc thăm dò cho thấy, đảng của Thủ tướng Benjamin Netanyahu tiếp tục không giành được đa số phiếu trong khi các đảng cực hữu chống giải pháp hai nhà nước lại đang thu hút nhiều phiếu bầu hơn. Như vậy, Israel lại đứng trước viễn cảnh bế tắc chính trị.

Tin cùng chuyên mục