Bữa cơm gia đình thời hiện đại

Có tiếng nhân viên giao hàng ngoài cửa, chị nhận và thanh toán gần cả triệu đồng thùng hàng gồm những đồ dùng chăm sóc cá nhân và nhà cửa. Không đầy nửa tiếng sau, đơn hàng kế cũng ngót nghét 500.000 đồng, nào là bánh trái ăn vặt, trái cây tươi và nước ép đóng chai...

Mở app thay cho chuyện nấu

Hạn chế ra ngoài trong những ngày dịch bệnh, mua bán online càng chiếm ưu thế, nhất là đặt đồ ăn online. Từ ăn chơi, ăn vặt đến ăn no, cá thịt ướp sẵn hoặc nấu sẵn chia theo phần 2-4 người ăn, đặc sản vùng miền… đều được giao tận nhà hay văn phòng chỉ sau vài cú lướt và chạm. Thậm chí đơn hàng chỉ một ly cà phê cũng không câu nệ, giao tận tay khách.

Ngồi soạn và sắp xếp lại 2 đơn hàng vừa nhận, cái cất tủ dành xài từ từ, cái bỏ tủ lạnh, bánh trái ăn liền, chị Vũ Hiền (27 tuổi, nhân viên kiểm toán, ngụ quận 8, TPHCM) nói: “Chưa đâu, còn một đơn đồ ăn nữa, mấy món để ăn cơm. Chiều cắm nồi cơm là đủ, khỏi nấu nướng chi cho cực”.

Không chỉ trong những ngày mà gia đình nhỏ vẫn còn e ngại chuyện ra ngoài ăn uống như hiện nay, việc đặt món qua các ứng dụng đã trở nên phổ biến với nhiều người, bởi sự tiện lợi và nhanh chóng. “Thay vì đi chợ rồi nấu ăn thì mình đặt luôn đồ ăn người ta giao tới, muốn ăn chỉ cần hâm nóng lại. Tính ra cũng không đắt hơn chuyện đi chợ là bao, mà lại nhanh gọn vì công việc ở công ty cả ngày cũng mệt rồi, nên tranh thủ được cái nào thì mình đỡ cực chút, có thời gian nghỉ ngơi thêm”, chị Vũ Hiền chia sẻ.

Bữa cơm gia đình thời hiện đại ảnh 1 Bữa cơm gia đình luôn là sợi dây kết nối tình cảm của các thành viên. Ảnh: PHƯƠNG NGHI

Điện thoại di động của chị Thu Hà (35 tuổi, ngụ quận Gò Vấp, TPHCM) có nhiều nhất là các ứng dụng đặt đồ ăn. Có lẽ do điều kiện kinh tế gia đình ổn định, vợ chồng chị đi công tác thường xuyên nên cả hai cùng thống nhất không đặt nặng chuyện nấu nướng làm chi cho mệt.

Anh Thế Khải, chồng chị, chia sẻ: “Đi làm cả ngày, con cái đã có người giúp việc lo, đến tối còn phải lọ mọ nấu nướng làm gì cho mệt. Tôi muốn vợ mình buổi tối được nghỉ ngơi, chơi với con nên không khuyến khích nấu nướng. Gần đến khi về, vợ chồng thích gì thì trao đổi với nhau rồi lên app chọn và đặt món. Đồ ăn làm sẵn giao ngay công ty, hay ở nhà có người giúp việc nhận. Về nhà, chỉ bỏ vào lò vi sóng hay nấu lên cho nóng, thêm rau cỏ rửa sẵn vào là ăn thôi. Con cái thì đã có khẩu phần ăn riêng do chị giúp việc nấu rồi. Tôi thấy vậy cũng ổn…”.

Nhiều bà vợ ở công sở trao đổi với nhau không còn là những câu chuyện tối nay không biết ăn gì, món đó chồng con có thích hay không, mà là những gian bếp online hợp gu, sạch sẽ. “Dĩ nhiên, với gia đình có điều kiện thì việc đó dễ dàng, còn với những gia đình thu nhập không cao thì tự nấu vẫn là hợp lý. Tôi không phụ thuộc vào app đặt đồ ăn quá nhiều, mà vẫn dành những ngày cuối tuần vào bếp nấu cho chồng con. Bữa cơm gia đình vẫn quan trọng, nhưng làm sao để người phụ nữ đỡ cực mà vẫn giữ lửa hòa khí, điều đó cần thiết hơn”, chị Thu Hà nói.

Thay đổi thói quen

Thời “hậu Covid-19”, thói quen ăn uống của các gia đình cũng thay đổi nhiều. Chuyện thêm chén thêm đĩa đựng nước chấm riêng, hay bỏ hẳn thói quen dùng một vá múc canh, ngoáy đũa trong nồi lẩu, gắp cho nhau chung đũa diễn ra ở nhiều gia đình.

Chị Trần Ngọc Hạnh (chung cư Hiệp Thành, quận 12, TPHCM) chia sẻ chuyện gia đình trên một diễn đàn mẹ bỉm sữa: “Mẹ chồng tôi có thói quen dùng chung một chén nước chấm cho cả gia đình, tô canh thì ai cũng có thể ngoáy đũa và cho muỗng vào. Trong khi đó, khi đi ăn với bạn bè hay cơ quan mình, mọi người đều rất ngại chuyện này. Ai cũng có một chén nước chấm riêng, nồi lẩu thì có vá và đũa  riêng, không ai thò đũa mình vào. Tôi chia sẻ điều này với mẹ, bà gạt phắt, bảo ở quê ai chả ăn như vậy, có thấy ai chết vì lây bệnh của nhau đâu. Vậy nhưng khi dịch Covid-19 tấn công cuộc sống hàng ngày, nghe báo đài rồi hàng xóm nói tới lui, mẹ chồng tôi thay đổi hẳn. Bà ra chợ mua một đống chén nhỏ đựng nước chấm, mấy cái vá mới. Bữa cơm thêm chén bát lỉnh kỉnh, nhưng ở nhà ai cũng yên tâm”.

Chuyện của chị Hạnh cũng là chuyện ở nhiều gia đình Việt thời “hậu Covid-19”. Thói quen ăn uống thay đổi hẳn. Không chỉ là chuyện không gắp đồ ăn cho nhau, không chấm chung chén nước chấm hay dùng đũa riêng gắp đồ ăn chung mà còn là chuyện bữa cơm gia đình trở nên ý nghĩa và cần thiết hơn.

Anh Hoàng Tuấn (Khu dân cư Huy Hoàng, quận Gò Vấp, TPHCM) chia sẻ: “Sau khi hết giãn cách xã hội, tôi cũng giảm hẳn chuyện ra ngoài ăn uống hay nhậu nhẹt với bạn bè. Trước hết, là do sợ ra ngoài nhiều, không đảm bảo an toàn phòng chống dịch; nhưng quan trọng hơn cả là mấy tháng ăn cơm nhà, tôi thấy bữa cơm bên vợ con, cha mẹ là những bữa cơm hạnh phúc”.

Giá trị của hạnh phúc, của gia đình nhiều khi đến từ những điều nhỏ như vậy và để duy trì hạnh phúc, đôi khi cũng cần những sự thay đổi…

Tin cùng chuyên mục