Bung xõa hay bền vững

Khi từ khóa “phát triển bản thân” hay “tập trung vào bản thân” trở thành phương châm sống của nhiều bạn trẻ, nhu cầu mua sắm của người tiêu dùng gen Z bắt đầu thay đổi nhiều so với thế hệ trước.
Những hội chợ với các sản phẩm xanh, làm từ chất liệu bền vững luôn thu hút nhiều người tiêu dùng trẻ tìm đến. Ảnh: HEMPOI
Những hội chợ với các sản phẩm xanh, làm từ chất liệu bền vững luôn thu hút nhiều người tiêu dùng trẻ tìm đến. Ảnh: HEMPOI

Làm hết sức, tiêu hết mình

Số thẻ trong ví nhiều hơn tiền mặt, mọi nhu cầu chi tiêu được Phan Phương Ngọc Huyền (24 tuổi, ngụ quận 7, TPHCM) gói gọn trong việc quẹt thẻ hoặc thanh toán qua ứng dụng ngân hàng. Không đợi đến khi có nhu cầu, lướt qua các trang thương mại điện tử, chỉ cần thích thì mua, chưa cần cũng đặt, Ngọc Huyền chia sẻ: “Tôi không chờ đợt khuyến mãi hay miễn phí giao hàng mới mua mà mua riết thành nghiện, chỉ cần thấy thích thì thêm vào giỏ hàng. Có những món hàng đặt xong, tôi cũng không biết dùng vào việc gì, giống như thấy bộ dao tỉa gọt rau củ đẹp, tôi đặt mua 2 bộ vì không gian bếp ở nhà khá rộng. Nhưng cả năm, tôi đi làm rồi ăn uống bên ngoài hoặc chị gái nấu, nên bộ dao cứ để đó không biết chừng nào mới xài”.

Câu chuyện tiêu dùng của Ngọc Huyền không xa lạ với nhiều bạn trẻ gen Z hiện nay. Nhạy bén trong việc kiếm tiền, nhiều bạn trẻ sẵn sàng chi hết tài khoản cho những món đồ hiệu hay dịch vụ xa xỉ. Nguyễn Ngọc Hân (30 tuổi, nhân viên bán hàng của thương hiệu L.V. ở đường Đồng Khởi, quận 1, TPHCM) chia sẻ: “Lượng khách hàng gen Z chiếm hơn 50% khách hàng mà tôi theo dõi. Nhiều bạn trẻ mua sắm rất thoải mái, mẫu túi xách hay giày mới ra, không cần ra cửa hàng xem trực tiếp, tôi vừa gửi thông báo qua tin nhắn, các bạn chốt đơn và chuyển khoản lập tức. Vài chục triệu hay trăm triệu đồng cho một cái túi với các bạn không phải là vấn đề, vì các bạn có thể kiếm những khoản tiền khủng trên các nền tảng mạng xã hội hoặc bán hàng trực tuyến rất giỏi”.

Xài trước trả sau qua thẻ tín dụng hay tháng làm tháng nghỉ là câu chuyện được nhiều bạn trẻ quan tâm trong những nhóm trò chuyện trên mạng xã hội. Chốt đơn đôi giày mới gần 20 triệu đồng cùng chuyến nghỉ dưỡng 5 sao tại TP Đà Lạt, Hoàng Tấn Trung (27 tuổi, nhân viên đồ họa, ngụ TP Thủ Đức, TPHCM) chia sẻ: “Đợt rồi tôi làm liên tục mấy hợp đồng, nên tháng này dành thời gian nghỉ ngơi và mua sắm vài món đồ mình thích. Tôi có thói quen hay mua giày như một bộ sưu tập, nên có mẫu mới ưng ý, bên cửa hàng gửi hình là tôi chốt đơn. Nếu tài khoản đủ thanh toán thì tôi dùng thẻ tín dụng rồi cày lại sau”.

Đi tìm màu xanh bền vững

Nhu cầu mua sắm của nhiều bạn trẻ hiện đại không chỉ dừng ở những thiết kế đẹp-độc-lạ, việc lựa chọn chất liệu và nguồn gốc sản phẩm cũng ngày càng kỹ tính hơn. Chấp nhận chi nhỉnh hơn để chọn cho mình trang phục có chất liệu bền vững hay loại vải có nguồn từ các loại cây địa phương, Tấn Đạt (28 tuổi, ngụ quận 8, TPHCM) chia sẻ: “3 năm gần đây, tôi bắt đầu quan tâm đến thời trang bền vững, sau khi tủ quần áo ở nhà không còn chỗ để sắp xếp. Tôi chọn những thương hiệu quần áo mà họ đồng ý thu gom sản phẩm cũ để tái chế và thiết kế sản phẩm từ những chất liệu tự nhiên”...

Chọn chiếc túi vải đơn giản có giá gần 1 triệu đồng với chất liệu vải dệt từ cây gai dầu, Đặng Thị Minh Hà (25 tuổi, quận Bình Thạnh, TPHCM) nhanh chóng chốt đơn. Minh Hà cho hay: “Chất liệu vải dệt từ cây gai dầu đương nhiên là đắt, vì loại vải này rất bền, không xuống màu khi giặt và rất dễ tái chế”.

Không chỉ tối giản trong việc lựa chọn thời trang bền vững, nhiều bạn trẻ còn quan tâm đến tiêu dùng hữu cơ. Đôi giày và túi xách gần 2 năm vẫn chưa có ý định đổi, tủ quần áo gọn gàng vừa đủ, nhưng Nguyễn Thị Thu Hoài (24 tuổi, ngụ quận 6), sẵn sàng chi tiền triệu cho thực phẩm, mỹ phẩm hữu cơ và các loại nước rửa chén, lau nhà được ủ và làm từ nguyên liệu tự nhiên. Thu Hoài cho biết: “Sau đợt dịch Covid-19 năm 2021, tôi bắt đầu quan tâm đến lối sống tối giản. Thật ra cái mình thích, mình muốn nhiều hơn nhu cầu thực tế, nên tôi cắt giảm mọi thứ ở mức thật cần thiết và vừa đủ. Thỉnh thoảng khi cần, tôi vẫn mua sắm bình thường. Nhưng đặc biệt với thực phẩm hay mỹ phẩm, tôi lựa chọn rất kỹ. Tôi chấp nhận sản phẩm tự nhiên, hữu cơ có mức giá cao hơn, miễn sao dùng lâu dài, nó không gây tác dụng phụ cho cơ thể”.

Người tiêu dùng gen Z với nhiều quan điểm khác biệt trong chi tiêu, nhạy bén với những cơ hội kiếm tiền từ các nền tảng trực tuyến khiến họ sẵng sàng bung xõa để làm hết sức, hưởng thụ hết mình. Và trong làn sóng tiêu dùng xa xỉ, nhiều bạn trẻ cũng bắt đầu tìm kiếm giá trị bền vững, thuận tự nhiên hơn. Có lẽ đây là bước đệm đáng mừng để lan tan tỏa lối sống xanh trong cộng đồng hiện đại.

Tin cùng chuyên mục