Cà Mau báo cáo "hỏa tốc" tình hình tranh chấp ngư trường

Ngày 9-1, ông Lê Văn Sử, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau ký công văn “hỏa tốc” gửi Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Bộ NN-PTNT… báo cáo tình hình tranh chấp ngư trường, "phân lô, bán nền" trên vùng biển Cà Mau.

tau-kg-62299-ts-1-trong-3-tau-ca-bi-tan-cong-bang-bom-xang-va-sung-tu-che-tren-vung-bien-ca-mau-vao-ngay-8-11-2023-9985.jpg
Tàu KG-62299-TS, 1 trong 3 tàu cá bị tấn công bằng bom xăng và súng tự chế trên vùng biển Cà Mau vào ngày 8-11-2023

Theo UBND tỉnh Cà Mau, thời gian gần đây, trên vùng biển Tây của tỉnh liên tục xảy ra các vụ việc tranh chấp ngư trường, làm ảnh hưởng đến tài sản, sức khỏe của ngư dân, gây mất an ninh trật tự tại địa phương.

Hiện Đồn biên phòng Sông Đốc, Công an hai huyện Trần Văn Thời và U Minh, Phòng cảnh sát hình sự Công an tỉnh Cà Mau đang điều tra, xác minh 8 vụ tranh chấp ngư trường, có dấu hiệu "bảo kê", "phân lô, bán nền" trên biển. Công an tỉnh Cà Mau đã thành lập Ban chuyên án do Thủ trưởng Cơ quan CSĐT Công an tỉnh làm trưởng ban. Đến nay, phần lớn các vụ việc đã xác định được đối tượng vi phạm, đồng thời đã khởi tố 1 vụ án, 5 bị can.

Trước đây, xung đột quyền lợi, xảy ra tranh chấp giữa nghề lưới kéo (cào) với nghề ốc bẫy mực (do cào làm hư ốc bẫy mực). Ngoài ra, còn xảy ra tình trạng trộm cắp ốc bẫy mực (dùng phương tiện tốc độ cao, lợi dụng ban đêm lấy trộm ốc bẫy mực).

Hiện nay (qua nắm thông tin từ người dân), phát sinh thỏa thuận giữa nhóm tàu cào với tàu ốc bẫy mực, dần dần dẫn đến dấu hiệu chiếm ngư trường trái phép để trục lợi (nhóm tàu ốc bẫy mực chiếm dụng ngư trường sau đó thu tiền rồi cho nhóm tàu cào vào khai thác). Ngoài ra, trong quá trình chiếm ngư trường trái phép, các tàu cùng làm nghề ốc bẫy mực mâu thuẫn với nhau. Thêm vào đó, xuất hiện các nhóm người (xã hội đen) sẵn sàng dùng vũ lực, hung khí trên biển để tranh giành ngư trường.

Cũng theo UBND tỉnh Cà Mau, tình hình an ninh trật tự trên vùng biển của tỉnh đang diễn biến rất phức tạp, có chiều hướng gia tăng trong thời gian tới, đòi hỏi các ngành chức năng phải thường xuyên theo dõi sát diễn biến, tình hình tại địa bàn cơ sở, để kịp thời xử lý các tình huống phát sinh. Đồng thời, cần xử lý nhanh, dứt điểm các vụ việc đã xảy ra, nhằm răn đe, ổn định tình hình an ninh trật tự trên các vùng biển, giúp ngư dân yên tâm sản xuất.

Trước tình hình trên, UBND tỉnh Cà Mau kiến nghị Bộ NN-PTNT xem xét hướng dẫn, cho chủ trương hoặc sửa đổi, tham mưu sửa đổi quy định rõ hơn về “nghề đặc thù” của từng địa phương liên quan đến các tàu cá có chiều dài từ 15m trở lên hoạt động nghề ốc bẫy mực, nghề khai thác cá nổi nhỏ... hoạt động ở vùng ven bờ, vùng lộng.

Bộ Quốc phòng, Bộ NN-PTNT chỉ đạo các lực lượng chức năng trên biển tổ chức, phối hợp, hỗ trợ tỉnh trong việc tăng cường công tác tuần tra, kiểm soát, nhất là các khu vực thường xuyên xảy ra tranh chấp ngư trường, để kịp thời phát hiện, ngăn chặn và xử lý các trường hợp vi phạm, không để tình hình tranh chấp gia tăng, phức tạp, gây mất an ninh, trật tự trên biển.

Tin cùng chuyên mục