Các chợ nỗ lực phòng chống dịch

Thực hiện Chỉ thị 10 của UBND TPHCM về giãn cách phòng chống dịch Covid-19, các chợ truyền thống được hạn chế, ngưng bán các mặt hàng không thiết yếu, dẹp chợ tự phát… Nhưng những ngày qua, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TPHCM (HCDC) liên tục phát hiện các ca mắc Covid-19 tại các chợ, siêu thị.
Người đi chợ Bình Thới khai báo y tế trước khi nhận phiếu đi chợ theo thứ tự
Người đi chợ Bình Thới khai báo y tế trước khi nhận phiếu đi chợ theo thứ tự

Dịch “xâm nhập” chợ, siêu thị

Trưa 24-6, HCDC thông báo tìm người đến chợ Bình Đông (phường 14, quận 8) cùng thời điểm với một ca nghi mắc Covid-19 từng đến mua cá, thịt, rau từ 7 giờ đến 9 giờ ngày 12, 13-6 tại chợ này. Trung tâm Y tế quận 8 đã lấy mẫu xét nghiệm tầm soát cho 420 tiểu thương buôn bán tại chợ Bình Đông và người dân đã đến chợ trong khung giờ nói trên. Cùng ngày, HCDC tiếp tục thông báo tìm người đến chợ Sơn Kỳ (quận Tân Phú) từ ngày 10-6 do có người mắc Covid-19 từng đến chợ. Hiện cơ quan chức năng đã phong tỏa, lấy mẫu xét nghiệm diện rộng cho tiểu thương và người dân quanh chợ… 

Trước đó, HCDC cho biết đã phát hiện các ca mắc Covid-19 tại một số khu chợ đầu mối và có thể lây giữa các chợ, do tiểu thương đến lấy hàng và di chuyển về nơi mình buôn bán. Đồng thời HCDC tìm người đã đến các chợ đầu mối Hóc Môn (huyện Hóc Môn), chợ Bình Điền (quận 8) và chợ khu phố 2 (phường An Lạc, quận Bình Tân). HCDC đề nghị tiểu thương tại các chợ này, tiểu thương đến lấy hàng cùng người dân đi chợ từ ngày 1-6 đến nay thực hiện khai báo tại cơ quan y tế địa phương nơi cư trú để được hướng dẫn giám sát, xét nghiệm, cách ly theo quy định… 

Không chỉ chợ, các siêu thị, nhất là siêu thị mini, có nơi đã bị dịch xâm nhập. Ngày 24-6, UBND phường Phú Hữu, TP Thủ Đức cho biết, đã nhận được thông tin về trường hợp mắc Covid-19 là nhân viên của cửa hàng Co.op Food Phú Hữu (828A đường Nguyễn Duy Trinh, phường Phú Hữu). Hiện chính quyền đã phong tỏa cửa hàng và thông báo tìm người từng đến cửa hàng từ ngày 8-6 đến 21-6.

Ghi nhận của PV báo SGGP cho thấy, sau khi áp dụng Chỉ thị 10, đa phần các chợ, siêu thị và người dân nghiêm túc chấp hành. Nhiều chợ rơi vào cảnh ế ẩm như các ki ốt tại các chợ Bà Chiểu (quận Bình Thạnh), Tân Định (quận 1), Tân Mỹ (quận 7)… Các chợ Bàn Cờ, Vườn Chuối (quận 3), Tân Quy (quận 7) đều đóng cửa 100% để phòng chống dịch Covid-19. Tuy nhiên, vẫn còn tình trạng một số chợ, nhất là chợ tự phát, vẫn lơ là các biện pháp phòng ngừa dịch, dẫn đến nguy cơ lây lan dịch rất lớn. 

Cần phát phiếu đi chợ ngày chẵn, lẻ

Chợ Bình Thới (quận 11) đang thực hiện nhiều biện pháp phòng chống dịch Covid-19. Ngoài sắp xếp giãn cách 1,5m theo quy định, bố trí bàn trực để kiểm soát người ra vào chợ, buộc phải đeo khẩu trang, đo nhiệt độ, khai báo y tế, sát khuẩn khi vào chợ, Ban quản lý (BQL) chợ đã áp dụng quét thẻ QR để thuận tiện cho việc khai báo y tế, phát thẻ đi chợ. Khi đến chợ, người dân chỉ cần mang theo thẻ, sau đó nhân viên BQL sẽ quét thẻ bằng điện thoại thông minh để cập nhật hệ thống khai báo y tế. Số lượng thẻ được cấp hiện nay đã gần 10.000 thẻ. Ông Nguyễn Bá Tùng, Trưởng BQL chợ Bình Thới, thông tin: “Chợ đang thực hiện phân luồng người vào chợ, sắp xếp thực hiện giãn cách, phát 200 thẻ đi chợ mỗi đợt để đảm bảo số lượng người đi chợ tại một thời điểm trong nhà lồng chợ không quá 200 người”. Ghi nhận cho thấy, người dân xếp hàng và nhận phiếu đi chợ Bình Thới khá trật tự, có ý thức phòng chống dịch. “Do giới hạn người vào chợ nên phải đợi lâu để đến lượt, nhưng ai cũng chấp hành, không phàn nàn. Đến nay, biện pháp phòng dịch này khá hiệu quả”, ông Nguyễn Bá Tùng cho biết. 

Theo các chuyên gia, hiện tình hình dịch Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp, đặc biệt là các địa điểm trọng yếu, có nguy cơ cao như các chợ đầu mối, chợ truyền thống. Trong khi thực tế, việc giữ khoảng cách tối thiểu 1,5m hay 2m ở các chợ truyền thống rất khó thực hiện. Do vậy, áp dụng phiếu vào chợ là cần thiết, hoặc hạn chế số lượng người vào chợ theo từng khung giờ để đảm bảo phòng dịch.

Để đảm bảo phòng chống dịch Covid-19, Sở Công thương TPHCM yêu cầu BQL các chợ triển khai phương án phân luồng, hướng dẫn di chuyển một chiều, điều tiết lượng khách mua hàng tại cùng một thời điểm tùy theo điều kiện không gian, diện tích của chợ…, đảm bảo khoảng cách tối thiểu từ 1,5m cho người dân khi mua sắm. Đối với các chợ có mật độ người mua sắm đông, tại các khu vực có nguy cơ lây nhiễm cao, đơn vị quản lý chợ căn cứ tình hình thực tế, chủ động nghiên cứu thực hiện một số phương án như: phát phiếu vào chợ để hạn chế người vào; phân chia thời điểm bán hàng xen kẽ, hoặc chia theo ngày chẵn, lẻ và vị trí… nhằm đảm bảo việc giãn cách theo quy định của Bộ Y tế.

Tin cùng chuyên mục