Các dự án được lựa chọn phải thực sự cấp bách

Tiếp tục kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV, một số ý kiến đại biểu băn khoăn, trong bối cảnh các luật về đầu tư công, đầu tư theo phương thức đối tác công - tư (PPP) mới được Quốc hội ban hành, nay lại đề xuất thí điểm khác luật, nên chăng?
Một trong những đề xuất đáng lưu ý là tăng tỷ lệ vốn nhà nước tham gia dự án PPP lên 70% tổng mức đầu tư
Một trong những đề xuất đáng lưu ý là tăng tỷ lệ vốn nhà nước tham gia dự án PPP lên 70% tổng mức đầu tư

Theo báo cáo tổng hợp ý kiến thảo luận tại các tổ đại biểu Quốc hội (ĐB) vừa được Tổng Thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường gửi đến ĐB phục vụ cho phiên thảo luận tại hội trường về dự thảo Nghị quyết của Quốc hội thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù về đầu tư xây dựng công trình giao thông đường bộ, đã có 117 lượt ý kiến đại biểu Quốc hội (ĐB) đề cập vấn đề này.

Nhiều ý kiến thống nhất với sự cần thiết ban hành nghị quyết và danh mục các dự án giao thông đường bộ áp dụng thí điểm, do việc triển khai thực hiện các dự án đường bộ gặp những vướng mắc về thể chế và việc sửa đổi luật cần đầu tư nhiều thời gian. Trong bối cảnh kinh tế đang gặp khó khăn thì việc tháo gỡ các vướng mắc để đẩy nhanh việc giải ngân vốn đầu tư công là quan trọng, cấp thiết, Tổng Thư ký Quốc hội cho biết.

Tuy nhiên, cũng có nhiều ý kiến quan ngại về việc ban hành nghị quyết trong bối cảnh các luật về đầu tư công, đầu tư theo phương thức đối tác công - tư (PPP) mới được Quốc hội ban hành, nay lại đề xuất thí điểm những quy định không phù hợp với luật hiện hành.

Một số ý kiến không tán thành với việc ban hành nghị quyết thí điểm do việc áp dụng thí điểm là những chính sách hoàn toàn mới mang tính thử nghiệm, chưa có trên thực tế, trên cơ sở quá trình thực hiện sẽ tổng kết để luật hóa một cách ổn định. Các đại biểu đề nghị rà soát tổng thể và sửa đổi các luật có liên quan để đảm bảo tính phổ quát, toàn diện của hệ thống pháp luật.

Quang cảnh hội trường Diên Hồng sáng 9-11. Ảnh: VIẾT CHUNG

Quang cảnh hội trường Diên Hồng sáng 9-11. Ảnh: VIẾT CHUNG

Liên quan đến những nguyên tắc, tiêu chí lựa chọn dự án thí điểm, nhiều ý kiến tán thành với những nội dung trong báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế. Theo đó, đề nghị Chính phủ tiếp tục rà soát, bổ sung, hoàn thiện các nguyên tắc, tiêu chí lựa chọn để đảm bảo các dự án được lựa chọn là thực sự cần thiết, cấp bách và phù hợp với quy định pháp luật, tránh thất thoát, lãng phí, kém hiệu quả.

Về tỷ lệ vốn nhà nước tham gia dự án đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP), nhiều ý kiến nhất trí với đề xuất tăng tỷ lệ vốn nhà nước tham gia dự án lên 70% tổng mức đầu tư. Tuy nhiên, có ý kiến đề nghị rà soát để thống nhất với cơ chế đặc thù áp dụng cho TPHCM, quy định trường hợp “chi phí giải phóng mặt bằng lớn hơn 50% tổng mức chi phí của dự án thì HĐND thành phố xem xét quyết định tăng tỷ lệ của Nhà nước tham gia vào dự án PPP, nhưng không quá 70% tổng mức đầu tư”.

Một số ý kiến cho rằng, để thu hút các nhà đầu tư tham gia đầu tư các dự án thí điểm, đề nghị nghiên cứu bổ sung quy định về chia sẻ rủi ro cho các dự án thí điểm, trong đó, bổ sung nội dung về bố trí nguồn ngân sách nhà nước trong Kế hoạch đầu tư công trung hạn để chia sẻ phần giảm doanh thu cho các dự án thí điểm và được áp dụng luôn, không phải thực hiện các điều kiện về điều chỉnh giá, thời hạn hợp đồng như quy định tại Luật PPP.

Một số ý kiến đề nghị không quy định giới hạn mức tỷ lệ phần trăm vốn nhà nước tham gia dự án vì nhu cầu về vốn nhà nước của các dự án là khác nhau, nên nếu quy định cứng là 70% và áp dụng cho một số dự án thuộc danh mục là chưa phù hợp.

Về cơ chế đặc thù trong khai thác mỏ khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường, nhiều ý kiến tán thành với đề xuất về cơ chế đặc thù trong khai thác mỏ khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường. Tuy nhiên, có 1 ý kiến cho rằng, đề xuất nêu trên là không phù hợp với quy định của Luật Khoáng sản, vì sau khi khai thác khoáng sản chính thì đất, đá, cát, sỏi sẽ không thể xem là khoáng sản để làm vật liệu thông thường. Có ý kiến đề nghị làm rõ hơn việc khai thác mỏ khoáng sản thì được thực hiện cho đến hết thời gian dự án, tránh mâu thuẫn với hiệu lực thi hành tại điều 10 của dự thảo Nghị quyết.

Một số ý kiến đề nghị bổ sung nội dung về: nhà đầu tư, nhà thầu thi công dự án chỉ được khai thác từ các mỏ khoáng sản để phục vụ cho việc xây dựng các dự án thí điểm; quy định trách nhiệm kiểm tra, kiểm soát của UBND các tỉnh, thành phố có dự án; hướng dẫn về hồ sơ, trình tự, thủ tục đăng ký, xác nhận khu vực, công suất, khối lượng, phương pháp thiết kế và kế hoạch khai thác các khoáng sản, vật liệu xây dựng thông thường để phục vụ các dự án thí điểm.

Về cơ chế đặc thù áp dụng đối với các dự án sử dụng nguồn tăng thu ngân sách trung ương năm 2022, có ý kiến đề nghị, việc phân bổ nguồn tăng thu ngân sách trung ương năm 2022 cần lưu ý các dự án của TPHCM và Hà Nội, cụ thể là đường vành đai 3 - TPHCM và đường vành đai 4 - vùng Thủ đô Hà Nội nhằm bảo đảm sự lan tỏa của các đầu tàu kinh tế này.

Tin cùng chuyên mục