Cách ly sẽ không dễ dàng, nhưng cần phải đối mặt

Do phải cách ly vì thuộc nhóm đối tượng F3 nên bắt đầu từ ngày 9-3, chúng tôi hoạt động theo hình thức online nhằm thực hiện nghiêm quy trình cách ly phòng chống Covid-19. đã hơn 3 ngày nay, với cương vị người đứng đầu cơ quan, tôi phải tiếp nhận và xử lý rất nhiều cuộc gọi, tin nhắn thể hiện sự lo lắng, thậm chí lo sợ về tình trạng cách ly để phòng dịch. 

Xử lý khủng hoảng luôn cần đến những kỹ năng nhất định, và có lẽ, dịch Covid-19 sẽ cung cấp một bài học lớn cho mọi người có liên quan về xử lý khủng hoảng, vượt qua khó khăn trong những thời điểm cụ thể của cuộc sống. 

Tâm lý của người có lỗi

Tôi biết rằng, dù muốn hay không, cuộc sống luôn bất an, lo lắng! Giống như muôn vàn thứ khác, bất an, lo lắng cũng có những mặt tích cực của nó. Đó là những cảm giác khiến con người cảnh giác hơn với nguy hiểm xung quanh, từ đó giúp chúng ta thận trọng hơn, và nhờ vậy, có khả năng sinh tồn cao hơn. Cách ly thể hiện một phần sự lo lắng đó và cũng có giá trị tích cực ở phương diện đó.

Có 2 nguyên tắc trong bối cảnh dịch bệnh. Thứ nhất, tính mạng con người là quan trọng nhất. Vì thế, các quyền lợi, nghĩa vụ hay bất kỳ hành động xã hội hoặc cá nhân nào cũng phải xếp sau quyền được sống của mỗi con người. Từ nguyên tắc này, chúng ta có thể hiểu hơn lý do tại sao nhiều hoạt động trong xã hội, từ chính trị, kinh tế, văn hóa hay xã hội đều phải tạm dừng để nhường cho việc khống chế bệnh tật. Và tất cả đều nhận được sự đồng thuận cao.

Thứ hai, các cá nhân phải có nghĩa vụ bảo vệ sức khỏe cộng đồng. Đây chính là trách nhiệm đạo đức của mỗi cá nhân. Vì thế, việc các cá nhân có nguy cơ lây nhiễm, dù ở mức độ đáng báo động hay ít nguy hiểm, cũng cần phải được cách ly, là một cách tiếp cận phù hợp. 

Cách ly sẽ không dễ dàng, nhưng cần phải đối mặt ảnh 1 Người cách ly đang cùng vận động thể thao dưới nắng tại khu cách ly quận 3. Ảnh: HOÀNG HÙNG

Tuy nhiên, nói luôn dễ hơn làm rất nhiều. Cách ly như thế nào là cả một câu chuyện phức tạp. Trừ trường hợp đã mắc bệnh (F0), việc xác định và cách ly F1 dễ dàng hơn, nhưng việc cách ly các nhóm đối tượng F2 trở đi là tương đối khó khăn, khi mà nguy cơ nhiễm bệnh chưa hoàn toàn rõ ràng.

Nhóm chúng tôi thuộc cảnh báo F3, dù ít nguy cơ lây nhiễm nhưng vẫn vào dạng cần phải cách ly. Khi chúng ta biết mình thuộc đối tượng bị cách ly, việc trấn an tinh thần của mọi người không phải lúc nào cũng là chuyện dễ, khi mà những thông tin dồn dập từ bên ngoài đang khiến mọi người hoang mang.

Mọi lý giải để giải thích tại sao lại để chuyện đó xảy ra vào lúc này và với bản thân mình cũng khó thuyết phục hơn. Ai trong số những người nhiễm bệnh và có nguy cơ nhiễm bệnh cũng đều cảm thấy áy náy, có lỗi với gia đình, người thân, bè bạn và cộng đồng. Tất cả họ đều cần có sự cảm thông của mọi người để vượt qua hoàn cảnh éo le này. 

Làm phận sự của mình và động viên lẫn nhau

Vượt qua khó khăn, có nghĩa là chúng ta đã làm được điều gì đó thực sự có ý nghĩa. Tôi thích một câu nói của ai đó rằng: “Trong cuộc sống luôn có một quãng thời gian ngập tràn lo lắng, nhưng ngoài việc dũng cảm đối mặt thì chúng ta chẳng còn lựa chọn nào khác”. Công việc cách ly, dù không ai mong muốn, giờ được xem như sự thể hiện trách nhiệm đối với người thân, cộng đồng. Bên cạnh tác dụng thực tế, cách ly còn là giải pháp tâm lý, rằng chúng ta đang làm một điều gì đó có ích.

Những con người bình dị trong cuộc sống đôi khi lại trở thành những tấm gương, bài học truyền cảm hứng cho toàn xã hội mỗi khi gặp cảnh khó khăn. Trong mỗi giai đoạn khó khăn, chúng ta lại luôn có những tấm gương truyền cảm hứng về lòng tốt cho xã hội. Sống cho người khác chính là trách nhiệm đạo đức làm người.

Bài học đó càng thêm sâu sắc hơn trong bối cảnh khó khăn. Ở Việt Nam, trong dịch bệnh, để giải cứu nông sản, người làm bánh mì đã làm bánh mì thanh long, siêu thị gia tăng sản xuất các sản phẩm từ nông nghiệp. Một số thầy cô làm chai nước rửa tay khô để phát miễn phí. Nhiều nơi, cảnh sát giao thông xuống đường phát khẩu trang miễn phí, làm đẹp hơn hình ảnh của người cảnh sát giao thông.

Đặc biệt, phi hành đoàn Việt Nam bay đến tâm dịch Vũ Hán để đón đồng bào về nước là những hình ảnh thực sự truyền cảm hứng về lòng tốt, “người trong một nước phải thương nhau cùng” và tấm gương cho mọi người noi theo. Những nghĩa cử cao đẹp được thấy rất nhiều, một lần nữa thể hiện những đức tính tốt đẹp của người Việt Nam.

Như vậy, trong hiểm nguy của cuộc sống, nhiều khi làm ươm mầm những giá trị tốt đẹp. Dịch Covid-19 rất nguy hiểm với thế giới nhưng cũng là lúc chúng ta nhìn nhận, tư duy lại những gì đang có, trong đó có những vấn đề của văn hóa. Có thể có nhiều tai hại, nhưng dịch Covid-19 lại là dịp để chúng ta thực sự trải nghiệm cơ hội đối mặt với khó khăn, khủng hoảng. Sẽ không dễ dàng và thoải mái gì, nhưng trong đời, rồi ai cũng phải đối mặt với những khó khăn nhất định.

Tin cùng chuyên mục