Cải cách để người lao động sống được bằng lương

(SGGP). – Nhằm tập hợp các ý kiến chỉnh lý, bổ sung Bộ luật Lao động sửa đổi (dự kiến sẽ được Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ 3 sắp khai mạc), Ủy ban Về Các vấn đề xã hội của Quốc hội đã tổ chức Hội thảo “Thực trạng chính sách lương và các giải pháp cải cách” trong hai ngày 17 và 18-5.

(SGGP). – Nhằm tập hợp các ý kiến chỉnh lý, bổ sung Bộ luật Lao động sửa đổi (dự kiến sẽ được Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ 3 sắp khai mạc), Ủy ban Về Các vấn đề xã hội của Quốc hội đã tổ chức Hội thảo “Thực trạng chính sách lương và các giải pháp cải cách” trong hai ngày 17 và 18-5.

Đa số ý kiến phát biểu tại hội thảo cho rằng, việc thực hiện hai loại lương tối thiểu khác nhau ở khu vực nhà nước và khu vực doanh nghiệp “đã tạo ra sự phân chia nhu cầu sống tối thiểu của người lao động khác với cán bộ, công chức nhà nước”. Điều này không phù hợp với các nguyên tắc xây dựng tiền lương tối thiểu. Mặt khác, tiền lương đối với khu vực doanh nghiệp nhà nước cũng chưa thực sự gắn với năng suất lao động, hiệu quả kinh doanh. Ngược lại, khu vực doanh nghiệp FDI lại có xu hướng ép tiền lương của người lao động xuống sát mức lương tối thiểu, trong khi năng lực thỏa thuận tiền lương của người lao động còn hạn chế, dẫn đến quyền lợi của người lao động chưa được bảo đảm, quan hệ lao động căng thẳng và diễn biến phức tạp.

Gom lại các ý kiến đóng góp về vấn đề này, Chủ nhiệm Ủy ban Về Các vấn đề xã hội Trương Thị Mai nhấn mạnh, mục tiêu của cải cách tiền lương là phải tiến tới bảo đảm cho người lao động sống được bằng tiền lương, tiền lương tối thiểu phải đáp ứng được các nhu cầu tối thiểu của người lao động và gia đình. Nhưng cải cách chính sách tiền lương phải có lộ trình, bước đi phù hợp với điều kiện phát triển của nước ta trong từng giai đoạn. Trong điều kiện cụ thể hiện nay, các giải pháp cải cách tiền lương phải hướng đến một mức lương tối thiểu chung cho toàn xã hội do Chính phủ công bố, hoặc chỉ có lương tối thiểu trong khu vực doanh nghiệp làm cơ sở để người sử dụng lao động và người lao động thỏa thuận tiền lương.

Ở khu vực nhà nước, cần xây dựng mức tiền lương cơ bản tương ứng mức lương trung bình khá trong xã hội để trả cho cán bộ công chức - loại lao động đặc thù thực hiện chức năng quản lý nhà nước. Đồng thời, cần có giải pháp nâng cao năng suất, hiệu quả công việc; sắp xếp lại theo mô hình vị trí việc làm, đổi mới cơ chế tự chủ trong khu vực dịch vụ công và tạo nguồn để bảo đảm chi trả lương phù hợp với chất lượng, hiệu quả công việc.

Chủ nhiệm Trương Thị Mai cho biết thêm, theo dự kiến, Chính phủ cũng sẽ trình Quốc hội xem xét dự án Luật Việc làm và dự án Luật Tiền lương tối thiểu. Những đạo luật này sẽ góp phần đặt nền tảng, nguyên tắc cơ bản cho quan hệ lao động, tiêu chuẩn lao động nói chung và chính sách tiền lương nói riêng, tạo cơ sở pháp lý để xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định, tiến bộ, góp phần thúc đẩy sự tăng trưởng kinh tế và phát triển xã hội bền vững.  

A.THƯ

Tin cùng chuyên mục