Cải tạo 146 trạm y tế tại TPHCM: Tiếp tục trễ hẹn!

TPHCM đã triển khai nhiều chủ trương, chính sách đột phá nhằm nâng tầm tuyến y tế cơ sở, trong đó thông qua nghị quyết đầu tư mới, cải tạo, sửa chữa 146 trạm y tế. Tuy nhiên, đến nay việc cải tạo vẫn giậm chân tại chỗ, nhiều trạm y tế tiếp tục xuống cấp, không đảm bảo công tác khám chữa bệnh ban đầu cho người dân trên địa bàn.

Mưa dột tứ bề

Chiều 23-5, chúng tôi tìm tới Trạm Y tế (TYT) phường An Lạc, quận Bình Tân trong cơn mưa như trút nước, phía bên trong mọi người đang hối hả thu dọn vật tư y tế, thuốc… chuyển qua chỗ khô ráo hơn khi nước từ mái tôn trút xuống.

Bác sĩ Nguyễn Văn Dương, Trưởng TYT phường An Lạc cho biết, trạm được xây mới và đưa vào sử dụng năm 2004 với quy mô 1 trệt, 1 lầu cùng đầy đủ các phòng chức năng, đảm bảo công tác khám chữa bệnh cho người dân trên địa bàn. Tuy nhiên, do sử dụng đã lâu, sân phía ngoài sụt lún nền dẫn tới chân móng công trình nhiều nơi hở hàm ếch, làm mất cân đối giữa nền sân và phía trong trạm, gây ra nứt, bong tróc tường, thấm dột... Gần như toàn bộ trần ở lầu 1 bị bong thạch cao, hư mục mái tôn, chỉ cần mưa nhỏ cũng bị dột tứ bề làm tràn nước xuống tầng trệt, nhiều người bị trơn trượt té ngã, nhất là người bệnh cao tuổi, người khuyết tật... Tương tự, TYT phường Bình Hưng Hòa B (Bình Tân) sau gần 20 năm sử dụng cũng đang xuống cấp nhiều hạng mục, trong khi ngoài việc thực hiện các công tác phòng chống dịch bệnh, tiêm chủng… cho trên 95.000 nhân khẩu toàn phường, trạm còn quản lý, khám chữa bệnh cho 4.960 người cao tuổi.

Y4c.jpg
Trạm Y tế xã Tân Thới Hiệp, huyện Hóc Môn bị thấm dột, xuống cấp. Ảnh: QUANG HUY

Điều dưỡng Đoàn Thị Tuyết Nhung, Phó trưởng TYT phường 8 (quận 11), phản ánh: “Chúng tôi chờ đợi trạm được nâng cấp để không còn tình trạng trời mưa là trần nhà thấm dột, nền ngập nước lõm bõm… Hệ thống quạt bị hư hỏng lâu ngày, nhiều người dân đến khám bày tỏ lo lắng vì sợ quạt rơi vào đầu”. Trong khi thời gian gần đây, lượt người dân tới thăm khám tại trạm khá đông, đạt từ 100 - 150 lượt người/ngày, chưa kể trạm mở thêm phòng khám đông y để thu hút thêm người bệnh. Tình cảnh của các TYT trên cũng giống hàng chục TYT khác trên địa bàn thành phố, đâu đâu cũng rơi vào cảnh trời nắng thì nóng như rang, mưa thì thấm dột, nước tràn vào các khoa phòng, không đảm bảo công tác khám chữa bệnh.

Cần sự vào cuộc quyết liệt hơn

Trước thực trạng đó, ngành y tế đã tham mưu cho thành phố nhiều giải pháp để đầu tư xây dựng mới, nâng cấp, sửa chữa các TYT đã xuống cấp. Ngày 18-4-2023, HĐND TPHCM ban hành Nghị quyết số 05/NQ-HĐND về phê duyệt chủ trương đầu tư Dự án Đầu tư xây mới, nâng cấp, cải tạo và mua sắm trang thiết bị cho 146 TYT tuyến xã, phường, thị trấn trên địa bàn thành phố giao Ban QLDA đầu tư xây dựng các công trình dân dụng và công nghiệp TPHCM làm chủ đầu tư. Dự án thực hiện đầu tư 146 TYT, trong đó có 140 trạm được sửa chữa và 6 trạm xây mới với tổng vốn lên đến 296 tỷ đồng. Thời gian thực hiện từ năm 2023 - 2025.

TS-BS Nguyễn Trung Hòa, Giám đốc Trung tâm Y tế Gò Vấp, cho biết, quận có 9/16 TYT được cải tạo, sửa chữa với tổng kinh phí khoảng 11 tỷ đồng, tuy nhiên hơn 1 năm nay vẫn chưa triển khai được dự án nào. Cùng cảnh ngộ, theo BS-CKII Nguyễn Văn Trường, Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Hóc Môn, Hóc Môn có 4 TYT nằm trong danh mục được cải tạo, sửa chữa, xây mới, trong đó TYT xã Tân Thới Nhì đang bị thấm dột nặng. “Ban QLDA cho biết quý 4-2023 sẽ được sữa chữa, nâng cấp. Giờ sắp hết quý 2-2024 vẫn chưa thấy động tĩnh gì”, bác sĩ Trường chia sẻ. Bà Lê Thị Ngọc Dung, Phó Chủ tịch UBND quận Bình Tân, cũng bày tỏ lo lắng khi trên địa bàn quận có 4/10 công trình TYT cần được nâng cấp, sửa chữa nhằm đáp ứng nhu cầu phòng chống dịch bệnh, khám chữa bệnh cho nhân dân là TYT phường Bình Hưng Hòa; TYT phường Bình Hưng Hòa B; TYT phường Bình Trị Đông B và TYT phường An Lạc.

Các TYT này đã được quận triển khai khảo sát từ năm 2022 và phê duyệt chủ trương đầu tư dự án công trình theo TYT mô hình điểm. Đến nay cả 4 dự án này vẫn chưa có quyết định giao vốn để triển khai thực hiện. Một vấn đề khác, thành phố đặt chỉ tiêu đến 2025 có 50% TYT trên địa bàn xây dựng TYT theo nguyên lý y học gia đình nhằm phục vụ người dân tốt hơn, giúp giảm tình trạng quá tải cho tuyến trên; tuy nhiên với sự chậm trễ này, các chỉ tiêu rất khó thực hiện được.

Phấn đấu khởi công dự án trong quý 1-2025

Ông Nguyễn Văn Trường, Giám đốc Ban QLDA đầu tư xây dựng các công trình dân dụng và công nghiệp TPHCM cho biết, sau khi được thành phố giao làm chủ đầu tư 146 TYT, ban đã phối hợp chặt với địa phương để thực hiện xong các gói thầu giai đoạn chuẩn bị; lập báo cáo nghiên cứu khả thi... Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện có một số khó khăn, vướng mắc dẫn đến chưa có đủ cơ sở để trình thẩm định, phê duyệt dự án đầu tư. Ngoài ra, vấn đề quy hoạch, cấp phép về môi trường của các đơn vị liên quan cũng chậm trễ nên tiến độ hiện nay chậm so với kế hoạch ban đầu. Hiện ban đang nỗ lực phối hợp với các đơn vị liên quan để hoàn thiện hồ sơ trình cơ quan có thẩm quyền ban hành quyết định phê duyệt dự án đầu tư. Dự kiến trình thẩm định, phê duyệt báo cáo nghiên cứu khả thi cho sở chuyên ngành trong tháng 6-2024 và dự kiến tổ chức đấu thầu, lựa chọn nhà thầu, khởi công xây dựng công trình trong quý 1-2025. Hoàn thành, bàn giao công trình đưa vào sử dụng trong quý 4-2025.

Tin cùng chuyên mục