“Cầm vàng, đừng để vàng rơi”

Trao đổi với phóng viên Báo SGGP xung quanh sự kiện Việt Nam chuẩn bị đón công dân thứ 100 triệu, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội, ông Nguyễn Hoàng Mai  nhấn mạnh yêu cầu tận dụng tối đa lợi thế cơ cấu “dân số vàng” và tránh được bẫy “thu nhập trung bình”.

PHÓNG VIÊN: Thưa ông, nhân sự kiện đáng nhớ này, ông có bình luận gì?

Ông NGUYỄN HOÀNG MAI: Quy mô dân số đủ lớn là một trong những yếu tố quan trọng cho phát triển. Bên cạnh đó, chúng ta còn có một thuận lợi khác là đang trong thời kỳ có cơ cấu dân số vàng. Nếu như có chiến lược kinh tế - xã hội đúng đắn, toàn diện thì quy mô và cơ cấu dân số vàng có thể trở thành động lực quan trọng thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội Nguyễn Hoàng Mai

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội Nguyễn Hoàng Mai

Tuy nhiên, phải nói là chúng ta cũng đã trải qua được một nửa thời kỳ dân số vàng (bắt đầu từ năm 2006-2007, dự kiến kết thúc vào năm 2039) mà vẫn đang ở ngưỡng thu nhập trung bình thấp. Mặt khác, số lượng mới chỉ là một vấn đề. Quan trọng hơn còn là chất lượng dân số. Thẳng thắn mà nói thì chất lượng dân số của chúng ta còn nhiều hạn chế. Chỉ số phát triển con người (HDI) mới đạt 0,703 điểm, xếp thứ 115/191 quốc gia và vùng lãnh thổ và chưa có cải thiện đáng kể trong vài năm gần đây.

Ông có thể nói rõ hơn về chất lượng dân số?

Ở Việt Nam, tuổi thọ trung bình có nâng lên, nhưng tuổi khỏe mạnh lại thấp so với nhiều nước. Phụ nữ trung bình có 11 năm và nam giới có 8 năm sống trong bệnh tật. Sức khỏe người Việt đã được cải thiện đáng kể, nhưng vẫn còn gánh nặng bệnh tật kép. Bệnh truyền nhiễm và bệnh không lây nhiễm đang có xu hướng trẻ hóa. Số người trẻ bị huyết áp cao, đột quỵ, trầm cảm... khá nhiều. Bên cạnh đó, tỷ số giới tính khi sinh vẫn mất cân bằng (112 bé trai/100 bé gái). Đặc biệt là mức sinh không đồng đều giữa các tỉnh, thành. Nhiều tỉnh, thành có mức sinh rất thấp nhưng cũng có vùng mức sinh hơn 2,5 con/phụ nữ.

Một vấn đề nữa cần phải lưu ý là tỷ lệ lao động qua đào tạo chuyên môn của Việt Nam vẫn chưa cao, nhiều lao động đào tạo ra không đáp ứng được yêu cầu ngành nghề, dẫn đến năng suất lao động thấp; khó lòng đáp ứng yêu cầu của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 khi hội nhập quốc tế.

Nhiều ý kiến cảnh báo năng suất lao động thấp được coi là một nguy cơ khiến người dân Việt Nam “chưa giàu đã già”, tạo ra gánh nặng về an sinh xã hội, quan điểm của ông về ý kiến này thế nào?

Đó là lo lắng rất chính đáng. Như tôi đã nói, chúng ta có 2 bài toán cơ bản phải giải, liên quan đến “bẫy” thu nhập trung bình và chất lượng dân số nói chung, xu hướng già hóa dân số nói riêng. Tôi cho rằng nếu giải tốt được bài toán về thu nhập, chúng ta sẽ có nguồn lực, có điều kiện tốt hơn để xử lý vấn đề còn lại. Bởi vì dù muốn hay không, chúng ta cũng đến thời kỳ dân số vàng chấm dứt, chỉ có thể trì hoãn được một số năm mà thôi. Còn những giải pháp thoát “bẫy” thu nhập trung bình đã được chỉ rõ nhiều lần. Đó là chuyển đổi mô hình tăng trưởng thâm dụng tài nguyên và nguồn lao động giá rẻ sang tăng trưởng dựa trên đổi mới kỹ thuật sản xuất, nâng cao năng suất, tạo ra sản phẩm mới mang tính cạnh tranh… Vấn đề là thực hiện như thế nào.

Xét từ góc độ xây dựng khuôn khổ pháp luật, ông cho là cần ưu tiên cho những dự án lập pháp nào?

Cần rà soát và có sự điều chỉnh đồng bộ các chính sách về lao động, việc làm, y tế, bảo hiểm, giáo dục - đào tạo. Dĩ nhiên, các chính sách nhằm kích thích phát triển kinh tế, hỗ trợ hoạt động sản xuất kinh doanh, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật… cũng cần xem xét, nếu cần thiết thì chỉnh lý, sửa đổi.

Công nhân Công ty Phát triển kinh tế Duyên Hải (COFIDEC)trên dây chuyền sản xuất thực phẩm. Ảnh: HOÀNG HÙNG

Công nhân Công ty Phát triển kinh tế Duyên Hải (COFIDEC)trên dây chuyền sản xuất thực phẩm. Ảnh: HOÀNG HÙNG

Lãnh đạo TPHCM từng bày tỏ lo lắng về tỷ lệ sinh khá thấp, tốc độ già hóa dân số nhanh. Ông nghĩ sao về vấn đề này?

Dân số TPHCM đúng là đã có xu hướng chững lại, với tỷ lệ sinh thấp xa so với mức sinh thay thế và bình quân cả nước: năm 2022, tỷ lệ sinh ở TPHCM chỉ đạt 1,39 con/phụ nữ, so với bình quân cả nước là 2,01 con/phụ nữ. Nhưng đặc điểm của TPHCM là tỷ lệ dân nhập cư rất lớn. Nếu xử lý được “bẫy” thu nhập trung bình thì TPHCM sẽ như một thỏi nam châm thu hút người lao động trẻ, có trình độ, có kỹ năng. Muốn vậy thì phải có những thay đổi táo bạo trong tư duy, tạo ra những động lực tăng trưởng mới, thu hút đầu tư, đào tạo nhân lực, nâng cao khả năng cạnh tranh trên thị trường quốc tế…

Tóm lại, giống như khi gia đình chuẩn bị chào đón một thành viên mới, chúng ta cũng cần chuẩn bị thật tốt khi công dân thứ 100 triệu chào đời, để ngày đó thực sự đánh dấu một giai đoạn phát triển cao hơn của dân tộc. Ví von một chút, với cơ cấu dân số vàng, chúng ta đang cầm vàng trong tay, đánh rơi thì thật tiếc.

Công dân của một Việt Nam hùng cường

Có thể nói, đạt 100 triệu dân là sự kiện rất lớn, một cơ hội lớn của dân tộc ta. Bởi 100 triệu người là nguồn nhân lực rất lớn, 100 triệu dân cũng là 100 triệu người tiêu dùng, tạo nên một thị trường rộng lớn để chúng ta phát triển. Khi đạt 100 triệu người cũng tạo ra cơ hội thu hút đầu tư rất lớn, không chỉ là thu hút về tài chính mà còn về ý tưởng, công nghệ, sự hiểu biết, sự giao lưu… rất nhiều thứ bổ sung vào sự giàu có của dân tộc ta.

Bên cạnh cơ hội thì vẫn có những thách thức không thể tránh được, như vấn đề lương thực, thực phẩm cho 100 triệu người, hay việc làm. Thời gian qua, mỗi năm chúng ta tăng khoảng 1 triệu người, nghĩa là mỗi năm có 1 triệu người cần việc làm. Nếu không đáp ứng được nhu cầu việc làm thì sẽ phát sinh các vấn đề xã hội rất lớn. Thành thử đó là “hai mặt của tấm huy chương”, khi ta xử lý được mặt trái thì cũng chính là tạo điều kiện để mặt phải đi lên. Tôi thấy ở đây cơ hội nhiều hơn thách thức. Và chúng ta cần phải làm gì đó để đánh dấu sự kiện này, một cột mốc rất quan trọng của dân tộc ta.

Rõ ràng chúng ta đang trong gia đoạn dân số vàng, nhưng cũng đang già hóa dân số rất nhanh. Thời gian để phát huy lợi thế về dân số vàng không còn nhiều. Dự kiến đến cuối năm 2039, Việt Nam sẽ bước vào thời kỳ dân số già. Như vậy, chỉ còn hơn 15 năm để chúng ta phát triển và cải thiện nguồn nhân lực. Không chỉ nguồn nhân lực có năng lực làm ra của cải vật chất, sáng tạo nhiều hơn, mà còn phải là nguồn nhân lực có sức khỏe tốt hơn. Bởi chăm sóc sức khỏe không tốt thì chất lượng cuộc sống rất thấp, gánh nặng xã hội rất lớn. Do đó, chúng ta phải định hướng chính sách ở cả hai góc độ. Thứ nhất là thúc đẩy phát triển kinh tế nhanh hơn, có điều kiện vật chất vững vàng để khi già hóa dân số mới có điều kiện chăm sóc sức khỏe cho nhân dân. Thứ hai là chúng ta phải đầu tư nhiều hơn cho ngành y tế, chăm sóc và giáo dục về sức khỏe. Cần có chiến lược rèn luyện sức khỏe hướng vào người già để người già không trở thành gánh nặng.

Trước hết là phải đầu tư cho y tế và giáo dục, coi đây là tương lai của đất nước chứ không phải chuyện “trống cờ”. Trong đó, giáo dục phải thực hiện toàn diện về kiến thức, kỹ năng, thái độ chứ không chỉ giáo dục về trình độ. Điều nữa là tạo điều kiện để giới trẻ phát huy được sở trường, lựa chọn công việc phù hợp với sở trường của mình. Đặc biệt là các lĩnh vực trở thành xu hướng của thế giới như khoa học - công nghệ, thương mại điện tử, trí tuệ nhân tạo. Với những lĩnh vực này, chuyển giao cho thế hệ trẻ càng sớm thì càng có nhiều cơ hội. Cùng với đó là tạo các điều kiện cho kinh tế phát triển.

Bên cạnh đó, mỗi người dân phải đặt mục tiêu để trở thành công dân của Việt Nam có thương hiệu, một Việt Nam hùng cường, một Việt Nam được tất cả các nước kính trọng, nể phục. Muốn như vậy thì phải giỏi, phát huy lợi thế của người Việt, tinh thần hợp tác và chia sẻ với nhau để tạo thành sức mạnh, làm cho đất nước phát triển. Với lớp trẻ bây giờ, làm chủ khoa học - công nghệ, thúc đẩy sáng tạo và phát triển trên nền tảng khoa học - công nghệ là rất quan trọng. Đó là cái cần trở thành động lực của thế hệ trẻ hôm nay. Tất nhiên là phải khắc phục thái độ thờ ơ, sống vì mục tiêu trước mắt của một bộ phận giới trẻ.

TS NGUYỄN SĨ DŨNG

(NGÔ BÌNH ghi)

Tin cùng chuyên mục