Cần chính sách, cơ chế đặc thù để phát triển y tế thông minh

Đích đến cuối cùng của y tế thông minh là phục vụ người bệnh. Dù sử dụng ứng dụng nào nhưng nếu người dân không dùng, không hưởng ứng thì là thất bại. Do đó, TPHCM cần có những chính sách, cơ chế đặc thù để phát triển y tế thông minh.
Toàn cảnh buổi làm việc
Toàn cảnh buổi làm việc

Sáng 15-11, Ban Văn hóa - Xã hội, HĐND TPHCM đã tổ chức giám sát về tình hình triển khai thực hiện Đề án “Y tế thông minh giai đoạn 2021-2025 và tầm nhìn 2030” đối với các sở: Y tế, Tài chính, Kế hoạch - Đầu tư, Nội vụ, Thông tin - Truyền thông và Bảo hiểm xã hội TPHCM dưới sự chủ trì của đồng chí Cao Thanh Bình, Trưởng Ban Văn hóa – Xã hội, HĐND TPHCM.

Chưa được đầu tư đúng mức

Thông tin về tình hình thực hiện đề án y tế thông minh giai đoạn 2021-2025 và tầm nhìn 2030 tại Sở Y tế TPHCM, TS-BS Nguyễn Anh Dũng, Phó Giám đốc Sở Y tế TPHCM cho biết, trong những năm qua, ngành y tế TPHCM đã triển khai ứng dụng công nghệ thông tin trong nhiều hoạt động, hướng đến y tế thông minh (YTTM).

Cụ thể, Sở Y tế TPHCM đã triển khai xây dựng dữ liệu lớn về sức khỏe và mô hình bệnh tật của người dân thành phố với mục tiêu tạo lập dữ liệu hồ sơ sức khỏe điện tử. Hiện đã tạo lập được trên 5.000 hồ sơ. Dự kiến đến năm 2025, mỗi người dân TPHCM đều có hồ sơ sức khỏe điện tử.

Cần chính sách, cơ chế đặc thù để phát triển y tế thông minh ảnh 1 TS-BS Nguyễn Anh Dũng, Phó Giám đốc Sở Y tế TPHCM thông tin tại buổi làm việc
Các bệnh viện ưu tiên nguồn lực trong đầu tư, phát triển hạ tầng công nghệ thông tin (CNTT) đủ điều kiện để triển khai bệnh án điện tử. Thực tế hiện nay, 22/25 bệnh viện đã trang bị phần mềm quản lý bệnh viện HIS, 53/55 bệnh viện triển khai hệ thống thông tin phòng xét nghiệm (LIS), 36/55 bệnh viện triển khai hệ thống thông tin chẩn đoán hình ảnh (RIS), 11/53 bệnh viện có hệ thống thông tin lưu trữ và thu nhận hình ảnh (PACS), 41/55 bệnh viện đã xây dựng Kế hoạch triển khai bệnh án điện tử.

Hiện nay đã có 22/28 bệnh viện hạng 1 đảm bảo triển khai bệnh án điện tử trong năm 2023 theo đúng lộ trình của Bộ Y tế. Cùng với đó, các bệnh viện đều chú trọng ứng dụng CNTT, tăng thêm các tiện ích cho người bệnh như: ứng dụng tra cứu nơi khám, chữa bệnh, Ứng dụng “Y tế trực tuyến”, thanh toán không dùng tiền mặt, đặt lịch khám trực tuyến…

Tuy nhiên, theo bác sĩ Nguyễn Anh Dũng, ngành y tế cũng đối diện với nhiều khó khăn thách thức khi thực hiện YTTM bởi hạ tầng CNTT, phần mềm ứng dụng ở các cở sở y tế hiện nay chưa được đầu tư đúng mức. Các hệ thống phần mềm quản lý thông tin trong bệnh viện được triển khai từ rất sớm, không được nâng cấp kịp thời, do đó công nghệ sử dụng trên phần mềm lạc hậu, rất khó khăn khi ứng dụng chữ ký số để thực hiện các quy trình nghiệp vụ trên môi trường số hoặc không đảm bảo được tính toàn vẹn dữ liệu.

Bên cạnh đó, nguồn nhân lực chuyên trách CNTT còn gặp hạn chế; dữ liệu không tương thích và các vấn đề về an ninh mạng; chi phí đầu tư CNTT chưa được tính vào chi phí thu viện phí, dẫn đến việc đầu tư mới và tái đầu tư trong quá trình vận hành hệ thống công nghệ thông tin tại các cơ sở y tế gặp nhiều khó khăn, hầu hết các cơ sở y tế phải sử dụng nguồn quỹ phát triển sự nghiệp để đầu tư.

Ngoài ra, thời gian thực hiện các dự án đầu tư CNTT còn kéo dài do thủ tục đầu tư phức tạp, do đó đầu tư vào hạ tầng công nghệ thông tin là không dễ dàng, không đồng bộ ở các cơ sở y tế.

Cần hướng đến người dân

Thảo luận tại buổi làm việc, TS-BS Lê Trường Giang, Chủ tịch Hội Y tế công cộng TPHCM cho rằng, hiện nay, các ứng dụng CNTT hướng tới YTTM mới chỉ dừng lại phục vụ cho việc quản lý chung của ngành, còn hoạt động của các bệnh viện và người dân thụ hưởng ra sao thì chưa thực sự được quan tâm. Trong khi đó, quan trọng nhất là người dân, người bệnh thụ hưởng các ứng dụng CNTT như thế nào.

“Cái đích đến cuối cùng của y tế thông minh là phục vụ người bệnh. Dù sử dụng ứng dụng nào nhưng nếu người dân không dùng, không hưởng ứng thì là thất bại”, TS-BS Lê Trường Giang nhấn mạnh.

Đồng thời cho rằng, ngành y tế đang gặp nhiều khó khăn trong việc hướng tới YTTM bởi ứng dụng CNTT trong ngành y tế rất phức tạp, mỗi đơn vị lại có một đặc thù riêng, không đơn vị nào giống đơn vị nào. Đặc biệt, vấn đề nhân lực công nghệ thông tin rất nan giải, mỗi nhân sự cần phải làm việc trong các bệnh viện từ 3-5 năm mới có thể am hiểu hết được lĩnh vực y tế. Do đó, TPHCM cần có những chính sách, cơ chế đặc thù để phát triển YTTM.

Cần chính sách, cơ chế đặc thù để phát triển y tế thông minh ảnh 2 ĐB Tăng Hữu Phong, Tổng Biên tập Báo SGGP phát biểu thảo luận
Còn theo ĐB Tăng Hữu Phong, Tổng Biên tập Báo SGGP, hiện có sự chênh lệnh giữa các bệnh viện trong thực hiện đề án YTTM. Việc phê duyệt đề án ở các bệnh viện còn chậm, thiếu sự đồng bộ dẫn đến tổ chức triển khai thực hiện, mua sắm trang thiết bị máy móc không tương thích.

Bên cạnh đó là việc dịch chuyển về nguồn nhân lực và yêu cầu nhân lực để thực hiện đề án này tại từng bệnh viện cũng gặp nhiều khó khăn và thiếu; dữ liệu tại nhiều bệnh viện hiện nay không tương thích với nhau, thậm chí đơn lẻ ở từng bệnh viện; đường truyền cũng rất chậm trong sử dụng hệ thống dữ liệu…

ĐB Tăng Hữu Phong kiến nghị, cần có một cái nhìn thấu đáo về vấn đề an ninh, an toàn dữ liệu, mạng dữ liệu dùng chung sau gần 1,5 năm thực hiện đề án YTTM và việc triển khai đề án YTTM người dân đã thực sự được hưởng gì, giảm tải của bệnh viện đang ở mức độ nào và người dân đã thực sự hài lòng chưa?

Cần chính sách, cơ chế đặc thù để phát triển y tế thông minh ảnh 3 Ông Cao Thanh Bình, Trưởng Ban Văn hóa – Xã hội, HĐND TPHCM phát biểu tại buổi làm việc
Ghi nhận những nỗ lực, cố gắng trong thực hiện đề án YTTM của các sở, đặc biệt là sự phối hợp của các sở ngành cùng với ngành y tế để thực hiện các nhiệm vụ chăm sóc sức khỏe cho người dân, ông Cao Thanh Bình, Trưởng Ban Văn hóa – Xã hội, HĐND TPHCM cho rằng, ngành y tế TPHCM cần xem xét lại việc người dân hưởng ứng, sử dụng như thế nào các ứng dụng CNTT đã triển khai, trong đó chú trọng đến tần suất sử dụng, tính hiệu quả của các ứng dụng.

Bên cạnh đó, ngành y tế phải tổng hợp đánh giá nguồn lực, tổng hợp (từ ngân sách, của các đơn vị, hợp tác công - tư) để làm sao tất cả các cơ sở y tế đều hưởng ứng, tạo ra sự đồng bộ trong phát triển YTTM với mục tiêu người dân dù khám bệnh ở đâu cũng có thể tích hợp, liên kết được.

Trước mắt, ngành y tế cần nghiên cứu vấn đề liên thông giữa các bệnh viện, ban đầu thử nghiệm liên kết ở một vài bệnh viện, sau đó mở rộng ra toàn TPHCM. Ngoài ra, ngành y tế cũng cần tham mưu, đề xuất một số chính sách đặc thù để hỗ trợ việc thực hiện Đề án Y tế thông minh như hạ tầng CNTT, nhân lực CNTT… không chỉ cho bệnh viện công mà cả các đơn vị tư nhân.

Đề án “Y tế thông minh giai đoạn 2021 - 2025 và tầm nhìn đến năm 2030” năm 2022 - 2023 do UBND TPHCM ban hành với mục tiêu chung là triển khai hiệu quả hoạt động chuyển đổi số hướng đến xây dựng dữ liệu lớn của ngành y tế, giúp dự báo và xây dựng chiến lược y tế, góp phần nâng cao chất lượng quản lý và chăm sóc sức khỏe của người dân.

Kế hoạch đề ra các mục tiêu cụ thể: Tạo lập hồ sơ sức khỏe điện tử của mỗi người dân TP, đảm bảo kết nối liên thông với các cơ sở dữ liệu lớn của TP và tuân thủ khung kiến trúc chính quyền điện tử TP; Quản lý dịch bệnh mới nổi bằng các nền tảng số, đảm bảo kết nối liên thông với các cơ sở dữ liệu lớn của TP và tuân thủ khung kiến trúc chính quyền điện tử TP; Bước đầu xây dựng cơ sở dữ liệu dùng chung của ngành y tế, ưu tiên các dữ liệu về hồ sơ sức khỏe điện tử, dữ liệu khám chữa bệnh, dữ liệu phòng, chống dịch bệnh; xây dựng Hệ thống điều hành thông tin mạng lưới các trạm cấp cứu ngoài bệnh viện.

Tin cùng chuyên mục